Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giải bài toán an toàn giao thông cho học sinh, sinh viên - Bài 2: Vô tư đầu trần

Nhà văn Nguyễn Văn Học
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo quy định, học sinh THPT đi xe đạp điện, xe máy điện cũng phải đội mũ bảo hiểm. Song học sinh hầu hết các trường THPT đều đầu trần khi tham gia giao thông bằng xe đạp điện, xe máy điện.

Vì sao nên nỗi?
Đi trên các tuyến phố, không khó để tìm thấy hình ảnh học sinh đi xe máy điện, xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm. Ra ngoại thành, tình trạng này còn phổ biến hơn, do ít chịu sự kiểm soát của lực lượng cảnh sát giao thông.
Thậm chí, nhiều em còn chở ba, lạng lách, đánh võng, đua xe… Qua trò chuyện với một số em học sinh, lý do ngại đội mũ bảo hiểm vì thấy vướng víu, sợ hỏng kiểu tóc hoặc muốn thể hiện “bản lĩnh” trước các bạn cùng trang lứa. Về phía phụ huynh, nhiều người cũng chia sẻ, gia đình đã nhắc nhở con ra đường, ngồi lên xe thì phải đội mũ bảo hiểm, nhưng do tâm lý của lứa tuổi “nhầng nhầng”, nói trước quên sau.
Cảnh sát giao thông đội 2 xử lý học sinh không đội mũ bảo hiểm trên phố Thụy Khuê. Ảnh: Thanh Hải
Theo tìm hiểu, từ đầu tháng 4/2015, lực lượng chức năng tiến hành xử phạt các trường hợp trẻ em vi phạm quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm; nhà trường cũng bị quy trách nhiệm nếu có học sinh vi phạm. Cùng đó, Sở GD&ĐT Hà Nội đã ban hành quy định: Học sinh vi phạm lần 1 sẽ bị hạ một bậc hạnh kiểm tháng mắc lỗi, phê bình trước lớp, trước trường, kiểm điểm và mời gia đình đến cam kết. Học sinh đã biết lỗi nhưng vẫn vi phạm lần 2, sẽ hạ một bậc hạnh kiểm của học kỳ, trả về gia đình giáo dục trong 3 ngày để tự kiểm điểm, thông báo tới địa phương nơi cư trú.

Quy định là vậy nhưng bản thân các học sinh cho rằng, chuyện buộc thôi học hay đình chỉ học chỉ có tác dụng với các bạn chăm. Còn với học sinh ham chơi thì chẳng là vấn đề. Kết quả, sau hai năm triển khai, việc xử phạt không được như mong muốn và có thể nói còn chưa tạo được nền nếp trong đối tượng học sinh THPT.

Kinh nghiệm ở Nhật Bản cho thấy, trẻ em nước này được phổ cập kiến thức ATGT ngay từ bậc tiểu học, với nội dung linh hoạt, tùy theo tình hình thực tế tại địa phương. Như ở Kyoto, nơi học sinh tiểu học chủ yếu di chuyển bằng xe đạp, các em sẽ phải hoàn thành một khóa học về ATGT để được cấp bằng lái xe đạp.

Những con số giật mình

Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia và Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam mới công bố kết quả nghiên cứu về tình hình tham gia giao thông của học sinh THPT ở Hà Nội. Qua khảo sát 2.390 học sinh THPT tại Hà Nội cho thấy, 52% lựa chọn xe đạp điện và xe máy điện là phương tiện đi lại, 7% đi xe máy trái phép. Điều đáng nói, học sinh THPT là đối tượng tham gia giao thông dễ bị tổn thương nhất, chiếm 90% số vụ TNGT liên quan trẻ em trong hai năm gần đây.

Theo tính toán của nhóm nghiên cứu, có tới 55% số vụ TNGT xảy ra với học sinh THPT là do xe máy điện và xe đạp điện. Nhưng điều đáng lo ngại là những năm gần đây, số lượng xe đạp, xe máy điện không ngừng tăng nhanh. Bởi thế, cần nhiều biện pháp tuyên truyền, nâng cao nhận thức của học sinh, hạn chế TNGT.

Được biết mới đây, Ủy ban ATGT Quốc gia, Bộ GD&ĐT đã phát động cuộc thi “Giao thông học đường” năm học 2017 - 2018. Cuộc thi nhằm đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền pháp luật ATGT, văn hóa giao thông cho học sinh; nâng cao ý thức chấp hành quy định của pháp luật, qua đó giảm thiểu các vụ TNGT liên quan đến học sinh”.

Theo Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Chử Xuân Dũng, bộ tài liệu giáo dục ATGT của Hà Nội cho cả 3 cấp học sẽ được nghiệm thu để đưa vào giảng dạy chính khoá. Năm 2018 sẽ thí điểm tại ba trường khu vực nội thành và xem xét, đánh giá hiệu quả thực hiện; đến năm 2020, triển khai tại các trường của 4 quận nội thành; sau năm 2020 sẽ xem xét triển khai tại tất cả các trường trên toàn TP. Đồng thời, tổ chức chương trình trải nghiệm đi xe buýt công cộng theo lộ trình cho học sinh...

Liên quan đến chuyện tuyên truyền, giáo dục cho học sinh, nhiều chuyên gia cho rằng, cần những cách giáo dục uyển chuyển. Làm sao để các em hào hứng tiếp nhận, bởi không phải chuyện gì giáo viên nói học sinh cũng nghe và không phải lúc nào học sinh “xin vâng” cũng là nghe lời. TS Vũ Thu Hương - giảng viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết: “Chấp hành luật giao thông chính là chấp hành luật pháp và học sinh cần được rèn luyện ý thức này ngay từ cấp tiểu học. Có thể nên mời cảnh sát giao thông đến tiếp xúc, tuyên truyền về ATGT cho học sinh các cấp, để các em nhận thấy rằng, việc đội mũ bảo hiểm đủ tiêu chuẩn, cài quai đúng quy cách là việc làm cần thiết. Thông qua các vở kịch, trích đoạn sinh động về ATGT sẽ “thấm” nhiều hơn là những bài học lý thuyết khô cứng”.

TS Vũ Thu Hương cũng cho rằng, các bậc phụ huynh phải nghiêm khắc hơn nữa đối với con em mình, bằng cách kiên trì nhắc nhở, thậm chí đưa ra mức phạt hợp lý nếu con không nghe lời. Bởi nếu chỉ nhà trường và các cơ quan chức năng thực hiện mà gia đình đứng ngoài cuộc thì hiệu quả sẽ không cao.

(còn nữa)