Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Giấc mơ được viết lên từ lớp học “không lời”

Kinhtedothi -  Không tiếng trống, không lời giảng, cũng chẳng có những cuộc trò chuyện rôm rả trong giờ ra chơi, nhưng Trung tâm Lớp học của trẻ điếc C5 (Đại Mỗ, Hà Nội) vẫn vang lên những “thanh âm” đặc biệt.

Trong một căn phòng nhỏ hẹp, cô giáo sử dụng ngôn ngữ ký hiệu, kết hợp dùng phấn viết bảng và powerpoint trình chiếu để dạy học. Dưới lớp, những bàn tay nhỏ lặp lại động tác, gương mặt bừng sáng khi hiểu bài. Dù đang chăm chú học bài, nhưng khi thấy có người đến thăm lớp học, các em đều đồng loạt đứng dậy và khoanh tay cúi chào. Một hình ảnh hiếm thấy trong những lớp học thường ngày, đủ để khiến nhiều người khựng lại vài giây và tự hỏi: trong một lớp học “không lời”, điều gì đã âm thầm nuôi dưỡng nên những điều đẹp đẽ như vậy?

Các em chăm chú theo dõi bài giảng trong căn phòng nhỏ. (Gia Thịnh)

“Ngôi trường” đặc biệt

Nằm sâu trong một con ngõ nhỏ trên đường Đại Mỗ (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), Trung tâm C5 chỉ có vỏn vẹn 6 phòng học nhỏ nhưng là nơi học tập hằng ngày của khoảng 50 học sinh, trong đó đa phần là các em điếc. Học sinh ở đây được chia thành 6 lớp, gồm 1 lớp dự bị và 5 lớp từ lớp 1 đến lớp 5. Các lớp học không được xếp theo độ tuổi mà được phân chia dựa trên trình độ và năng lực học tập của mỗi học sinh.

Tiền thân của Trung tâm C5 là một dự án giáo dục trẻ điếc trước tuổi đến trường vào năm 2016. Sau khi dự án kết thúc, đến năm 2019, từ ý tưởng của các phụ huynh, lớp tách ra thành lập riêng, chỉ tập trung dạy cho trẻ điếc. Toàn bộ giáo viên tại C5 là người điếc và hoàn toàn sử dụng phương pháp ngôn ngữ ký hiệu để các em có thể tiếp thu thông tin theo cách tự nhiên, dễ hiểu và gần gũi nhất.

Ra đời trong bối cảnh giáo dục cho trẻ điếc chưa được quan tâm đúng mực, các thầy cô sáng lập Trung tâm C5 đã đối mặt với nhiều khó khăn. Thầy Duy – Giám đốc Trung tâm C5 bộc bạch: “Không gian học tập và sinh hoạt cho các em còn hạn chế. Trước đây, khi số lượng học sinh chưa nhiều, không gian còn thoải mái, nhưng bây giờ, với hơn 50 em theo học, diện tích lớp học trở nên chật chội. Mỗi trưa nhiều em còn phải ngồi ăn dọc theo cầu thang mới đủ chỗ”.

Thầy Duy trực tiếp dạy học cho một em học sinh. (Gia Thịnh)

Miệt mài dạy và học

Trung tâm C5 cũng có thời khóa biểu và nội quy giống như các lớp học thông thường, nhưng được điều chỉnh linh hoạt để phù hợp với hoàn cảnh của học sinh. Các em vẫn học đủ buổi, tham gia kiểm tra định kỳ, đồng thời được tạo điều kiện nghỉ ngơi, sinh hoạt theo nhu cầu thực tế.

Chương trình học tại Trung tâm C5 được xây dựng dựa trên sách giáo khoa của Bộ Giáo dục. Tuy nhiên, các em sẽ không học một số môn, ví dụ như Thể dục bởi không có sân tập và Âm nhạc do các em không nghe được.

Học sinh chăm chú làm bài kiểm tra môn Tập đọc. (Ảnh: Gia Thịnh)

Bên cạnh đó, để phù hợp với khả năng tiếp nhận của học sinh điếc, các thầy cô phải tự điều chỉnh lại nội dung học, từ cách dùng từ đến cách truyền đạt. Với những kiến thức trừu tượng, không có hình minh họa hay khó diễn đạt bằng ngôn ngữ ký hiệu, giáo viên sẽ bổ sung thêm hình ảnh, ghi chú hoặc tự thiết kế lại bài giảng. Soạn giáo án, vì thế, không chỉ là công việc chuyên môn, mà còn là quá trình tìm tòi và sáng tạo không ngừng để đưa con chữ đến gần hơn với các em.

Dù đã cố gắng đơn giản hóa nội dung, nhưng có những khái niệm vẫn rất khó để truyền đạt một cách trọn vẹn cho học sinh, đặc biệt là với môn Tiếng Việt. Ví dụ để diễn tả cụm từ “gió heo may”, các thầy cô phải dùng điệu bộ để giải thích rằng loại gió này từ đâu đến, có đặc điểm ra sao. Ngoài ra, sẽ có rất nhiều từ trong tiếng Việt có ký hiệu na ná giống nhau, học sinh dễ nhầm và các thầy cô phải giải thích nhiều lần cho các em.

