Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá xăng dầu hôm nay 26/10: Brent vượt mức hơn 90 USD/thùng

Nguyên Dương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Do lo ngại xung đột Israel - Hamas lan rộng ra khắp Trung Đông, giá xăng dầu bật tăng khoảng 2%, Brent duy trì mức giá hơn 90 USD/thùng.

Trên sàn New York Mercantile Exchange, sáng 26/10 (theo giờ Việt Nam), giá dầu WTI của Mỹ giao tháng 12 tăng 1,65 USD, tương đương 1,97%, lên mức 85,39 USD/thùng. Còn dầu Brent tương lai tháng 12 tăng 2,06 USD, tương đương 2,34%, lên mức 90,13 USD/thùng.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Các chuyên gia cho biết, kết thúc phiên giao dịch ngày 25/10, giá dầu tăng khoảng 2%, do lo ngại xung đột Israel - Hamas lan rộng ra khắp Trung Đông, nhưng mức tăng bị hạn chế do tồn kho dầu thô của Mỹ cao hơn dự kiến và triển vọng kinh tế ảm đạm ở châu Âu.

Giá giảm vào đầu phiên nhưng đã đảo ngược mức giảm do rủi ro địa chính trị tăng cao. Reuters đưa tin, các quan chức cho biết Israel đã tăng cường ném bom vào nam Gaza và bạo lực bùng phát ở những nơi khác ở Trung Đông. Thủ tướng Benjamin Netanyahu cho biết trong một tuyên bố trên truyền hình rằng Israel đang chuẩn bị một cuộc chiến trên bộ vào Gaza.

Ngày 25/10, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết tồn kho dầu thô của Mỹ đã tăng 1,4 triệu thùng trong tuần tính đến ngày 20/10 lên 421,1 triệu thùng, vượt mức tăng 240.000 thùng mà các nhà phân tích dự đoán trong một cuộc thăm dò của Reuters.

Trước đó, dữ liệu từ Viện Dầu khí Mỹ cho thấy, tồn kho dầu thô ở Mỹ đã giảm 2,668 triệu thùng; tồn kho xăng giảm 4,169 triệu thùng; tồn kho sản phẩm chưng cất cũng giảm khoảng 2,313 triệu thùng. Sự giảm này cho thấy nhu cầu mạnh mẽ tại Mỹ.

Dữ liệu từ EIA đã giúp giá dầu có xu hướng giảm vì đây là một bước chuyển lớn từ giảm trong dữ liệu của API sang mức tăng trong dữ liệu của EIA.

Còn theo dữ liệu của Ngân hàng Trung ương châu Âu, hoạt động cho vay của ngân hàng trên toàn khu vực đồng euro đã gần như bế tắc vào tháng trước, thêm bằng chứng cho thấy khối 20 quốc gia có thể tiến gần đến suy thoái.

Trong một diễn biến khác, nhu cầu dầu thô có thể được thúc đẩy ở Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới.

Quốc gia Đông Á đã phê duyệt dự luật phát hành 1.000 tỷ nhân dân tệ (137 tỷ USD) trái phiếu chính phủ và cho phép chính quyền phát hành khoản nợ mới từ hạn ngạch năm 2024 để thúc đẩy nền kinh tế.

Tuy nhiên, Bắc Kinh cũng đã thực hiện các bước có thể hạn chế nhu cầu dầu thô, chẳng hạn như đặt mức trần cho công suất lọc dầu ở mức 1 tỷ tấn vào năm 2025 để hợp lý hóa lĩnh vực chế biến dầu rộng lớn và hạn chế lượng khí thải carbon.