Các chuyên gia cho biết, đà tăng của giá dầu đã không thể kéo dài sang tuần thứ 3, buộc phải ghi nhận tuần trái chiều. Giá dầu Brent kết thúc tuần ở mức 85 USD/thùng, giảm 24 cent cả tuần, trong khi giá dầu WTI đóng cửa tuần giao dịch ở mức 81,54 USD/thùng, tăng 81 cent.
Giá dầu tăng khoảng 1% ở phiên giao dịch đầu tiên của tuần, được hỗ trợ bởi triển vọng nhu cầu mạnh mẽ trong mùa hè, lo ngại thiếu hụt nguồn cung do căng thẳng leo thang ở Trung Đông và châu Âu và sự suy yếu của đồng USD.
Niềm tin của người tiêu dùng của Mỹ giảm làm dấy lên lo ngại về triển vọng kinh tế và nhu cầu nhiên liệu sau khi mùa lái xe ở Mỹ khởi đầu chậm. Điều này đã đẩy giá dầu lao dốc trong khoảng 1% ở phiên giao dịch thứ 2.
Tại phiên giao dịch thứ 3, giá dầu dịch chuyển nhẹ theo hướng tiến với dầu Brent tăng 0,3%, dầu WTI tăng chưa đến 0,1%.
Đà tăng của giá dầu được kéo dài ở phiên giao dịch thứ 4 với mức tăng hơn 1% do lo ngại nguồn cung bị gián đoạn bởi áp lực địa chính trị ở Trung Đông và châu Âu gia tăng bất chấp tồn kho xăng, dầu của Mỹ bất ngờ tăng lần lượt 2,7 triệu thùng và 3,6 triệu thùng.
Theo nhà phân tích Ashley Kelty của Panmure Gordon, bất kỳ sự mở rộng xung đột nào cũng có thể tác động lớn đến nguồn cung dầu từ Trung Đông.
Giá dầu đã nói “không” với hat-trick tăng ngày ở phiên giao dịch cuối cùng của tuần khi giá dầu giảm nhẹ khoảng 0,3%. Sự trượt nhẹ này của giá dầu chịu tác động bởi các nhà đầu tư cân nhắc nhu cầu nhiên liệu yếu của Mỹ trong khi chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân của Mỹ, thước đo lạm phát ưa chuộng của Fed, trong tháng 5 không tăng hay giảm so với tháng 4, làm dấy lên hy vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 9.
3 phiên tăng không đủ để kéo giá dầu Brent tăng trong tuần. Vì vậy, giá dầu tuần này buộc phải bỏ lỡ cú hat-trick tăng tuần do dầu Brent giảm nhẹ.