Giấc mơ dài đầy thắc thỏm

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đã 2 lần tổ chức Hội nghị quảng bá văn học Việt Nam (năm 2010 và 2015), đã có Trung tâm Dịch thuật văn học thuộc Hội Nhà văn...

Độc giả chọn mua ấn phẩm văn học tại Ngày hội sách 2015.	 Ảnh: Phạm Hùng
Độc giả chọn mua ấn phẩm văn học tại Ngày hội sách 2015. Ảnh: Phạm Hùng
Lẽ ra với điều kiện như vậy, văn học Việt đã có thể đường hoàng “xuất ngoại”, nhưng thực tế cho đến nay, đây vẫn là giấc mơ dài đầy thắc thỏm.

Giậm chân tại chỗ

Người viết bài này đã có dịp dạo quanh các nhà sách lớn ở Bangkok (Thái Lan) với mong muốn lớn nhất là được nhìn thấy những tác phẩm văn học Việt Nam được dịch sang tiếng Thái bày bán. Mong muốn này hoàn toàn có cơ sở khi những tác phẩm như “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” (Nguyễn Nhật Ánh) từng nhận Giải thưởng Văn học ASEAN năm 2010, “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”, “Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ” (Nguyễn Ngọc Thuần) đã được dịch sang tiếng Thái. Tuy nhiên, không biết vì lý do gì, những tác phẩm ấy tuyệt nhiên vắng mặt tại đây. Trong khi đó, rất nhiều tác phẩm văn học Thái Lan được bày bán tại Việt Nam thời gian qua như: “Lửa yêu”, “Đằng sau bức tranh” (NXB Văn học), “Chai thời gian” (NXB Thời đại). Hay tỷ phú Vikram Kromadit cũng từng có nhiều cuốn sách được giới thiệu ở Việt Nam như: “Nghiệt ngã và thành công”, “Tay không gây dựng cơ đồ”... Có vẻ hơi khập khiễng khi so sánh như vậy, nhưng đây chính là bức tranh chân thực cho thực trạng xuất khẩu (XK) văn học Việt hiện nay. Không chỉ với Thái Lan, thị trường sách không hiếm những tác phẩm văn học Hàn Quốc, Nhật Bản, đặc biệt là Trung Quốc với dòng sách ngôn tình đang có xu hướng nở rộ. Đó là chưa kể “cuộc đổ bộ” từ rất lâu của các nền văn học lớn như Mỹ, Pháp, Anh…

Còn nhớ, tại Hội nghị quốc tế giới thiệu sách văn học Việt Nam diễn ra đầu năm 2010, nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đưa ra con số khiến ai cũng ngậm ngùi: Số tác phẩm văn học Việt “xuất ngoại” trong nhiều năm vừa qua chỉ là 570, trong khi số tác phẩm văn học nước ngoài được dịch và phát hành tại nước ta lên tới 13.700. Đến Hội nghị diễn ra vào tháng 3 vừa rồi, thì không có con số nào được đưa ra, đồng thời những thông tin về chiến lược, dự định hay kế hoạch cụ thể cho công cuộc quảng bá văn học Việt cũng không được nhắc tới. Vậy thì, câu chuyện XK văn học Việt sẽ đến đâu? “Tôi khẳng định là chúng ta chưa có những bước tiến đáng kể trong 5 năm qua về XK văn học. Văn học Việt vẫn “biệt tăm” trên thị trường văn học quốc tế vốn rất sôi nổi, đầy nhiệt huyết và đang tiến những bước dài. Chúng ta vẫn nói nhiều và chưa làm được nhiều” - nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai nhận xét.

Chờ đợi từ những cá nhân

Chia sẻ về chuyện XK văn học, nhà văn Trần Nhã Thụy cho rằng, Hội Nhà văn Việt Nam có thể làm tốt việc quảng bá văn học ra nước ngoài, vì có thông tin, tài chính và “danh chính ngôn thuận”. Còn nhà văn Phong Điệp nhìn nhận: “Hội Nhà văn cần làm gì để có thể làm tốt hơn công tác quảng bá văn học ra nước ngoài? Tôi nghĩ, có nhiều việc lắm, ví dụ như phát triển đội ngũ dịch giả, kết nối với các NXB nước ngoài để họ chọn văn học Việt Nam xuất bản. Tôi nghĩ, lãnh đạo Hội không phải không nhìn thấy điều này, nhưng việc triển khai thực hiện thì lại phụ thuộc nhiều yếu tố”.

