Độc giả chọn mua ấn phẩm văn học tại Ngày hội sách 2015. Ảnh: Phạm Hùng
|
Nhà văn Phong Điệp: Không thiếu những tác phẩm có giá trị Câu chuyện XK văn học được bàn từ khá lâu. Rất nhiều tác phẩm văn học Việt đã được dịch và xuất hiện ở nhiều quốc gia như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc từ trước mốc năm 2010. Đến năm 2010, chúng ta lần đầu tiên tổ chức Hội nghị quảng bá văn học Việt Nam, nên đây là một dấu mốc hay được nhắc đến khi bàn về XK văn học Việt. Điều này cũng cho thấy, Việt Nam đã ý thức được tầm quan trọng của việc đưa văn học ra khỏi biên giới quốc gia. Tôi chỉ nghĩ đơn giản thế này: Chỉ cần mỗi người xác định đây là việc cần làm, nên làm và đóng góp khả năng, công sức có thể của mình, nhằm đưa văn học Việt ra thế giới thì chúng ta có thể lạc quan về tương lai của nó. Chúng ta không thiếu những tác phẩm văn học có giá trị, nhưng xây cây cầu để đưa tác phẩm ra với thế giới đòi hỏi nhiều công sức. Vậy chúng ta hãy tự hỏi bản thân rằng đã sẵn sàng với công việc đó hay chưa? |
Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy: Thế giới không phẳng Tôi thấy đáng chú ý và gây dư luận nhất là Tủ sách Văn học Việt Nam đương đại tại Pháp do GS.TS Đoàn Cầm Thi, hiện giảng dạy tại Đại học Paris 7 sáng lập và điều hành. Một số người viết trẻ cũng tự tìm đường đi ra thế giới theo những con đường riêng, thế mạnh riêng: Di Li tham gia Hội Nhà văn châu Á - Thái Bình Dương và xuất bản sách tiếng Anh; Nguyễn Phan Quế Mai đi đọc thơ khắp nước Mỹ, in thơ tại Mỹ… Tất cả đều là những vận động tự thân. Trong một cuộc trò chuyện về XK văn học với tôi, GS.TS Đoàn Cầm Thi nói rằng, XK văn chương không giống như XK gạo, dù rằng XK gạo cho đúng cách và hiệu quả chẳng dễ. Vậy nên đừng sốt ruột, cứ có tác phẩm hay thì bằng cách này hay cách khác cũng sẽ đến với nhân loại thôi. Chỉ có điều thế giới dù có phẳng thì thế giới cũng không thể đọc văn học Việt bằng tiếng Việt. Trong khi chờ một sự chuyển biến từ phía chính thống, rất cần những đại sứ văn học như Đoàn Cầm Thi, cũng như những sự vận động tự thân từ những tác giả 8X, 9X. |
Nhà văn Trần Nhã Thụy: Nên “chiến đấu” với sách rác Về câu chuyện XK văn học, có thể nói là tôi vừa quan tâm vừa… không quan tâm. Quan tâm vì muốn nghe câu chuyện XK, đúng hơn là kế hoạch, chiến lược XK văn chương Việt sẽ được thực hiện như thế nào; những ai thực hiện; có thành quả gì không?… Trong vài năm qua, ngoài việc in lại một cách đầy đủ, hệ thống văn chương kinh điển thế giới, các đơn vị làm sách đồng thời cũng làm một việc mà tôi cho là kinh hoàng - in hằng hà sa số truyện ngôn tình Trung Quốc. Tôi nghĩ lúc này, các nhà văn Việt nên “chiến đấu” với “sách rác” ngôn tình Trung Quốc. Khi nào xong nhiệm vụ này rồi, chúng ta hãy tính tới chuyện XK cũng chưa muộn. |
Hồ Huy ghi |