Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá xăng giảm 200 đồng/lít: Vẫn băn khoăn về cách tính thuế

Nha Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Liên Bộ Tài chính - Công Thương vừa có công văn gửi các DN đầu mối kinh doanh xăng dầu về việc điều hành giá trong chu kỳ mới.

Theo đó, yêu cầu từ 15 giờ ngày 5/7, các DN giảm giá xăng 200 đồng/lít về mức không cao hơn 15.968 đồng/lít và tăng giá dầu mazut 260 đồng/kg, lên mức 9.001 đồng/kg. Các mặt hàng dầu diesel và dầu hỏa được giữ ổn định giá bán.

Giá xăng giảm sau 5 lần tăng

Việc điều chỉnh do giá xăng dầu trên thị trường thế giới có xu hướng giảm trong kỳ tính giá 15 ngày qua (55,756 USD/thùng với xăng RON 92). Tương tự, giá các mặt hàng dầu trong chu kỳ 15 ngày qua cũng giảm, nên cơ quan quản lý quyết định điều chỉnh giảm giá 200 đồng/lít xăng RON 92 và xăng E5.

Trước đó, ngày 4/7, căn cứ vào tỷ trọng nhập khẩu (NK) các mặt hàng xăng dầu nhập về Việt Nam từ các nước ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc trong quý II/2016, Bộ Tài chính đã giảm mức thuế NK bình quân gia quyền để tính toán giá cơ sở xăng dầu cho chu kỳ mới. Theo đó, thuế NK với xăng là 15,74%, dầu diesel 1,84%, dầu hỏa và dầu mazut là 0%. Trong quý trước, thuế NK bình quân gia quyền đối với xăng là 18,35% và dầu diesel là 2,32%.
Người tiêu dùng mua xăng trên phố Nguyên Hồng. Ảnh: Thanh Hải
Người tiêu dùng mua xăng trên phố Nguyên Hồng. Ảnh: Thanh Hải
Cùng với điều chỉnh giá bán lẻ, liên Bộ cũng quyết định giảm mức sử dụng quỹ bình ổn giá với xăng. Trong đó, xăng RON 92 về mức 426 đồng/lít (kỳ trước là 639 đồng), xăng E5 về 467 đồng/lít (giảm 205 đồng). Mức giảm tương tự với các mặt hàng dầu, dầu hỏa giảm từ 764 đồng/lít về còn 669 đồng/lít...

Cách tính thuế khiến người dùng thiệt?

Mới đây, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) cho rằng, cách tính thuế hiện nay đang gây ra nhiều bất lợi cho người tiêu dùng. Đại diện VNPA dẫn Nghị định 83/2014/NĐ - CP, kinh doanh xăng dầu không quy định thuế NK bình quân gia quyền theo quý để hình thành giá cơ sở. Việc Bộ Tài chính lấy mức thuế NK xăng dầu bình quân gia quyền áp cho DN vừa không đúng luật, vừa không đúng thực tế. Ví dụ, hiện mức thuế NK bình quân gia quyền dùng để tính giá cơ sở với xăng là 15,74%, trong khi DN nhập xăng từ ASEAN với thuế suất 20% và Hàn Quốc là 10% là không phù hợp.

Trao đổi về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai khẳng định, việc áp dụng thuế NK bình quân gia quyền vẫn đảm bảo theo quy định Nghị định 83. Bộ Tài chính lấy mức thuế theo quý cũng tương tự việc lấy theo bất kỳ loại thuế NK nào. Cụ thể, theo Luật Thuế xuất nhập khẩu, có 3 cách tính thuế gồm thuế NK thông thường, thuế NK ưu đãi và thuế NK ưu đãi đặc biệt. Thuế NK ưu đãi được áp dụng đối với các mặt hàng theo cam kết gia nhập hiệp định thương mại tự do (FTA). Thuế NK thông thường được áp dụng đối với hàng hóa NK từ các quốc gia không được hưởng tối huệ quốc. Hiện, Việt Nam đã ký kết 11 FTA, đối với mỗi hiệp định lại có cách tính thuế NK khác nhau, do vậy mức thuế suất thuế NK xăng dầu cũng khác nhau. “Trong công thức tính giá xăng dầu, nếu áp dụng mức thuế suất cao thì người tiêu dùng sẽ phải chịu mức giá cao. Còn nếu lấy thuế suất thấp nhất, ví dụ như mức thuế suất theo cam kết FTA với Hàn Quốc là 10% nhưng hiện kim ngạch NK từ thị trường này chỉ khoảng gần 20% thì liệu có đảm bảo được nguồn cung xăng dầu cho thị trường hay không?” - bà Mai nêu vấn đề.

Thứ trưởng Bộ Tài chính khẳng định, Bộ cũng đã tính toán rất kỹ các phương án trước khi trình Thủ tướng Chính phủ và đã được đồng ý với phương án này. Trong điều kiện tồn tại nhiều mức thuế suất như hiện nay, việc lấy mức thuế bình quân gia quyền để áp dụng đối với công thức tính giá xăng dầu là dễ chấp nhận nhất. Tuy nhiên, bà Mai cũng thừa nhận áp dụng thuế NK bình quân gia quyền chỉ là phương án hiện tại. Về lâu dài, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục nghiên cứu và đề xuất các phương án khác khi có những biến động về thị trường.