Khép lại tuần giao dịch, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 9/2021 trên sàn New York Mercantile Exchanghe đứng ở mức 72,17 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent giao tháng 9/2021 đứng ở mức 74,21 USD/thùng.
Trước đó, giá dầu thế giới bước vào tuần giao dịch từ ngày 19/7 với xu hướng giảm khi thông tin OPEC+ đạt thoả thuận tăng sản lượng thêm 400 ngàn thùng/ngày mỗi tháng kể từ tháng 8 tới được phát đi.
Đà tăng của giá dầu thế giới trong những phiên giao dịch cuối tuần bị hạn chế bởi lo ngại về việc tăng trưởng kinh tế Mỹ đang có dấu hiệu chững lại.
Cụ thể, theo Bộ Lao động Mỹ, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp của nước ngày bất ngờ tăng 51.000 trường hợp, lên 419.000 người. Con số này cao hết rất nhiều con số dự báo 350.000 được đưa ra trước đó. Tuần trước, con số này được ghi nhận là 368.000 người.
Tại thị trường trong nước: Giá xăng E5 RON 92 không cao hơn 20.610 đồng/lít; giá xăng RON 95-III không cao hơn 21.783 đồng/lít; giá dầu diesel 0.05S không cao hơn 16.537 đồng/lít; giá dầu hỏa không cao hơn 15.503 đồng/lít; giá dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 15.670 đồng/kg.
Trong tuyên bố được đưa ra sau cuộc họp trực tuyến được tổ chức vào ngày 18/7, OPEC+ đã nhất trí nới lỏng cắt giảm sản lượng kể từ tháng 8/2021. Theo đó, OPEC+ sẽ tăng sản lượng 400 ngàn thùng/ngày mỗi tháng kể từ nay đến hết năm 2021. OPEC+ cũng cho biết chương trình cắt giảm sản lượng của khối sẽ được kéo dài đến hết năm 2022 thay vì kết thúc vào tháng 4/2022. OPEC+ dự kiến sẽ kết thúc chương trình cắt giảm sản lượng 5,8 triệu thùng/ngày vào tháng 9/2022.
Cuộc họp của OPEC+ cũng đi đến thống nhất tăng sản lượng khai thác của UAE, Saudi Arabia, Nga, Iraq và Kuwait.
Sự xuất hiện của biến chủng Delta đang khiến dịch Covid-19 tái bùng phát và có diễn biến phức tạp tại hầu hết các quốc gia, khu vực, đe doạ nghiêm trọng nỗ lực tái mở cửa trở lại nền kinh tế của các nước cũng như các nỗ lực thúc đẩy sản xuất, thúc đẩy chuỗi giá trị, cung ứng toàn cầu, qua đó tác động tiêu cực đến nhu cầu tiêu thụ dầu thô toàn cầu.
Ghi nhận vào đầu giờ sáng 19/7, trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 9/2021 đứng ở mức 71,01 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent giao tháng 9/2021 đứng ở mức 72,89 USD/thùng.
Những lo ngại này ngày một gia tăng khiến giá dầu thô tiếp tục giảm mạnh trong các phiên giao dịch sau đó.
Ghi nhận vào đầu giờ sáng 21/7, trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 9/2021 đứng ở mức 66,88 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent giao tháng 9/2021 đứng ở mức 69,13 USD/thùng.
Trung Quốc sau thời gian kiểm soát dịch tốt cũng ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 tăng vọt. Cụ thể, theo thông báo được Uỷ ban Y tế quốc gia (NHC) của Trung Quốc phát đi hôm 20/7, nước này đã ghi nhận 65 ca nhiễm Covid-19 mới trong ngày 19/7, tăng so với 31 ca nhiễm mới được công bố so với ngày trước đó và là mức tăng cao nhất kể từ 30/1/2021.
Còn tại Ấn Độ, vùng dịch lớn thứ hai thế giới, hiện đã ghi nhận 31.215.142 ca nhiễm và 414.657 ca tử vong, tăng lần lượt 42.123 và 144 ca so với một ngày trước đó.
Tại châu Âu, nỗ lực nới lỏng các biện pháp hạn chế để dần trở lại cuộc sống bình thường đang đứng trước thách thức lớn trước sự gia tăng các ca nhiễm mới tại một loạt các quốc gia như Nga, Anh, Pháp, Hà Lan, Hy Lạp...
Tuy nhiên, khi nhu cầu tiêu thụ dầu thô có dấu hiệu gia tăng nhờ nhiều quốc gia trên thế giới đang trải qua mùa Hè nắng nóng khắc nghiệt, các hoạt động sản xuất vẫn đang được thúc đẩy nhờ các chương trình hỗ trợ của chính phủ và ngân hàng trung ương các nước, giá dầu thế giới đi lên.
Theo số liệu vừa được Viện Dầu mỏ Mỹ (API) công bố, trong tuần kết thúc vào ngày 16/7, dự trữ xăng và dầu thô của nền kinh tế lớn nhất thế giới lần lượt tăng 806.000 thùng và 3,3 triệu thùng.
Lo ngại về nguồn cung dầu gia tăng hạ nhiệt khi OPEC+ và các nhà sản xuất dầu đá phiên Mỹ vẫn giữ quan điểm về việc thắt chặt sản lượng, bám sát diễn biến của thị trường để tạo thế cân bằng cung – cầu trên thị trường dầu thô.
Ngoài ra, tâm lý kỳ vọng các chương trình tiêm chủng vaccine Covid-19 được đẩy mạnh sẽ sớm kiểm soát được dịch bệnh, qua đó hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, cải thiện nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu cũng giúp giá dầu thô đi lên.
Còn theo một kết quả khảo sát vừa được công bố, hoạt động sản xuất kinh doanh trong tháng 7 của Eurozone đã đạt mức tăng trưởng nhanh nhất trong 21 năm qua. Kết quả này được nhận định là do các nền kinh tế hoạt động trở lại mạnh mẽ nhờ việc nới lỏng các biện pháp hạn chế phòng chống dịch Covid-19.
Cụ thể, Chỉ số Quản lý thu mua (PMI) tổng hợp từ dữ liệu của IHS Markit cho thấy hoạt động kinh doanh đã tăng từ 59,5 điểm trong tháng 6 lên mức 60,6 trong tháng 7/2021, cao hơn nhiều ngưỡng 50 điểm cho thấy nền kinh tế có sự tăng trưởng.
Chỉ số PMI dịch vụ tháng 7 sơ bộ khu vực EU ở ngưỡng 60,4 điểm, tốt hơn mức dự báo 59,5 của Investing và số liệu tháng 6/2021 là 58,3 điểm.