Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giải bài toán chống úng ngập phía Tây Hà Nội: Bài 2: Dự án chống ngập vẫn… đợi vốn

Thương Huế - Vũ Cúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước tình trạng “cứ mưa là ngập” tại khu phía Tây Hà Nội, không ít người tỏ ra hoài nghi về hiệu quả đầu tư dự án (DA) thoát nước với số tiền hàng nghìn tỷ đồng của TP trong thời gian qua.

Thế nhưng, kinh phí nghìn tỷ mà dư luận quan tâm mới chỉ dành cho thực hiện DA thoát nước trong khu vực nội đô, giới hạn từ sông Tô Lịch trở vào tới sông Hồng. Thực tế khu vực thoát nước từ Vành đai 3 trở ra, các DA vẫn đang trong quá trình xây dựng và tìm nguồn vốn đầu tư.
Nội đô - nước thoát tốt

Theo đại diện Ban quản lý (BQL) DA Đầu tư xây dựng công trình cấp, thoát nước và môi trường TP Hà Nội, thời gian qua, nơi được tập trung đầu tư với DA thoát nước giai đoạn I và II là lưu vực sông Tô Lịch trở vào đến đê sông Hồng (nội đô). Trong đó, DA thoát nước giai đoạn I với kinh phí 2.700 tỷ đồng đã cải tạo 4 con sông, 6 hồ điều hòa, bao gồm hồ Yên Sở 130ha, có khả năng chứa 4 triệu m3 nước, xây dựng trạm bơm Yên Sở công suất 45m3/giây, một số tuyến cống, cửa đập. DA thoát nước giai đoạn II có tổng mức đầu tư gần 9.700 tỷ đồng, bao gồm 16 gói thầu xây lắp và 1 gói thầu tư vấn chính trải dài trên 8 quận, huyện, 60 phường, xã của TP. DA II kết thúc tháng 12/2016, công tác thi công đã hoàn thành 16/16 gói thầu xây lắp. Hiện, DA chỉ còn tồn tại về công tác GPMB trên một số quận.
 

Sơ đồ thoát nước lưu vực sông Nhuệ

(tả Nhuệ và hữu Nhuệ).
Trao đổi về vấn đề này với báo Kinh tế & Đô thị, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội Lê Vũ Quảng Sương cho biết, Công ty hiện đang quản lý hệ thống thoát nước đô thị trải rộng trên địa bàn 12 quận với diện tích khoảng 230km2, gồm 3 lưu vực thoát nước chính. Trong đó, chỉ có lưu vực sông Tô Lịch (nội thành cũ - 77,5km2) được đầu tư xây dựng và cải tạo đồng bộ, cải thiện thoát nước và VSMT, có thể đáp ứng với trận mưa 310mm/2 ngày. Nếu mưa lớn hơn thì sẽ ngập nhưng nước rút nhanh. Còn lại lưu vực Tả Nhuệ (58km2) chưa được đầu tư đồng bộ nên mùa mưa thường xảy ra úng ngập do mực nước sông Nhuệ dâng cao. Điều đáng nói, khu vực này lại đang có tốc độ đô thị hóa rất nhanh, với nhiều khu đô thị (KĐT) được đầu tư xây dựng, trong khi vẫn thoát nước chủ yếu bằng kênh tiêu nông nghiệp, hệ thống thoát nước chung - riêng chưa được kết nối với nhau, do vậy vẫn xảy ra úng ngập khi mưa to.

“Hiện, hệ thống thoát nước tại các KĐT thuộc các quận Hà Đông, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm đều được dẫn ra sông Nhuệ. Trong khi đó, sông Nhuệ cũng như các kênh, mương thoát nước tại các quận trên đều là thoát nước bán nông nghiệp và đô thị, có nghĩa là vừa phải chống úng cho nông nghiệp vừa phải chống ngập cho đô thị. Do vậy tình trạng thoát nước ở khu vực này là một vấn đề cần tập trung giải quyết” - ông Sương nhấn mạnh.

Những dự án “khủng”