Các thầy cô sử dụng powerpoint để các em dễ tiếp thu. (Ảnh: Gia Thịnh)

Cô giáo Lê Hồng Anh là một giáo viên điếc đã gắn bó với Trung tâm C5 suốt 5 năm qua. Cô chia sẻ rằng niềm hạnh phúc của mình là được thấy các em tiến bộ từng ngày: “Hồi đầu, các học sinh mới vào lớp chưa có ngôn ngữ, ký hiệu sai lại chưa hình thành nề nếp trong học tập. Tuy nhiên, sau 1 năm, các em đã thay đổi rất nhiều, ngoan ngoãn hơn, chăm học hơn, đây chính là điều làm tôi cảm thấy vui và tự hào nhất”.

Lớp học nhỏ, ước mơ lớn

Đối mặt với những rào cản trong giao tiếp và hòa nhập, trẻ điếc thường có tâm lý nhạy cảm, có cảm giác bị cô lập hoặc tự thu mình. Thầy Duy kể lại, lớp học của Trẻ Điếc C5 cũng từng có những học sinh như thế, nhưng qua từng ngày được học tập với tình yêu thương của thầy cô và bạn bè, các em dần vượt qua nỗi sợ, mở lòng hơn và đặc biệt rất yêu thích việc học.

Các em dần mở lòng khi được sống trong tình yêu thương (Ảnh: NVCC)

Vài năm trước, một học sinh tên Hồng Anh đăng ký theo học tại Trung tâm. Khi mới nhập học, em luôn ngồi một mình, không trò chuyện hay tiếp xúc với bất kỳ ai, lúc nào cũng giữ khoảng cách với mọi người. Nhận thấy điều đó, các thầy cô đã thường xuyên động viên và nhờ các bạn trong lớp hỗ trợ, tạo điều kiện để em mở lòng hơn. Cứ dần dần như vậy, hiện tại Hồng Anh đã hòa nhập rất tốt. So với thời gian trước, giờ đây em đã tự tin đi xe buýt một mình mỗi ngày, vượt quãng đường hơn mười cây số để đến lớp.

Sơn - một học sinh lớp 4 tại Trung tâm C5 - vui vẻ bày tỏ: “Thầy cô ở đây luôn yêu thương và mang đến cho chúng em nhiều bài học hay, bạn bè thì chơi đùa với nhau rất vui. Bây giờ chúng em sử dụng ngôn ngữ ký hiệu để giao tiếp với nhau, nhưng em đang cố gắng viết câu từ ngôn ngữ ký hiệu để những người khác cũng có thể hiểu được”.

Không chỉ tiếp thu kiến thức từ sách vở, học sinh tại Lớp học của Trẻ Điếc C5 còn được tham gia các hoạt động rèn luyện kỹ năng sống. Thỉnh thoảng, Trung tâm tổ chức những buổi ngoại khóa xoay quanh các chủ đề như bảo vệ bản thân, phòng chống xâm hại tình dục, an toàn trên không gian mạng... “Ngày xưa, các thầy cô gặp rất nhiều khó khăn trong học tập. Với Lớp học của Trẻ Điếc C5, tôi hy vọng các em điếc không phải như chúng tôi, không bị thiệt thòi, có quyền bình đẳng và được học đến nơi đến chốn”, thầy Duy tâm niệm.

Một buổi giao lưu ngoại khóa với các tình nguyện viên (Ảnh: NVCC)

Khi được hỏi về ước mơ của mình, có em muốn được dạy học, có em lại ao ước trở thành vận động viên bóng rổ. Những giấc mơ ấy có thể không lớn lao trong mắt nhiều người, nhưng lại đầy sức nặng bởi nó được nuôi dưỡng trong một lớp học nơi những điều tưởng chừng đơn giản như “hiểu” và “được hiểu” là cả một hành trình. Phía sau những đứa trẻ đã và đang nỗ lực gấp nhiều lần để để được học tập, chơi đùa như bao bạn bè cùng trang lứa, là sự lặng lẽ đồng hành của thầy cô - những người kiên trì vận hành một lớp học đặc biệt bằng tình yêu thương và niềm tin vào tương lai của các em.

Bùng nổ cảm xúc tại Liên hoan các ban nhạc học sinh THPT Hà Nội lần thứ II

Bùng nổ cảm xúc tại Liên hoan các ban nhạc học sinh THPT Hà Nội lần thứ II

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Học sinh lớp 9 ôn thi xuyên kỳ nghỉ lễ

Học sinh lớp 9 ôn thi xuyên kỳ nghỉ lễ

02 May, 04:44 PM

Kinhtedothi – Chỉ còn hơn 1 tháng nữa, kỳ thi lớp 10 THPT năm học 2025 – 2026 của Hà Nội sẽ diễn ra. Với quyết tâm ôn tập để đạt kết quả thi tốt nhất, không ít học sinh lớp 9 không rời sách vở trong kỳ nghỉ lễ kéo dài 5 ngày.

Thái Nguyên: gần 19.000 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2025

Thái Nguyên: gần 19.000 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2025

30 Apr, 06:31 PM

Kinhtedothi- Theo thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Nguyên, tính đến 17 giờ ngày 28/4/2025, toàn tỉnh đã ghi nhận 18.992 thí sinh đăng ký dự thi (ĐKDT) tốt nghiệp THPT trên Hệ thống quản lý thi. So với kỳ thi năm 2024, số lượng thí sinh đăng ký tăng 2.200 người.

Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