Trên sàn New York Mercantile Exchanghe, sáng 30/4 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 6/2022 đứng ở mức 104,11 USD/thùng, giảm 1,25 USD/thùng trong phiên.
Còn giá dầu Brent giao tháng 6/2022 đứng ở mức 106,29 USD/thùng, giảm 0,27 USD/thùng trong phiên.
Nhận định của các chuyên gia, lo ngại nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu suy giảm lấn át lo ngại về sự gián đoạn nguồn cung dầu từ Nga, giá dầu ngày 30/4 tiếp tục có xu hướng đi xuống.
Nhu cầu tiêu thụ dầu thô được dự báo sẽ giảm khi hầu hết các nền kinh tế đều ghi nhận mức tăng trưởng kinh tế chậm lại trong quý I/2022. Thậm chí tại Mỹ, sau nhiều cảnh báo, GDP quý I/2022 của nước này đã được ghi nhận giảm mạnh 1,4%, trái ngược hoàn toàn với các dự báo tăng 1% được đưa ra trước đó.
Tại Trung Quốc, tuy vẫn giữ được mức tăng trưởng dương nhưng cũng cho thấy sự chậm lại trong quý I/2022 và được dự báo sẽ tiếp tục chậm hơn nữa trong quý II/2022.
Trưởng phòng Kinh tế của APAC Wood Mackenzie cho rằng, GDP của Trung Quốc sẽ tăng trưởng chậm hơn nữa trong quý II/2022. Sự biến động của thị trường dầu mỏ có thể sẽ còn tiếp tục, với khả năng xảy ra các đợt phong tỏa kéo dài và lan rộng hơn tại trung Quốc vào tháng 5/2022, khiến nhu cầu dầu của Trung Quốc đối mặt với rủi ro trong ngắn hạn và đẩy giá mặt hàng này đi xuống.
Dự báo tiếp tục khó khăn khi Trung Quốc vẫn chưa cho thấy dấu hiệu nào về việc nới lỏng các biện pháp phong toả liên quan đến dịch Covid-19. Điều này có nghĩa các chuỗi cung ứng, sản xuất hàng hóa toàn cầu vẫn sẽ bị ảnh hưởng.
Tại châu Âu, tình cảnh cũng diễn ra tương tự khi các các dữ liệu về GDP của Pháp, Tây Ban Nha đều ghi nhận ở mức thấp hơn dự báo.
Giá dầu hôm nay giảm còn do OPEC+ chuẩn bị tăng sản lượng và Mỹ đã có động thái kêu gọi khôi phục sản lượng dầu ở Libya.
Trước đó, trong phiên 29/4, giá dầu thô có xu hướng tăng mạnh khi Đức khẳng định quan điểm ủng hộ lệnh cấm vận dầu thô Nga, làm dấy lên lo ngại về nguồn cung dầu thô sẽ bị thắt chặt hơn thời gian tới.
Sự ách tắc của dầu thô Nga vẫn tiếp tục là nhân tố quan trọng hỗ trợ giá dầu khi mà một dữ liệu mới đây của Bộ Kinh tế Nga được hãng tin Reuters thu thập cho thấy sản lượng dầu của nước này có thể giảm tới 17% trong năm 2022.