Giá xăng dầu vẫn dễ tăng, khó giảm

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Từ 20 giờ ngày 28/6, xăng dầu đồng loạt tăng giá 360 đồng/lít, hầu hết khách hàng đều tỏ ra khá bất ngờ bởi trước đó gần 2 tuần giá mặt hàng này đã tăng.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, cần phải thay đổi cơ chế điều hành thị trường và giá xăng dầu, nhưng thay đổi theo Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của NĐ84/2009/NĐ-CP cũng chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế đặt ra.

Giá xăng dầu vẫn dễ tăng, khó giảm - Ảnh 1

 
Người tiêu dùng mua xăng tại cửa hàng xăng dầu trên đường Trần Quang Khải, Hà Nội.Ảnh: Hoài Nam.

 
Vẫn tư duy "phi thị trường"

Khi Luật Quản lý thuế có hiệu lực từ ngày 1/7/2013, số thuế nhập khẩu ngay khi làm thủ tục thông quan của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) khoảng 22.000 tỷ đồng/năm, bình quân là 1.800 tỷ đồng/tháng. Nếu tính lãi suất vay vốn trên thị trường và phí bảo lãnh là 13% sẽ làm phát sinh thêm 234 tỷ đồng/năm. Chi phí này sẽ được tính vào giá vốn bán hàng tương đương 40 đồng/lít. Lo ngại không có tiền nộp thuế nhập khẩu xăng dầu, đồng thời làm giảm hiệu quả kinh doanh của DN (trong điều kiện chi phí kinh doanh định mức mới chưa tính tới khoản phí tăng thêm này) Petrolimex đã đề nghị cơ quan quản lý hướng dẫn bảo lãnh thuế với xăng, dầu nhập khẩu tiêu thụ nội địa và tạm nhập tái xuất, hoặc cho tăng chi phí kinh doanh định mức từ 860 đồng/lít hiện nay lên 900 đồng/lít.

Theo Dự thảo lần 4 NĐ 84 sửa đổi Bộ Công Thương vừa công bố cho phép DN đầu mối tự điều chỉnh nếu giá xăng dầu cơ sở giảm trong phạm vi 6% so với giá bán lẻ hiện hành; Khi giá xăng dầu cơ sở biến động trong phạm vi 5%, DN được quyền chủ động tăng giá bán lẻ. Nếu giá cơ sở tăng từ trên 5 - 8%, DN được quyền tăng giá 50%, cộng thêm 40% của phần tăng thêm, 60% còn lại sử dụng Quỹ Bình ổn giá để bù đắp. Đây là điểm thay đổi đáng kể của bản Dự thảo lần này. Ở Dự thảo lần 3 phát đi giữa tháng 5, Bộ Công Thương đưa ra quãng biến động giá là 5 - 10%. Còn theo quy định tại Dự thảo mới nhất, giới hạn cho lần điều chỉnh là khi giá cơ sở tăng từ 7 - 12% so với giá bán lẻ hiện hành. Thời gian giữa 2 lần điều chỉnh giá cũng được giữ là 10 ngày theo quy định hiện nay, thay cho khoảng cách 15 ngày được đề xuất trong bản Dự thảo lần trước.

Các chuyện gia cho rằng, việc điều chỉnh biên độ được tăng giá cho DN từ 7 - 12% về 5 - 8% không có nhiều ý nghĩa. DN vẫn dễ tăng khó giảm. Chưa kể, giá cơ sở tính theo Dự thảo chưa phản ánh thật đúng biến động của giá thế giới, khó minh bạch về giá với người dân. Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh: "Dự thảo sửa đổi Nghị định 84 do Bộ Công Thương soạn thảo vẫn tiếp tục cho DN quyền định giá xăng dầu. Sửa như vậy không đem lại lợi ích cho người tiêu dùng, cho các cơ quan quản lý Nhà nước mà chỉ có lợi cho một nhóm lợi ích nào đó. Nó trái với Luật Cạnh tranh và kiểm soát độc quyền, không phù hợp với kinh tế thị trường".

