Trên sàn New York Mercantile Exchanghe, sáng 31/5 (theo giờ Việt Nam), giá dầu WTI của Mỹ giảm 3,21 USD, tương đương 4,4%, xuống mức 69,46 USD/thùng. Còn dầu Brent giao tháng 7 giảm 3,53 USD, tương đương 4,6%, xuống mức 73,54 USD/thùng.
Các chuyên gia nhận định, giá dầu giảm hơn 4% khi kết thúc phiên giao dịch ngày 30/5. Sự lao dốc bất ngờ này của giá dầu là do gia tăng lo ngại về việc liệu Quốc hội Mỹ có thông qua thỏa thuận trần nợ của Mỹ hay không và do các thông điệp trái chiều từ các nhà sản xuất dầu lớn trên thế giới về triển vọng nguồn cung trước thềm cuộc họp của OPEC+ vào cuối tuần này.
Một số nhà lập pháp theo đường lối cứng rắn của Đảng Cộng hòa cho biết họ có thể phản đối thỏa thuận nâng trần nợ ở Mỹ - nước tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy vẫn lạc quan rằng thỏa thuận sẽ được thông qua. Tổng thống Biden và Chủ tịch Hạ viện McCarthy đã đạt được một thỏa thuận về việc nâng trần nợ công vào cuối ngày 27-5.
Thỏa thuận này cần được lưỡng viện thông qua trước ngày 5-6, ngày mà Bộ Tài chính Mỹ dự kiến Bộ sẽ rơi vào cảnh không còn ngân sách để chi trả cho tất cả các nghĩa vụ của mình.
Nếu được Quốc hội thông qua, thỏa thuận sẽ ngăn chặn một vụ vỡ nợ gây bất ổn đối với nền kinh tế Mỹ nói riêng và nền kinh tế toàn cầu nói chung.
Ngày 30/5, Chủ tịch Hạ viện McCarthy đã kêu gọi các thành viên Đảng Cộng hòa ủng hộ thỏa thuận này. Phil Flynn, nhà phân tích tại Price Futures Group, cho biết cho đến khi có đủ phiếu, thị trường vẫn sẽ “bấp bênh”.
Thời hạn nâng trần nợ của Mỹ gần trùng với cuộc họp ngày 4/6 của OPEC+. Các thương nhân hiện vẫn không chắc chắn về việc liệu nhóm này có tiếp tục cắt giảm sâu sản lượng hay không khi giá dầu vẫn đang ở mức thấp, ngày một xa dần khỏi mốc 80 USD/thùng.
Tuần trước, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Abdulaziz bin Salman đã cảnh báo những người bán khống đánh cược rằng giá dầu sẽ giảm có thể thiệt hại.
Dấu hiệu cho thấy OPEC+ có thể cắt giảm sản lượng. Tuy nhiên, bình luận từ các quan chức Nga, bao gồm Phó thủ tướng Alexander Novak, cho thấy nhà sản xuất dầu lớn thứ ba thế giới đang nghiêng về việc giữ nguyên sản lượng.
Hồi tháng 4, Saudi Arabia và các thành viên khác của OPEC+ đã thông báo cắt giảm sản lượng dầu tự nguyện thêm khoảng 1,2 triệu thùng/ngày, nâng tổng khối lượng cắt giảm của OPEC+ lên 3,66 triệu thùng/ngày.
Cuối tuần này sẽ có dữ liệu về lĩnh vực sản xuất và dịch vụ của Trung Quốc. Thị trường sẽ dõi theo dấu hiệu phục hồi nhu cầu nhiên liệu tại quốc gia nhập khẩu dầu hàng đầu thế giới này.