Song để chính sách phát huy được hiệu quả, nhiều ý kiến cho rằng, còn tùy thuộc vào quá trình tổ chức thực hiện, đặc biệt vai trò người đứng đầu.
Nhiều đãi ngộ khuyến khích phát huy tài năng
Vụ trưởng Vụ Công chức Viên chức (Bộ Nội vụ) Nguyễn Tuấn Ninh cho hay, nội dung đáng chú ý trong Nghị định 179/NĐ-CP là các bộ, ngành, cơ quan T.Ư và địa phương ưu tiên bố trí biên chế để tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, nhà khoa học trẻ tài năng; người đứng đầu cơ quan quản lý công chức, viên chức (CCVC) chịu trách nhiệm xét điểm cụ thể vị trí việc làm cần sử dụng người có tài năng tại cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý.
Đặc biệt, đối với sinh viên xuất sắc, nhà khoa học trẻ tài năng khi tuyển dụng vào làm CCVC, ngoài được hưởng 100% mức lương trong thời gian tập sự, còn được hưởng phụ cấp tăng thêm bằng 150% mức lương theo hệ số lương hiện hưởng trong thời hạn 5 năm kể từ ngày tuyển dụng. Theo đó, mức tiền lương cơ bản với trường hợp có trình độ đại học được hưởng 13.700.000 đồng/tháng, trình độ thạc sĩ hưởng 15.620.000 đồng/tháng, trình độ tiến sĩ hưởng 17.550.000 đồng/tháng (chưa bao gồm phụ cấp công vụ và theo ngành, lĩnh vực).
Với chuyên gia, nhà quản lý, nhà quản trị DN, nhà khoa học đầu ngành là người Việt Nam khi tuyển dụng vào CCVC được bổ nhiệm, xếp lương vào ngạch, chức danh nghề nghiệp tương ứng vị trí việc làm được bố trí và hưởng phụ cấp tăng thêm bằng 300% mức lương hiện hưởng. Theo đó, mức tiền lương cơ bản thấp nhất với trường hợp được bổ nhiệm chuyên viên chính hoặc tương đương được hưởng là 41.184.000 đồng/tháng; trường hợp được bổ nhiệm chuyên viên cao cấp hoặc tương đương được hưởng 58.032.000 đồng/tháng (chưa bao gồm phụ cấp công vụ và theo ngành, lĩnh vực).
Với trường hợp chuyên gia, nhà quản lý, nhà quản trị DN, nhà khoa học đầu ngành là người Việt Nam hoặc người nước ngoài thực hiện ký hợp đồng lao động thì cho phép người đứng đầu bộ, ngành, cơ quan T.Ư và địa phương quyết định mức thù lao trên cơ sở yêu cầu công việc, năng lực, đóng góp của họ và nguồn kinh phí của bộ, ngành, cơ quan T.Ư, địa phương.
Chính sách thu hút người có tài năng đặt ra từ lâu, nhưng trong giai đoạn trước chưa thực sự phát huy hiệu quả vì chưa phù hợp thực tế. Lần này, Nghị định 179/NĐ-CP đã rõ hơn về các tiêu chí thế nào là “người có tài năng”; quy định cụ thể những lĩnh vực áp dụng, chế độ đãi ngộ về vật chất, nhất là có thêm đãi ngộ về tinh thần (môi trường làm việc). Đáng chú ý, nét mới là đã quy định về cả tuyển dụng và đào thải, tức là có đánh giá thực tế chất lượng quá trình làm việc.
Bởi vậy, dư luận kỳ vọng, quyết sách kịp thời này sẽ góp phần thu hút, trọng dụng người có tài trong bối cảnh hệ thống chính trị đang được tinh gọn theo hướng hiệu lực, hiệu quả; tạo cơ chế thông thoáng cho những cá nhân xuất sắc được đặt đúng vị trí, trao quyền để phát huy tối đa năng lực, mà không phân biệt lĩnh vực, đảng viên hay không đảng viên.
Đặc biệt, giới chuyên gia đánh giá, với những chính sách cụ thể, rõ ràng, sát thực hơn trong tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng và cơ chế làm việc, tôn vinh, khen thưởng…, Nghị định thể hiện rõ nét việc khuyến khích, bảo vệ những người có tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá và chịu trách nhiệm. Đây chính là lời giải cho bài toán “chảy máu chất xám” lâu nay trong khu vực công.
