Trên sàn New York Mercantile Exchange, sáng 24/10 (theo giờ Việt Nam), giá dầu WTI của Mỹ giao tháng 12 giảm 1,91 USD, tương đương 2,2%, xuống mức 83,58 USD/thùng. Còn dầu Brent tương lai tháng 12 giảm 1,76 USD, tương đương 1,96%, xuống mức 88,07 USD/thùng.
Các chuyên gia cho biết, kết thúc phiên giao dịch ngày 24/10, giá dầu giảm khoảng 2%, đánh dấu phiên lao dốc thứ ba liên tiếp. Giá dầu giảm sau một loạt dữ liệu kinh tế chậm từ Đức, khu vực đồng euro và Anh ảnh hưởng đến triển vọng nhu cầu năng lượng.
Dữ liệu hoạt động kinh doanh khu vực đồng Euro bất ngờ giảm trong tháng này cho thấy khối này có thể rơi vào suy thoái. Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) khu vực đồng euro, do S&P Global tổng hợp và được coi là chỉ dẫn tốt về sức khỏe nền kinh tế tổng thể, đã giảm xuống 46,5 trong tháng 10 từ mức 47,2 của tháng 9 và là mức thấp nhất kể từ tháng 11/2020.
PMI cho thấy, hoạt động kinh doanh ở Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, đang diễn ra suy thoái trong tháng thứ tư liên tiếp do sự suy thoái trong sản xuất đi đôi với sự sụt giảm mới trong dịch vụ. Trong khi đó, các doanh nghiệp Anh cũng báo cáo hoạt động kinh doanh sụt giảm hằng tháng, nhấn mạnh rủi ro suy thoái kinh tế ngay trước thềm quyết định lãi suất của Ngân hàng Anh vào tuần tới.
Ngược lại, dữ liệu của Mỹ cho thấy sản lượng kinh doanh tăng cao hơn trong tháng 10 khi ngành sản xuất thoát khỏi tình trạng suy thoái kéo dài 5 tháng. Sức mạnh tương đối của nền kinh tế Mỹ đã giúp nâng giá đồng USD, khiến dầu được định giá bằng USD trở nên đắt hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự kiến nhu cầu nhiên liệu hóa thạch sẽ đạt đỉnh vào năm 2030 dựa trên các chính sách hiện hành của chính phủ. Ngày 23/10, cả dầu Brent và WTI đều giảm hơn 2% khi các nỗ lực ngoại giao ở Trung Đông, khu vực cung cấp dầu lớn nhất thế giới, được tăng cường nhằm ngăn chặn xung đột leo thang giữa Israel và Hamas.
Ngày 24/10, dữ liệu từ Viện Dầu khí Mỹ cho thấy tồn kho dầu thô ở Mỹ đã giảm 2,668 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 20-10; tồn kho xăng giảm 4,169 triệu thùng; tồn kho sản phẩm chưng cất cũng giảm khoảng 2,313 triệu thùng. Sự giảm này cho thấy nhu cầu mạnh mẽ tại Mỹ.