Trên sàn New York Mercantile Exchanghe, sáng 26/4 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 8/2023 ở mức 76,58 USD/thùng, tăng 0,12 USD trong phiên và giảm 1,53 USD/thùng so với cùng thời điểm ngày 25/4.
Còn dầu Brent giao tháng 7/2023 đứng ở mức 80,3 USD/thùng, tăng 0,13 USD trong phiên nhưng đã chạm ngưỡng thấp kỷ lục trong hơn 2 tuần qua.
Các chuyên gia cho rằng, niềm tin của người tiêu dùng Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất trong 9 tháng sau khi Ngân hàng First Republic báo cáo hơn 100 tỷ USD tiền gửi đã biến mất. Điều này làm dấy lên lo ngại về suy thoái kinh tế và tiềm ẩn một cuộc khủng hoảng đối với ngành ngân hàng.
Phil Flynn, nhà phân tích tại Price Futures Group, cho biết: “Giá dầu có vẻ như sắp phục hồi trước khi những lo ngại về sự sụp đổ của các ngân hàng lại xuất hiện”.
Đồng USD mạnh hơn gây áp lực lên nhu cầu dầu mỏ bằng cách làm cho hàng hóa trở nên đắt đỏ hơn đối với những người mua nắm giữ các loại tiền tệ khác. Trong khi chứng khoán Mỹ giảm do thu nhập yếu làm dấy lên lo ngại về suy thoái kinh tế.
Các chuyên gia cảnh báo, khả năng tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương chống lạm phát có thể làm chậm đà tăng trưởng kinh tế và làm giảm nhu cầu năng lượng ở Hoa Kỳ, Anh và Liên minh châu Âu.
Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed), Ngân hàng Anh và Ngân hàng Trung ương Châu Âu đều dự kiến sẽ tăng lãi suất tại các cuộc họp sắp tới. Fed sẽ có cuộc họp từ ngày 2-3/5.
Ngoài ra, lợi nhuận lọc dầu yếu trên toàn cầu có thể buộc các nhà máy lọc dầu phải hạn chế mua dầu.
Hoạt động xuất khẩu dầu ở miền Bắc của Iraq cho thấy rất ít dấu hiệu sắp khởi động lại sau một tháng bế tắc. Các thành viên của nhóm OPEC+ cũng đang chuẩn bị cho việc bắt đầu cắt giảm sản lượng tự nguyện vào tháng 5.