Quan trọng nhất là vai trò người đứng đầu
Đánh giá cao những chính sách ưu việt trong Nghị định 179/NĐ-CP, song nhiều chuyên gia, cán bộ quản lý cho rằng, vấn đề quan trọng là cách thức tổ chức thực hiện, nếu không đúng sẽ không đạt được mục tiêu đặt ra.
TS Bùi Thị An - nguyên Đại biểu Quốc hội đề xuất, đầu tiên phải tìm được người đứng đầu thực sự xứng đáng ở các cơ quan, địa phương để trao trọng trách thu hút, trọng dụng người có tài năng vào làm việc. “Lâu nay chúng ta vẫn nói “hiền tài là nguyên khí quốc gia”, song việc thu hút, trọng dụng chưa đạt hiệu quả. Quan trọng là phải đánh giá đúng, phát hiện ra người tài và tuyển chọn họ. Dù máy móc hiện đại, robot hay AI, cũng chỉ thay thế được một hay nhiều công đoạn, chứ không thể thay thế hoàn toàn con người. Vấn đề sử dụng con người đã được đúc kết “dụng nhân như dụng mộc”. Người có tài, có tầm mới phát hiện, đánh giá đúng ai là người tài; nhưng còn phải có tâm thì mới dùng được người tài, mở đường và tạo môi trường làm việc cho họ phát huy được năng lực” - TS Bùi Thị An đánh giá.
Theo chuyên gia này, người có tài trong từng lĩnh vực có sự khác nhau, song dứt khoát phải lấy tác dụng của các kết quả nghiên cứu thực tiễn để đánh giá mới chính xác. Khi xây dựng Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định này, rất cần tạo được sự minh bạch trong toàn bộ quá trình tuyển dụng, quản lý, đãi ngộ người có tài, đi liền với cơ chế giám sát thực hiện, mới tạo được cơ chế thu hút người tài, động lực lớn cho phát triển kinh tế.
Ủng hộ những chính sách vượt trội trong Nghị định, Phó Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Gia Lâm (Hà Nội) Lưu Ngọc Yến băn khoăn về một số vấn đề trong thu hút, tuyển dụng, sử dụng người trẻ có tài năng vào cơ quan Nhà nước, nhất là ở cấp huyện. Cụ thể, cơ quan tuyển được sinh viên xuất sắc, song cơ chế để quản lý, giao việc cho họ thế nào thì chưa rõ. Một số cơ quan vẫn e dè khi định giao một sinh viên, cán bộ trẻ thực hiện một đề án quan trọng của đơn vị. Nhiều cơ quan tuyển thủ khoa xuất sắc vào, cũng mới được ưu đãi về đầu vào, chứ cơ bản chưa có cơ chế đặc thù khác những chuyên viên bình thường.
Bên cạnh những chính sách ưu đãi cho người có tài năng vào khu vực công, Nghị định cũng quy định có đánh giá hiệu quả công việc hàng năm. Theo bà Lưu Ngọc Yến, để đánh giá đúng cần một bộ tiêu chí rõ ràng, nếu không sẽ dễ rơi vào chủ quan. Đồng thời, cần quy định các quận, huyện khi tuyển người có tài, thì có lộ trình đào tạo bồi dưỡng cụ thể, đặc biệt với sinh viên. Vì có rất nhiều chính sách ưu tiên, như được đi học, đào tạo bồi dưỡng ở nước ngoài, nhưng thực tế chính sách này không “phủ” được hết các đối tượng. Tối đa trong 3 năm đầu tuyển dụng mà cơ quan Nhà nước không có chính sách đào tạo bồi dưỡng hay định hướng tốt, thì khó giữ chân được người có tài; tài năng sẽ hao hụt đi.
“Trong Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định cần có bộ tiêu chí và cơ chế để quận, huyện thực hiện được nghĩa vụ, trách nhiệm khi tuyển dụng, sử dụng người có tài năng, nhất là khi họ đã trưởng thành sau 1 - 3 năm làm việc, để tránh lãng phí nguồn nhân lực chất lượng cao” - bà Lưu Ngọc Yến đề xuất.
Hà Nội có đặc thù là Thủ đô, thực tế từ trước đến nay đã nỗ lực trải thảm đỏ, nhưng chưa đạt kết quả mong muốn, cũng bởi hạn chế về tài chính và một số vấn đề khác. Song lần này, Luật Thủ đô (sửa đổi) vừa được ban hành, cùng với thực hiện tốt Nghị định 179/NĐ-CP, TP sẽ có điều kiện hơn để thực hiện việc thu hút và trọng dụng người có tài năng; và đúng là Hà Nội phải như thế thì mới thực sự có bước đột phá
TS Bùi Thị An