Theo đại diện nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, trước xu hướng tăng mạnh trở lại của giá xăng dầu thế giới, dự báo giá xăng dầu trong nước tại kỳ điều hành ngày 11/4, giá xăng sẽ tăng, còn giá dầu giảm.
Cụ thể, giá xăng thành phẩm nhập khẩu đang cao hơn giá bán trong nước khoảng 200 - 300 đồng/lít, dầu thấp hơn 200 - 400 đồng/lít. Do đó, mức tăng, giảm đối với giá xăng dầu sẽ tương đương, chưa bao gồm Quỹ bình ổn giá xăng dầu và các loại phí khác.
Nếu đúng như dự báo, đây là lần tăng thứ 7 của giá xăng. Như vậy, kể từ đầu năm, mặt hàng xăng đã có 7 lần tăng, 2 lần giảm và 1 lần giữ nguyên.
Hiện, Quỹ bình ổn giá xăng dầu của một số doanh nghiệp đầu mối tiếp tục dương lớn. Tính đến 21/3, quỹ của Petrolimex dương 2.367 tỷ đồng, Saigon Petro là 302 tỷ đồng, Petimex là 397 tỷ đồng...
Theo dữ liệu cập nhật của Bộ Công Thương, đến ngày 5/4, giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường Singapore có xu hướng tăng cao. Cụ thể, giá xăng RON95 giao dịch mức 104,3 USD/thùng, xăng RON92 mức 101,8 USD/thùng, dầu diesel mức 100,7 USD/thùng.
So với mức giá bình quân trong kỳ điều hành lần trước, mức giá này cao hơn khoảng 7-8 USD/thùng.
Trên thị trường thế giới, sáng 10/4 (theo giờ Việt Nam), giá dầu Brent giao dịch ở mức 85,1 USD/thùng, tăng 0,13 USD/thùng, dầu WTI giao dịch mức 80,7 USD/thùng, tăng 0,1 USD/thùng.
Tính từ tuần trước đến nay, giá dầu đã tăng hơn 6% sau khi các thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) tuyên bố giảm tiếp sản lượng để giữ giá dầu.
Theo Bộ Công Thương, năm 2023, trên cơ sở dự báo nhu cầu thị trường, Bộ đã phân giao ở mức 27,34 triệu m3/tấn, tăng 15% so với năm trước.
Về điều hành giá, Bộ Công Thương cho biết đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính trong việc tính toán, xác định, điều hành giá xăng dầu theo Nghị định 83 và Nghị định 95 của Chính phủ; đồng thời sử dụng linh hoạt, hiệu quả Quỹ bình ổn giá nhằm hạn chế biến động mạnh của giá xăng dầu trong nước so với giá xăng dầu thế giới.