Đồng quan điểm, chuyên gia Ngô Trí Long nhấn mạnh, việc cho DN tự định giá xăng dầu không phù hợp với yêu cầu kiềm chế lạm phát hiện nay và trong nhiều năm tới. Tư duy, cơ chế vẫn hoàn toàn theo cơ chế định giá cũ "phi thị trường", DN có thể lợi dụng vị thế độc quyền tăng giá khi có biến động lên, nên dù mức điều chỉnh xé nhỏ nhưng nhiều lần cộng lại sẽ thành lớn.

 
Giá xăng dầu vẫn dễ tăng, khó giảm - Ảnh 2

Giá xăng dầu tăng khiến người tiêu dùng lo ngại các mặt hàng thiết yếu tăng theo.Ảnh: Linh Anh.
 

Cần giám sát chặt khung giá

Được sự cho phép của Bộ Tài chính, từ 20 giờ ngày 28/6, xăng dầu đồng loạt tăng giá 360 đồng/lít, việc tăng giá lần này theo lý giải Bộ Tài chính là điều khó tránh khỏi, bởi giá xăng dầu thế giới bình quân 30 ngày gần đây (từ ngày 29/5 đến ngày 27/6) đứng ở mức cao.

Bình luận về việc tăng giá xăng dầu lần này, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, vai trò của Nhà nước trước hết phải giám sát hoạt động của các DN, đặc biệt giám sát về khung giá. Cơ quan quản lý phải giám sát xem giá cả hình thành trên cơ sở nào, giá DN đưa ra liệu đã hợp lý. Một trong những vướng mắc lớn nhất của thị trường xăng dầu vẫn chưa được Bộ Công Thương tháo gỡ, theo ông Long, chính là sự "nhập nhèm" giữa dự trữ lưu thông quốc gia và dự trữ thương mại của DN. Do đó, nếu cách tính giá chỉ dựa trên dự trữ lưu thông là "hoàn toàn sai", bởi không đảm bảo sự vận hành theo cơ chế thị trường.

Xăng dầu tăng giá, khiến DN và người dân không khỏi lo lắng do sức cầu đang yếu, trong khi giá đầu vào tăng. Đại diện một số siêu thị cho biết, trong điều kiện thị trường chưa mấy khởi sắc do sức mua vẫn suy giảm, các hãng đều đang phải chạy đua tung ra các chương trình giảm giá, khuyến mãi. Do đó, việc tăng giá trong thời điểm này để "chạy" theo giá xăng dầu sẽ càng làm cho các DN thêm "hụt hơi".

Cơ chế điều hành xăng dầu vẫn nửa vời, có thể tạo kẽ hở cho DN lợi dụng. Bởi cách điều hành như hiện nay vô hình trung, liên Bộ Tài chính - Công Thương đã tạo điều kiện để các DN hành xử theo cách "coi trọng lợi ích DN hơn lợi ích của nền kinh tế". Một lần nữa vấn đề đặt ra cần phải gấp rút sửa đổi Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu nhưng nếu thay đổi như Dự thảo vẫn sẽ chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế đặt ra và người tiêu dùng vẫn chịu thiệt.

 
 
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh: Lo giá tăng theo lương

Từ 1/7, lương cơ bản tăng khoảng 10% từ 1.050.000 lên 1.150.000. Như "tiền lệ", nhiều mặt hàng sẽ nhân cơ hội lương tăng để đẩy giá lên cao. Chúng ta đang giảm lãi suất, giảm chi phí sản xuất kinh doanh cho DN nhưng chưa được bao nhiêu thì lại "vập" ngay vào chuyện tăng giá xăng. Thực tế, các kịch bản tăng giá điện, nước đã được chuẩn bị, chưa kể học phí, viện phí... dự kiến cũng sẽ được điều chỉnh... có thể kéo theo đầu vào nhiều mặt hàng tăng. Do đó, việc điều chỉnh về mức giá các mặt hàng theo cơ chế thị trường chỉ có thể làm từ từ, tránh tình trạng nhiều mặt hàng tăng giá cùng lúc sẽ tạo ra các tác động bất lợi lên CPI.