Giải bài toán chi phí cho doanh nghiệp logistics

Hoàng Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19 đã khiến nhiều DN phải tạm thời cắt giảm quy mô sản xuất, dẫn đến ùn ứ container và tăng chi phí. Với sự chuyển dịch trên 50% hợp đồng thương mại điện tử (TMĐT) cho thị phần tiêu thụ nội địa, sự liên kết giữa logistics và TMĐT đã và đang trở thành tất yếu, phù hợp với thị trường nhất là khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Gia tăng chi phí
Dịch bệnh diễn biến phức tạp, chi phí không ngừng tăng khiến các DN gặp nhiều khó khăn, bất lợi. Trong đó, chi phí logistics và nguyên liệu gia tăng nên các DN phải cố gắng chống chọi, duy trì hoạt động sản xuất qua giai đoạn này.
Các đội tàu đều đang được chi phối bởi các tập đoàn đa quốc gia.
Chủ tịch HĐQT Công ty CP Western Pacific Phạm Thị Bích Huệ thẳng thắn, hiện DN đặt được một container là nỗ lực rất lớn, vì tất cả các đội tàu đều đang được chi phối bởi các tập đoàn đa quốc gia. Trong khi đó, Việt Nam chưa tham gia nên việc tăng, giảm trong tổng chi phí logistics liên quan đến các cước phí vận chuyển rất cao. Chỉ cần sự can thiệp nào đó, thị phần giao thương hàng hóa của Việt Nam sẽ lập tức gặp nhiều khó khăn.
Còn Tổng Giám đốc Công ty CP Dịch vụ ICT quốc gia Phạm Minh Đức thông tin, giá cước vận chuyển đang tăng đột biến do ảnh hưởng của Covid-19. Trước đây, cước vận chuyển chiếm 2% chi phí DN bây giờ tăng 8%. Trong khi đó DN không thể tăng giá sản phẩm do những hợp đồng đã ký từ trước. Thậm chí, không ít chuyến hàng còn bị hoãn, huỷ càng làm gia tăng áp lực cho DN khi phải chịu các chi phí lưu kho, chậm hàng, chậm thanh toán... Vì vậy, cần một cơ chế, chính sách để DN và người tiêu dùng không phải cáng thêm chi phí.
Cần hạ tầng và sự liên kết
Mặc dù chi phí logistics tại Việt Nam những năm gần đây đã được cải thiện đáng kể, song Phó Chủ tịch Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) Đào Trọng Khoa cho rằng, vẫn còn khá cao so với các nước trong khu vực. Logistics hiện chiếm khoảng 16,8% - 17% trong chi phí của DN, cao hơn so với Thái Lan (15%), Singapore (8,5%) và chiếm tới 50% chi phí vận tải. Chủ tịch HĐQT Công ty CP Western Pacific Phạm Thị Bích Huệ cho rằng, hiện ngành logistics đã dần chuyển dịch, khi trên 50% hợp đồng phục vụ cho thị phần tiêu thụ nội địa, đi theo sự tăng trưởng đột biến của TMĐT. Đây vừa là cơ hội vừa là thách thức vì nó đặt ra những bài toán về tốc độ đổi mới công nghệ, chi phí vốn, chi phí đầu tư các trung tâm logistics, trung tâm TMĐT để hình thành hạ tầng thiết yếu cho ngành... nhưng không phải DN nào cũng có thể triển khai.
Phối cảnh tổng thể dự án “Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc” do Liên danh Tập đoàn T&T Group (Việt Nam) - Tập đoàn YCH – YCH Holdings (Singapore) làm chủ đầu tư.
Đau đáu vấn đề và giải phần nào bài toán, tháng 11/2020, Liên danh T&T Group (Việt Nam) – Tập đoàn YCH Holdings (Singapore) làm chủ đầu tư một trung tâm logistics đa phương thức tích hợp cảng cạn, ứng dụng công nghệ tiên tiến bậc nhất châu Á, với tổng vốn đầu tư hơn 3.800 tỷ đồng, được triển khai trên tổng diện tích 83ha. Theo Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc T&T Group Đỗ Quang Hiển, mạng lưới Logistics thông minh ASEAN với sự khởi đầu của Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc sẽ tạo đà cho sự đột phá của ngành logistics Việt Nam, hướng tới mục tiêu năm 2025 chi phí logistics tại Việt Nam xuống 14% và đến năm 2025, xấp xỉ Singapore ở mức 8 - 10%.
Gỡ khó cho doanh nghiệp
Phó Chủ tịch Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM) Nguyễn Ngọc Dũng đánh giá, logistics sẽ hoàn thiện chuỗi giao kết hợp đồng TMĐT, giúp người mua và người bán không cần tiếp xúc trực tiếp với nhau. Số lượng càng lớn thì chứng tỏ độ tin cậy trong TMĐT ngày càng cao và thói quen người tiêu dùng đã được dịch chuyển… Vai trò của logistics giải quyết được bài toán thời gian, góp phần đáp ứng nhu cầu nhanh, tiện ích của người tiêu dùng. Còn TMĐT sẽ giúp cho khối DN logistics, DN tiếp cận với một lượng khách hàng lớn, các DN vận chuyển bưu chính trước kia đã chớp lấy cơ hội mở thêm các dịch vụ mới, các startup về logistics trong TMĐT nở rộ…
TMĐT sẽ giúp cho khối DN logistics, DN tiếp cận với một lượng khách hàng lớn
Việc chi phí giao nhận bị đội lên cao trong giai đoạn dịch không phải do tác động của TMĐT… mà do chính sách trong giai đoạn dịch phần nào cản trở giao thương. DN kinh doanh dịch vụ vận tải đa phương thức cần tự tìm hiểu, chủ động thay đổi tư duy về logistics để giảm chi phí trong sản xuất kinh doanh của DN, góp phần tối ưu hóa chi phí logistics quốc gia. Đồng thời, DN cần áp dụng các giải pháp để tối ưu hóa, giảm chi phí vận tải nội bộ; Chọn phương án vận chuyển trực tiếp trong điều kiện có thể để giảm các chi phí trong hành trình; Tham gia vào các hiệp hội ngành hàng và chủ hàng để tạo lợi thế đàm phán với các hãng vận chuyển nước ngoài; Tham gia vào các sàn giao dịch vận tải; Tăng cường liên kết để giảm chi phí vận tải.
Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cuối 2020 chỉ ra, chi phí vận chuyển logistics tính theo tỷ trọng GDP tại Việt Nam đang ở vào khoảng 18 - 20%, gần gấp đôi so với các nền kinh tế phát triển và cao hơn 4% mức bình quân toàn cầu, thậm chí cao gần gấp ba lần so với các nước như Mỹ hay Singapore. Bên cạnh đó, chi phí về logistics ở nước ta vẫn chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu chi phí kinh doanh của các DN. Chi phí vận chuyển cho một container hàng từ cảng Hải Phòng về Hà Nội hay ở chiều ngược lại (khoảng 100 km), đắt gấp ba lần so với chi phí vận chuyển một container hàng từ Trung Quốc và Hàn Quốc về Việt Nam. 

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần