Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá xăng dầu hôm nay 3/8: Nguồn cung được cải thiện, dầu thô vẫn lao dốc

Hoàng Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhu cầu tiêu thụ có chiều hướng xấu đi trái ngược với nguồn cung được cải thiện đẩy giá dầu hôm nay đi xuống.

Trên sàn New York Mercantile Exchanghe, sáng 3/8 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 10/2022 đứng ở mức 92,61 USD/thùng, giảm 0,61 USD/thùng trong phiên. Còn giá dầu Brent giao tháng 10/2022 đứng ở mức 99,76 USD/thùng, giảm 0,78 USD/thùng trong phiên.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Nhận định của các chuyên gia, khi nhiều dữ liệu cho thấy tình hình sản xuất của các nhà máy đang xấu đi, qua đó làm gia tăng lo ngại về triển vọng tiêu thụ dầu toàn cầu, giá dầu ngày 3/8 có xu hướng giảm mạnh.

Nhu cầu tiêu dùng giảm do tác động của lạm phát, và các biện pháp phòng chống dịch nghiêm ngặt tại Trung Quốc được chỉ ra là những nhân tố làm chậm quá trình sản xuất, kìm hãm đà phục hồi của các nhà máy.

Theo dữ liệu vừa được Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố, chỉ số quản lý thu mua (PMI) của nước này trong tháng 7/2022 chỉ đạt 49 điểm, thấp hơn mức 50,2 điểm của tháng 6. Chỉ số PMI dưới 50 điểm cho thấy hoạt động sản xuất bị thu hẹp.

Tại châu Âu, theo dữ liệu từ S&P Global, PMI của khu vực đồng tiền chung châu Âu đã giảm từ 52,1 của tháng 6 xuống còn 49,8 vào tháng 7, ghi nhận lần đầu tiên từ tháng 6/2022 chỉ số PMI của khối xuống dưới 50 điểm.

Trước đó, GDP quý II/2022 của Mỹ cũng được ghi nhận giảm 0,9%, và là quý giảm thứ 2 liên tiếp sau khi lao dốc 1,6% trong 3 tháng đầu năm 2022.

Giới phân tích cho rằng, nhu cầu tiêu thụ dầu thô đã được cải thiện nhưng vẫn đang ở mức thấp hơn đáng kể so với thời điểm trước đại dịch. Trong khi đó, nguồn cung dầu lại đang được cải thiện. Và đây là lý do khiến giá dầu thô có chiều hướng đi xuống trong những phiên giao dịch gần đây.

Áp lực giảm giá đối với dầu thô còn được dự báo tiếp tục gia tăng, khi các nguồn tin được phát đi từ OPEC+ cho thấy về một khả năng nhóm sẽ tăng nhẹ sản lượng vào tháng 9/2022.

Giá dầu hôm nay giảm mạnh còn do đồng USD phục hồi trước dự báo về một đợt tăng lãi suất mới từ Fed.

Bên cạnh đó, lạm phát ở mức cao và chưa có chiều hướng hạ nhiệt cũng là tác nhân rủi ro có thể làm giảm các nhu cầu tiêu thụ năng lượng, trong đó có dầu thô, và điều này cũng tạo áp lực đáng kể khiến giá dầu đi xuống.

Tuy nhiên, ở chiều hướng khác, giá dầu thô cũng đang được hỗ trợ bởi lo ngại về cuộc khủng hoảng năng lượng, thiếu hụt khí đốt ở châu Âu. Ngoài ra, thông tin dự trữ dầu thô chiến lược của Mỹ giảm xuống mức thấp nhất 37 năm cũng phần nào kiềm chế đà giảm của giá dầu.