Trong Quy hoạch thoát nước Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2013, Hà Nội được xác định 3 vùng tiêu thoát nước đô thị là Tả Đáy, Hữu Đáy và Bắc Hà Nội. Trong vùng Tả Đáy thoát nước bằng bơm cưỡng bức bao gồm 6 lưu vực: Sông Tô Lịch, Đông Mỹ, tả Nhuệ, hữu Nhuệ, Phú Xuyên và các thị trấn; vùng hữu Đáy thoát nước tiêu tự chảy kết hợp với bơm tiêu đô thị và thủy lợi bao gồm các lưu vực Sơn Tây, Xuân Mai, Hòa Lạc, Quốc Oai, Phúc Thọ, Chúc Sơn và các thị trấn; vùng Bắc Hà Nội sẽ kết hợp một phần thoát nước tự chảy với bơm tiêu đô thị và thủy lợi bao gồm các lưu vực Long Biên, Gia Lâm, Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn. Các chuyên gia cho rằng, những bất cập trong công tác quản lý đầu tư xây dựng hạ tầng đã được Quy hoạch đề ra kế hoạch khắc phục. Vấn đề chỉ còn nằm ở tiến độ triển khai thực hiện nhưng thực tế không đơn giản.
 Công trình trạm bơm Yên Nghĩa đang được gấp rút thi công. 
Nhận định này là có cơ sở, bởi ngay như DA “Hệ thống thoát nước mưa lưu vực tả sông Nhuệ” - DA đóng vai trò chủ đạo cho thoát nước mưa phía Tây Hà Nội, hiện, BQL DA Đầu tư xây dựng công trình cấp, thoát nước và môi trường TP mới được giao thực hiện hoàn thiện thủ tục xin chủ trương đầu tư DA (tức DA hiện chưa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt về chủ trương đầu tư - PV). Theo những người trong ngành, hầu hết DA thoát nước phải đầu tư bằng ngân sách, hoặc kêu gọi nguồn vốn ODA, khó kêu gọi xã hội hóa vì vốn đầu tư lớn lại không có nguồn thu sau đầu tư. Song, có ý kiến cho rằng, việc ngập úng cũng ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín và lợi ích của chủ đầu tư DA bất động sản, vì thế việc vận động hay yêu cầu chủ đầu cam kết tham gia xây dựng hệ thống thoát nước khu vực khi giao DA là hợp lý trong bối cảnh hiện nay.

"Tại khu vực nội đô, sau khi DA thoát nước giai đoạn I và II hoàn thành đã đáp ứng được đúng mục tiêu đề ra với những trận mưa 310mm/2 ngày. Tuy nhiên, do tốc độ đô thị hóa cũng như biến đổi khí hậu nên các cực trị mưa lớn hơn rất nhiều, có những trận mưa gần đây đo được chỉ trong vòng 40 phút đã đạt 70 - 80mm nên gây úng ngập một số điểm. Nhưng thời gian úng ngập chỉ tính bằng giờ, không có điểm nào ngập kéo dài đến cả ngày." - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội Lê Vũ Quảng Sương

Được biết, quy hoạch DA thoát nước tổng thể cho khu vực vành đai 3 trở ra, hiện TP đang khởi động với nhiều hạng mục công trình. Lưu vực Tả Nhuệ được quy hoạch xây dựng 8 trạm bơm với tổng công suất 115m3/s; cùng các hồ điều hòa Nhân Chính và Phùng Khoang. Trong đó, có 3 trạm đã hoàn thành là Cổ Nhuế (công suất 12m3/s) và Đồng Bông I - II (công suất 9m3/s/trạm). Lưu vực quận Hà Đông hiện đang triển khai xây dựng trạm bơm Yên Nghĩa (công suất 120m3/s). Đây là trạm bơm lớn thứ 2 (sau trạm bơm Liên Mạc công suất 170m3/s đang chờ nguồn vốn đầu tư - PV) được nhận định là sẽ giúp hạ mực nước sông Nhuệ, cải thiện tiêu nước cho toàn bộ khu vực các quận Hà Ðông, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm và huyện Hoài Ðức (trong đó có khu vực Mỹ Ðình và một phần đại lộ Thăng Long). Trạm bao gồm 10 tổ máy, mỗi tổ máy có công suất 12m3/s với các hạng mục: Nhà máy, bể xả, bể hút, cống xả qua đê; cải tạo, nâng cấp cống tiêu tự chảy Yên Nghĩa, nạo vét kênh La Khê để đảm bảo dẫn nước từ sông Nhuệ và đầu mối.

Giám đốc BQL DA trạm bơm Yên Nghĩa Đinh Công Sơn cho biết, cùng với các công trình đầu mối khác như trạm bơm Liên Mạc, Yên Thái, Đào Nguyên, trạm bơm tiêu Yên Nghĩa sẽ bảo đảm tiêu úng cho diện tích lên tới 18.625ha khu vực phía Tây Hà Nội. Năm 2017, BQL phấn đấu hoàn thành thi công xây lắp các hạng mục: Bể hút, bể xả, công trình vớt rác và hoàn thành thi công phần thô của hạng mục nhà trạm bơm, quản lý. Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thi công hạng mục cống xả qua đê ngay sau khi có mặt bằng thi công. “Tuy nhiên, đối với công trình đầu mối, hiện tiến độ đang khó khăn do vướng mắc GPMB đối với 5 hộ dân thuộc xã Đông La, huyện Hoài Đức. Để đáp ứng đúng tiến độ, BQL DA đã kiến nghị UBND TP chỉ đạo việc GPMB của các hộ dân phía ngoài đê tại thôn Đồng Nhân, xã Đông La, huyện Hoài Đức trong phạm vi thi công cống xả qua đê. Đồng thời sớm điều chỉnh DA để thi công cứng hóa kênh La Khê, hoàn thiện DA, vận hành đồng bộ, phát huy hiệu quả đầu tư.” – ông Sơn nói.

(Còn nữa)