Trên sàn New York Mercantile Exchanghe, sáng 25/8 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 10/2022 đứng ở mức 95,41 USD/thùng, tăng 0,52 USD/thùng trong phiên. Nếu so với cùng thời điểm ngày 24/8, giá dầu WTI giao tháng 10/2022 đã tăng 1,7 USD/thùng. Còn giá dầu Brent giao tháng 10/2022 đứng ở mức 101,99 USD/thùng, tăng 0,77 USD/thùng trong phiên nhưng đã tăng tới 1,76 USD so với cùng thời điểm ngày 24/8.
Nhận định của giới phân tích, trong bối cảnh thị trường ghi nhận triển vọng tiêu thụ năng lượng ở Mỹ tăng cao giúp giá dầu ngày 25/8 duy trì đà tăng mạnh.
Theo dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), tồn kho dầu thô của nước này đã giảm 3,3 triệu thùng, tồn kho xăng giảm 4,6 triệu thùng trong tuần trước.
Thông tin này cho thấy, nhu cầu năng lượng của Mỹ đang có xu hướng phục hồi mạnh, bất chấp việc nước này đang thực hiện xả kho dự trữ chiến lược 1 triệu thùng/ngày. Tuy nhiên, dữ liệu tồn kho dầu thô và xăng dầu cũng cho thấy sức tiêu thụ xăng của nền kinh tế Mỹ đang có chiều hướng suy giảm. Đây là một chỉ báo tiêu cực về nguy cơ suy giảm kinh tế trong thời gian tới.
Giá dầu hôm nay cũng được hỗ trợ mạnh bởi quan điểm cứng rắn, không nhượng bộ về vấn đề Thoả thuận hạt nhân của Iran. Iran cho biết họ đã nhận được phản hồi từ Mỹ về văn bản "cuối cùng" của Liên minh châu Âu (EU), về việc hồi sinh thỏa thuận hạt nhân năm 2015 của Tehran nhưng không cho biết chi tiết. Điều này đã thu hẹp đáng kể khả năng hoạt động xuất khẩu dầu của Iran được nới lỏng.
Trước đó, giá dầu thô tăng mạnh khi Ả Rập Xê-út đề cập đến khả năng OPEC+ có thể xem xét cắt giảm sản lượng trong trường hợp sản lượng dầu của Iran tăng.
Những lo ngại về khả năng gián đoạn nguồn cung dầu từ Mỹ khi cao điểm mùa bão đến gần cũng là nhân tố hỗ trợ giá dầu đi lên. Áp lực nguồn cung dầu thô cũng đang lớn dần khi thời điểm các lệnh cấm vận của châu Âu đối với dầu thô Nga và mùa đông khắc nghiệt ở châu Âu đang đến gần. Tình trạng nắng nóng, hạn hán kéo dài ở châu Âu và Trung Quốc cũng được cảnh báo sẽ làm tăng các nhu cầu về dầu thô.