Tuy vậy, cho đến nay, độc giả rất ít có thông tin về những đầu sách mà Trung tâm Dịch thuật văn học của Hội thực hiện. Trên thực tế, khá nhiều nhà văn, đặc biệt là các cây bút trẻ đã tự tìm đường “xuất ngoại” cho “đứa con” của mình bằng hình thức tự dịch. Hoặc những tác giả giàu tâm huyết, có khả năng về dịch thuật đã âm thầm dịch và giới thiệu tác phẩm của đồng nghiệp ra nước ngoài. Chính vì vậy, khi bàn tới chuyện XK văn học, độc giả thường nghĩ ngay tới nỗ lực của các cá nhân như Nguyễn Lệ Chi, Nguyễn Phan Quế Mai, Di Li, Đoàn Cầm Thi… Chính những nỗ lực cá nhân ấy đã đưa nhiều tác giả Việt Nam có tác phẩm ra mắt ở nước ngoài như: Nguyễn Việt Hà, Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Danh Lam, Vũ Đình Giang, Phong Điệp… Điển hình là tủ sách “Văn học Việt Nam đương đại tại Pháp” (ra đời với nỗ lực của PGS.TS Đoàn Cầm Thi và nhà văn Thuận), đã dịch và phát hành tới đầu sách thứ 16. Là một trong những tác giả vinh dự được góp mặt trong tủ sách này, nhà văn Phong Điệp cho biết: “Được dịch ra tiếng Pháp, đó là một cơ hội tuyệt vời để “Blogger” bước ra với bạn đọc thế giới. Cũng xin được nói thêm, “Blogger” là một trong số hơn chục đầu sách đã được Tủ sách văn học Việt Nam đương đại giới thiệu tới công chúng Pháp. Tôi tin rằng, dù văn học Việt Nam có thể không gây “sốt” như một số nền văn học khác, nhưng với cách “mưa dầm thấm lâu”, văn học Việt sẽ có vị thế xứng đáng trên bản đồ văn chương quốc tế nói chung và tại Pháp nói riêng”. Và mới đây, nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai đã giới thiệu dự án thơ Việt - Mỹ về đề tài cô/dì với sự góp mặt của nhiều nhà thơ ở mọi lứa tuổi. Chị cũng chính là người đã cùng chuyên gia ngôn ngữ Mỹ - bà Hilary Watts dịch ra tiếng Anh tập thơ “Ký ức mắt đen” của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo và “Cánh đồng người” của nhà thơ Trần Quang Quý làm quà tặng cho các đại biểu tham dự Hội nghị quảng bá văn học Việt vào năm 2010.

Cho dù câu chuyện XK văn học chưa có nhiều chuyển biến, nhưng chúng ta vẫn có quyền hy vọng một ngày văn học Việt sẽ “cất cánh” bay xa hơn. Bởi chúng ta đang có một đội ngũ nhà văn hùng hậu thuộc nhiều lứa tuổi; đặc biệt, có nhiều cá nhân giàu tâm tuyết, mong muốn được giới thiệu văn học Việt Nam ra thế giới.
Nhà văn Phong Điệp: Không thiếu những tác phẩm có giá trị
Giấc mơ dài đầy thắc thỏm - Ảnh 1Câu chuyện XK văn học được bàn từ khá lâu. Rất nhiều tác phẩm văn học Việt đã được dịch và xuất hiện ở nhiều quốc gia như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc từ trước mốc năm 2010. Đến năm 2010, chúng ta lần đầu tiên tổ chức Hội nghị quảng bá văn học Việt Nam, nên đây là một dấu mốc hay được nhắc đến khi bàn về XK văn học Việt. Điều này cũng cho thấy, Việt Nam đã ý thức được tầm quan trọng của việc đưa văn học ra khỏi biên giới quốc gia. Tôi chỉ nghĩ đơn giản thế này: Chỉ cần mỗi người xác định đây là việc cần làm, nên làm và đóng góp khả năng, công sức có thể của mình, nhằm đưa văn học Việt ra thế giới thì chúng ta có thể lạc quan về tương lai của nó. Chúng ta không thiếu những tác phẩm văn học có giá trị, nhưng xây cây cầu để đưa tác phẩm ra với thế giới đòi hỏi nhiều công sức. Vậy chúng ta hãy tự hỏi bản thân rằng đã sẵn sàng với công việc đó hay chưa?
Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy: Thế giới không phẳng
Giấc mơ dài đầy thắc thỏm - Ảnh 2Tôi thấy đáng chú ý và gây dư luận nhất là Tủ sách Văn học Việt Nam đương đại tại Pháp do GS.TS Đoàn Cầm Thi, hiện giảng dạy tại Đại học Paris 7 sáng lập và điều hành. Một số người viết trẻ cũng tự tìm đường đi ra thế giới theo những con đường riêng, thế mạnh riêng: Di Li tham gia Hội Nhà văn châu Á - Thái Bình Dương và xuất bản sách tiếng Anh; Nguyễn Phan Quế Mai đi đọc thơ khắp nước Mỹ, in thơ tại Mỹ… Tất cả đều là những vận động tự thân. Trong một cuộc trò chuyện về XK văn học với tôi, GS.TS Đoàn Cầm Thi nói rằng, XK văn chương không giống như XK gạo, dù rằng XK gạo cho đúng cách và hiệu quả chẳng dễ. Vậy nên đừng sốt ruột, cứ có tác phẩm hay thì bằng cách này hay cách khác cũng sẽ đến với nhân loại thôi. Chỉ có điều thế giới dù có phẳng thì thế giới cũng không thể đọc văn học Việt bằng tiếng Việt. Trong khi chờ một sự chuyển biến từ phía chính thống, rất cần những đại sứ văn học như Đoàn Cầm Thi, cũng như những sự vận động tự thân từ những tác giả 8X, 9X.
Nhà văn Trần Nhã Thụy: Nên “chiến đấu” với sách rác
Giấc mơ dài đầy thắc thỏm - Ảnh 3Về câu chuyện XK văn học, có thể nói là tôi vừa quan tâm vừa… không quan tâm. Quan tâm vì muốn nghe câu chuyện XK, đúng hơn là kế hoạch, chiến lược XK văn chương Việt sẽ được thực hiện như thế nào; những ai thực hiện; có thành quả gì không?… Trong vài năm qua, ngoài việc in lại một cách đầy đủ, hệ thống văn chương kinh điển thế giới, các đơn vị làm sách đồng thời cũng làm một việc mà tôi cho là kinh hoàng - in hằng hà sa số truyện ngôn tình Trung Quốc. Tôi nghĩ lúc này, các nhà văn Việt nên “chiến đấu” với “sách rác” ngôn tình Trung Quốc. Khi nào xong nhiệm vụ này rồi, chúng ta hãy tính tới chuyện XK cũng chưa muộn.
Hồ Huy ghi

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần