Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá xăng dầu tăng cao: Người dân chật vật, doanh nghiệp gặp khó

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá xăng dầu tăng cao đang gây nhiều khó khăn cho DN và đời sống người dân khi mọi dịch vụ, phí, cước vận tải, giá cả thực phẩm… đều trên đà tăng giá.

Người dân “thắt lưng buộc bụng”

Ngay từ sau Tết Nguyên đán, nhiều mặt hàng thiết yếu đã thiết lập mặt bằng giá mới, bởi giá xăng, dầu trong nước tăng liên tiếp nhiều tháng trước đó. Ngày 11/5, khi giá xăng dầu lập đỉnh mới khiến nhiều mặt hàng không thể không tăng giá.

Giá xăng tăng khiến giá nhiều mặt hàng tiêu dùng tăng theo. Ảnh: Ánh Ngọc
Giá xăng tăng khiến giá nhiều mặt hàng tiêu dùng tăng theo. Ảnh: Ánh Ngọc

Khảo sát thực tế của phóng viên cho thấy, việc giá xăng tăng cao đã tác động lớn đến tâm lý chung của người dân. Trong suốt hơn 2 tháng qua (kể từ ngày 1/3 giá xăng lần đầu lập đỉnh lịch sử), nhiều người dân đã phải tính đến phương án cân đối tài chính, cắt giảm chi tiêu hàng ngày vì giá hàng hóa thiết yếu cũng đang "té nước theo mưa".

Chia sẻ về việc chi tiêu hàng ngày của gia đình, chị Dương Thanh Tâm (quận Hà Đông) cho biết: “Việc đi chợ hàng ngày cũng làm tôi chóng mặt khi thấy giá thực phẩm, rau củ, quả liên tục tăng. Thậm chí nhiều mặt hàng lương thực, đồ khô như gạo, đường, dầu ăn… cũng đồng loạt tăng giá. Với mức chi mỗi ngày 300.000 đồng (gia đình 6 người), tôi luôn phải tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng xem hôm nay nên mua gì, không mua gì để tránh lạm chi”.

Cùng chung nỗi lo, anh Đặng Văn Lương (quê tỉnh Nam Định) là tài xế xe ôm công nghệ cho hay, không chỉ mình anh mà nhiều đồng nghiệp đang phải vất vả làm việc hết công suất, trung bình 12 - 14 tiếng/ngày để bù vào chi phí xăng dầu tiêu hao.

"Giá xăng tăng cao nên hầu hết tài xế như chúng tôi đều phải chạy xe cật lực cả ngày và tối trên đường, nhưng cuối ngày tính toán lại, khoản thu nhập cũng khó được như mong muốn khi chi phí mua xăng quá cao. Không những thế, việc chi tiêu, các khoản sinh hoạt phí của tôi cũng phải co hẹp lại" - anh Lương tâm sự.

Bà Đinh Thị Xuân, tiểu thương bán rau quả tại chợ Phùng Khoang (quận Nam Từ Liêm) cho biết, nếu trước đây, hàng ngày đi nhập rau chỉ phải chi 30.000 đồng tiền xăng thi nay phải chi tới 50.000 đồng. Tính ra, một tháng chi phí xăng xe nhập hàng gia đình bà Xuân phải tăng thêm khoảng nửa triệu đồng. Để cân đối chi phí và lợi nhuận, bà Xuân buộc phải tăng giá bán thêm trung bình khoảng 5%. Tuy nhiên, do sức mua của người tiêu dùng không cao nên việc buôn bán cũng chậm.

Doanh nghiệp quay cuồng, lao đao

Với mức giá xăng xấp xỉ 30.000 đồng/lít, các DN sản xuất, dịch vụ, nhất là vận tải càng thêm lao đao khi chưa kịp khôi phục lại 100% công suất hoạt động do dịch Covid-19. Bởi, xăng dầu là đầu vào của đa số ngành nghề này, khi chi phí vận tải tăng đẩy giá hàng hóa, dịch vụ vận chuyển tăng theo.

Giá xăng lập đỉnh lịch sử khi tiến sát mốc 30.000 đồng/lít từ ngày 11/5. Ảnh: Phạm Hùng
Giá xăng lập đỉnh lịch sử khi tiến sát mốc 30.000 đồng/lít từ ngày 11/5. Ảnh: Phạm Hùng

Giám đốc Công ty CP Vận tải, Thương mại và Dịch vụ Đất Cảng Khúc Hữu Thanh Hải chia sẻ, nhà xe có nhiều năm hoạt động vận tải hành khách chuyên tuyến Hải Phòng - Hà Nội và ngược lại.

Giá xăng dầu tăng mạnh khiến chi phí vận tải đội lên đáng kể. Từ nhiều tháng nay, vận tải hành khách thua lỗ. Dù đã nỗ lực giữ nguyên giá cước, song do giá nhiên liệu liên tiếp tục tăng trong hơn 2 tháng, DN buộc lòng phải điều chỉnh giá cước lên 10% từ sau kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 vừa qua.

Không riêng gì các DN vận tải, DN bán lẻ cũng đang phải đối diện với việc xăng dầu tăng giá khiến lợi nhuận bị ăn mòn. Giám đốc khu vực miền Bắc Saigon Co.op Lê Văn Liêm chia sẻ: “Chúng tôi nỗ lực đàm phán với nhà cung cấp để không tăng giá đồng loạt, biên độ tăng không quá lớn. Ngoài ra, chúng tôi chủ động cắt giảm nhiều chi phí, chấp nhận giảm lợi nhuận để giữ chân người tiêu dùng”.

Trước những khó khăn của người dân, DN, mức giảm thuế bảo vệ môi trường ở mức 2.000 đồng/lít xăng từ ngày 1/4 đến hết ngày 31/12/2022 đã được Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua.

Mặc dù đây là giải pháp then chốt giúp giảm phần nào áp lực tăng giá nhiên liệu, cũng như giảm hiệu ứng dây chuyền đến các mặt hàng khác. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, DN, mức giảm này vẫn ít ỏi bởi trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới và trong nước vẫn liên tục tăng cao.

Đáng lo ngại, tình trạng giá xăng dầu tăng kéo theo giá của nhiều loại hàng hóa, dịch vụ, chi phí khác tăng khiến đời sống, sản xuất người dân gặp khó khăn hơn.

Về vấn đề này, PGS.TS Trần Hoàng Ngân nêu quan điểm: “Bộ Công thương, Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan cần có giải pháp quản lý, kiểm soát hiệu quả giá cả hàng hóa, dịch vụ khi thực hiện điều chỉnh giá xăng dầu, hạn chế tình trạng “ăn theo” giá xăng dầu như hiện nay để trục lợi. Đồng thời, tiếp tục quan tâm, có biện pháp hỗ trợ cho người dân, DN”.

 

Hiện nay, mặt hàng xăng dầu của Việt Nam vẫn chủ yếu nhập khẩu từ thị trường thế giới, do vậy vẫn phải phụ thuộc vào biến động giá xăng dầu thế giới khi xung đột Nga - Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Trên thế giới, giá xăng dầu tại nhiều quốc gia cũng không đứng ngoài vòng xoáy tăng giá. Để giảm bớt tác động tiêu cực với người dân, DN, Việt Nam có thể tham khảo các nước lớn trên thế giới với các giải pháp kìm giá xăng dầu ra sao để điều tiết thị trường khi giá dầu cao, nhằm góp phần bình ổn thị trường đối với mặt hàng này.

PGS.TS Trần Hoàng Ngân