Trên sàn New York Mercantile Exchange, sáng 29/2 (theo giờ Việt Nam), giá dầu WTI của Mỹ giao tháng 4/2024 giảm 33 cent, tương đương 0,42%, xuống mức 78,54 USD/thùng. Còn Brent tăng 3 cent, tương đương 0,04%, lên ở mức 83,68 USD/thùng.
Các chuyên gia cho biết, kết thúc phiên giao dịch ngày 28/2, giá dầu ở thế trái chiều với dầu Brent tăng nhẹ, dầu WTI giảm. Cả hai mặt hàng dầu tiêu chuẩn đã bỏ mức tăng gần như suốt phiên sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) kiên trì với quyết định giữ nguyên việc cắt giảm lãi suất trong tương lai gần, trong khi tồn kho dầu thô của Mỹ ngày càng tăng.
Số liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy, tồn kho dầu thô của Mỹ trong tuần kết thúc vào ngày 23/2 đã tăng 4,2 triệu thùng, vượt xa kỳ vọng tăng 2,74 triệu thùng của các nhà phân tích. Tồn kho đã tăng trong 5 tuần liên tiếp do nhà máy lọc dầu ngừng hoạt động sau cơn bão mùa đông hồi tháng 1.
Theo nhà phân tích độc lập Gaurav Sharma, sự gia tăng như dự báo trong tồn kho dầu thô hằng tuần của Mỹ một lần nữa đã kéo giá dầu kỳ hạn đi xuống. Tỷ lệ sử dụng nhà máy lọc dầu của Mỹ tăng 0,9 điểm phần trăm trong tuần trước lên 81,5% tổng công suất, nhưng vẫn thấp hơn mức trung bình theo mùa 10 năm. Các nhà máy lọc dầu đã hoạt động với công suất dưới 83% trong tháng qua, chuỗi dài nhất trong gần 3 năm.
Cũng theo EIA, tồn kho xăng của Mỹ đã giảm tuần thứ 4 liên tiếp xuống mức thấp nhất trong 2 tháng, 244,2 triệu thùng, và thấp hơn khoảng 2% so với mức trung bình cùng kỳ 5 năm.
Chủ tịch Lipow Oil Associates ở Houston Andrew Lipow nhận xét, nếu xu hướng này tiếp tục trong khoảng từ 6 - 8 tuần tới, thì tồn kho xăng sẽ tăng khi mùa lái xe bắt đầu. Trước đó, ngày 27/2, các báo cáo chỉ ra rằng OPEC+ sẽ xem xét việc gia hạn cắt giảm sản lượng dầu tự nguyện sang quý II. Thông tin này đã đẩy giá dầu lao dốc. Trong khi đó, cũng tại Mỹ, có nhiều dấu hiệu cho thấy lãi suất tại Mỹ sẽ vẫn tăng cao.
Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York John Williams cho biết, trong khi áp lực lạm phát đã giảm xuống mức đáng chú ý, ông vẫn chưa sẵn sàng để nói rằng Ngân hàng Trung ương đã làm tất cả những gì cần làm để đưa lạm phát trở lại mức mục tiêu 2% của Fed.
Nhận xét này phù hợp với tín hiệu của Thống đốc Fed Michelle Bowman không vội cắt giảm lãi suất của Mỹ do rủi ro lạm phát tiếp tục. Lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế và giảm nhu cầu về dầu.
Những người tham gia thị trường dầu sẽ tìm kiếm hướng đi rõ ràng hơn từ chỉ số giá chi dùng cá nhân (PCE) của Mỹ vào tháng 1, thước đo lạm phát ưa thích của Fed và là yếu tố chính trong các quyết định về lãi suất.