Giá xăng dầu ngày 11/12: Dầu thô ghi nhận tuần lao dốc mạnh

Nguyên Dương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với quyết định giữ nguyên sản lượng của OPEC+, việc Trung Quốc vẫn mua dầu của Nga, lo ngại suy thoái kinh tế làm giảm nhu cầu khiến giá dầu thô có tuần lao dốc.

Khép tuần giao dịch, trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu hôm nay ghi nhận dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 1/2023, đứng ở mức 71,59 USD/thùng. Còn giá dầu Brent giao tháng 2/2023 đứng ở mức 76,70 USD/thùng.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Các chuyên gia nhận định, giá dầu thô bước vào tuần giao dịch từ ngày 5/12 với xu hướng tăng, trước thông tin Trung Quốc nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 và lo ngại nguồn cung thiếu hụt.

Ghi nhận ngày 5/12, trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 1/2023 đứng ở mức 81,35 USD/thùng, tăng 1,37 USD/thùng trong phiên. Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 2/2023 đứng ở mức 87,16 USD/thùng, tăng 1,59 USD/thùng trong phiên.

Tuy nhiên, ngay cuối phiên giao dịch ngày 5/12, trong bối cảnh lo ngại suy thoái kinh tế làm giảm nhu cầu tiêu thụ khiến giá dầu đã quay đầu giảm mạnh.

Áp lực giảm giá đối với dầu thô tiếp tục gia tăng trong phiên giao dịch ngày 7/12 do lo ngại bất ổn kinh tế và đồng USD mạnh hơn.

Nền kinh tế Mỹ tuy đã được ghi nhận mức tăng trưởng vượt dự báo trong quý III/2022, đạt 2,9% so với 2,6%, nhưng được cảnh báo có nguy cơ rơi vào suy thoái khi Fed vẫn xem xét thực hiện thêm các đợt tăng lãi suất mới. Hiện thị trường đang dự báo về khả năng Fed tăng thêm 50 điểm phần trăm lãi suất vào phiên họp chính sách ngày 14/12 tới.

Theo dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) trong tuần tính đến ngày 2/12, tồn kho các sản phẩm chưng cất của nước này đã tăng 6,2 triệu thùng, vượt xa con số dự báo 2,2 triệu thùng; tồn kho tăng 5,3 triệu thùng so với kỳ vọng tăng 2,7 triệu thùng; dữ trữ dầu thô giảm 5,2 triệu thùng.

Viện Dầu khí Mỹ (API) trước đã đưa dự báo dự trữ dầu thô của nước này giảm khoảng 6,4 triệu thùng.

Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Ảnh minh họa
Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Ảnh minh họa

Tại châu Âu, quyết định áp trần giá dầu đối với dầu thô Nga đang gây ra những phản ứng gay gắt từ phía Nga, khi gần như ngay lập tức Nga đã tuyên bố sẽ không bán dầu cho các nước thực hiện quyết định này.

Nga cũng được cho là đã có kế hoạch giảm sản lượng dầu vào đầu năm sau và thực hiện tái cấu trúc, sắp xếp lại đội tàu chở dầu cũng như làm việc với các nhà sản xuất về kế hoạch này.

Tại Trung Quốc, bất chấp thông báo về việc nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch, giới đầu tư vẫn tỏ ra khá thận trọng về triển vọng tiêu thụ dầu của quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới.

Đà giảm của giá dầu thô chỉ bị chặn lại khi kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ dầu từ Trung Quốc phục hồi mạnh. Ở diễn biến mới nhất, Trung Quốc được cho sẽ sớm mở cửa trở lại nền kinh tế khi sắp thông báo gỡ bỏ một số biện pháp chống dịch.

Thống kê trong tháng 11/2022 cho thấy, lượng dầu nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc đã tăng 12% so với cùng kỳ 2021, đạt mức cao nhất 10 tháng.

Ở diễn biến khác, Ả Rập Xê-út đã quyết định giảm giá dầu thô sẽ bán cho châu Á vào tháng 1/2023 xuống mức thấp nhất trong 10 tháng, giữa bối cảnh có dấu hiệu nhu cầu mờ nhạt tại thị trường nhập khẩu dầu quan trọng nhất thế giới.

Giá dầu tiếp tục có xu hướng leo dốc trong phiên 8/12 nhưng ở mức hạn chế, không đủ bù đắp cho mức giảm đã thiết lập trong các phiên giao dịch trước đó. Thực tế, trong phiên giao dịch ngày 9/12, khi những lo ngại nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu suy yếu trong bối cảnh áp lực suy thoái kinh tế lại được dấy lên, giá dầu đã quay đầu giảm mạnh, trượt về mức thấp nhất trong năm.