Trên sàn New York Mercantile Exchanghe, sáng 28/7 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 9/2022 đứng ở mức 97,65 USD/thùng, tăng 0,39 USD/thùng trong phiên. Tuy nhiên, nếu so với cùng thời điểm ngày 27/7, giá dầu WTI giao tháng 9/2022 đã tăng tới 1,97 USD/thùng.
Còn giá dầu Brent giao tháng 9/2022 đứng ở mức 106,94 USD/thùng, tăng 0,32 USD/thùng trong phiên và đã tăng tới 2,09 USD so với cùng thời điểm ngày 27/7.
Các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh áp lực nguồn cung thắt chặt hơn lấn án lo ngại nhu cầu tiêu thụ dầu yếu, giá dầu ngày 28/7 tăng mạnh.
Dữ liệu vừa được Viện Dầu khí quốc gia Mỹ (API) công bố, dự trữ dầu thô của Mỹ đã giảm tới 4 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 22/7, mức giảm cao hơn gấp 4 lần mức giảm dự kiến theo một kết quả khảo sát của Reuters.
Còn theo dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA), dữ trữ dầu thô của Mỹ đã giảm tới 4,5 triệu thùng, xuống còn 422,1 triệu thùng vào tuần trước.
Tại châu Âu, sau khi thông tin về việc Nga sẽ đưa sản lượng khí đốt vận chuyển qua châu Âu xuống mức còn 20%, tương đương 33 triệu m3, được phát đi, đã dấy lên nhiều lo ngại về khả năng tăng lượng dữ trữ khí đốt trong các kho chứa.
Áp lực thiếu hụt nguồn cung được dự báo còn lớn hơn khi nhiều nước châu Âu đang trải qua mùa hè nắng nóng khắc nghiệt, và sau đó là nhu cầu sưởi ấm vào mùa đông.
Giá dầu hôm nay còn được thúc đẩy bởi đồng USD yếu hơn và những đánh giá lạc quan về triển vọng tích cực về tăng trưởng kinh tế Mỹ những tháng còn lại của năm 2022.
Tuy nhiên, đà tăng của giá dầu đang bị kiềm chế bởi lo ngại suy thoái kinh tế ngày một lớn bởi dịch bệnh, lạm phát, căng thẳng địa chính trị…