Giải bài toán giảm tỷ lệ thiếu việc làm do Covid-19

Nguyễn Văn Phái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dịch Covid-19 đã khiến tỷ lệ thiếu việc làm của người dân trong độ tuổi lao động ở Việt Nam tăng cao. Để giải bài toán thiếu việc làm, Nhà nước và DN rất cần thực hiện những chính sách để người lao động có công việc và thu nhập ổn định cuộc sống.

Thiếu việc làm phản ánh mức độ phát triển của nền kinh tế

Cũng như vấn đề thất nghiệp, thiếu việc làm vừa là vấn đề kinh tế, vừa là vấn đề xã hội được các nhà kinh tế và các nhà lập chính sách hết sức quan tâm. Bởi vì, chỉ tiêu thiếu việc làm phản ánh mức độ phát triển của nền kinh tế; mà thông qua việc đo lường các chỉ tiêu này theo từng thời kỳ có thể tính được qui mô và tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, là cơ sở quan trọng để xây dựng các chiến lược và chính sách kinh tế vĩ mô cũng như các chính sách về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, chiến lược phát triển kinh tế, chiến lược việc làm. Cùng với đó là xây dựng các chính sách liên quan đến phát triển thị trường lao động; chính sách tiền lương và tiền công, chính sách xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ thu nhập, bảo hiểm…

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu việc làm của người lao động (NLĐ). Năng lực kém là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng NLĐ thiếu việc làm. Năng lực kém dẫn đến không đủ tiêu chuẩn, không thể đảm bảo năng suất, không đảm bảo thời gian hoàn thành công việc để kịp tiến độ nên họ có mong muốn làm thêm giờ.

Công việc không phù hợp cũng là một nguyên nhân khác dẫn đến tình trạng thiếu việc làm. Do tính chất công việc không đáp ứng được nhu cầu và mong muốn của NLĐ hoặc không đáp ứng được trình độ của NLĐ do công việc quá cao hoặc quá thấp so với năng lực của họ dẫn đến tình trạng lao động có xu hướng tìm kiếm công việc phù hợp hơn và dành ít thời gian cho công việc hiện tại.

Minh họa biểu đồ Hình 1:
Minh họa biểu đồ Hình 1:

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tỷ lệ thiếu việc làm của Việt Nam rất thấp. Trong 10 năm qua, tỷ lệ thiếu việc làm của dân số trong độ tuổi lao động đều ở mức dưới 3% và liên tục giảm cho đến năm 2019, năm trước khi xuất hiện dịch Covid-19.

“Bước ngoặt” phục hồi thị trường lao động

Đại dịch Covid-19 đã kéo dài ở Việt Nam hơn hai năm qua, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh tế, việc làm trong đó có thất nghiệp và thiếu việc làm của NLĐ. Thị trường lao động đối mặt với hàng loạt tiêu cực: Hàng triệu lao động bị mất việc làm, cơ hội tìm kiếm việc làm của NLĐ trở nên hết sức khó khăn.

Việt Nam đã trải qua 4 đợt bùng phát đại dịch Covid-19, trong đó đợt bùng phát thứ nhất và thứ tư có ảnh hưởng nặng nề nhất đến thị trường lao động. Các đợt cách ly, giãn cách xã hội kéo dài trên diện rộng cùng với sự tắc nghẽn trong chuỗi giá trị toàn cầu do đại dịch Covid-19 làm tăng giá nguyên vật liệu, khiến nhiều DN, cơ sở sản xuất kinh doanh không còn khả năng chống đỡ nên buộc phải cắt giảm lao động hoặc thực hiện chính sách nghỉ, giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm dẫn đến số người thất nghiệp và thiếu việc làm gia tăng.

Có thể nhận thấy rõ tác động nặng nề của dịch Covid-19 đến thị trường lao động, đặc biệt là tình trạng thiếu việc làm theo diễn biến của dịch bệnh. Năm 2019, khi chưa có dịch Covid-19, số người thiếu việc làm trong 4 quý luôn luôn giảm và chỉ còn ở mức 1,19%. Tuy nhiên, sau khi bùng phát đợt dịch Covid-19 thứ nhất vào đầu quý I/2020, đặc biệt là sau khi Việt Nam thực hiện đợt giãn cách toàn xã hội 15 ngày bắt đầu từ 0 giờ 1/4/2020, tỷ lệ thiếu việc làm bắt đầu tăng mạnh và  đạt mức 3,98%, cao gấp hơn 3 lần so với quý IV năm 2019. Sau khi đạt mức khá cao vào quý II/2020, tỷ lệ thiếu việc làm bắt đầu giảm dần và chỉ còn 1,82% vào quý IV/2020.

Khi đợt dịch Covid-19 thứ 3 và thứ 4 bùng phát vào cuối tháng 1 và cuối tháng 4 năm 2021, tỷ lệ thiếu việc làm đã liên tục tăng lên, đạt mức cao nhất là 4,46% vào quý III/2021.

Minh họa biểu đồ Hình 2.
Minh họa biểu đồ Hình 2.

Cũng như tỷ lệ thất nghiệp, tỷ lệ thiếu việc làm ở khu vực thành thị thường cao hơn so với khu vực nông thôn. Trong khi tỷ lệ thiếu việc làm năm 2021 ở khu vực nông thôn là 2,96%, ở khu vực thành thị, tỷ lệ này là 3,33%, cao hơn 0,37 điểm phần trăm so với khu vực nông thôn. Trong 4 quý năm 2021, chỉ có quý I, tỷ lệ thiếu việc làm ở khu vực thành thị là thấp hơn so với khu vực nông thôn.

Minh họa biểu đồ hình 3.
Minh họa biểu đồ hình 3.

Tuy nhiên, ngày 11/10/2021 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP về Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” và đã được thực hiện thống nhất trên phạm vi toàn quốc. Các cấp, ngành, địa phương đã có những phương án để thích nghi an toàn, khoanh vùng dập dịch bên cạnh việc duy trì, đẩy nhanh tiến độ sản xuất, kinh doanh. Qua đó, tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc, đồng thời kinh tế dần được khôi phục và có sự khởi sắc. Số người có việc làm đã tăng mạnh, làm cho số người thiếu việc giảm đi, chỉ còn 3,37% vào quý IV/2021.

Trả lương xứng đáng cho người lao động

Tình trạng thiếu việc làm có tác động tiêu cực cho cả DN, cơ sở sản xuất kinh doanh lẫn NLĐ. Tuy nhiên, NLĐ thiếu việc làm là đối tượng chịu ảnh hưởng và thiệt thòi nặng nề nhất. Thứ nhất, đó là mức lương thấp. Việc làm thiếu giờ, thiếu việc làm chắc hẳn NLĐ không thể được hưởng mức lương như cũ được nên ảnh hưởng đến chi tiêu. Thứ hai, mất cơ hội và lãng phí thời gian của NLĐ. Thay vì theo đuổi tiếp một công việc nhưng lại có kết quả làm việc không tốt, trong khi NLĐ có thể tìm kiếm công việc khác hấp dẫn hơn, tốt đẹp hơn hoặc phù hợp hơn.

Để khắc phục tình trạng thiếu việc làm, Nhà nước cần quan tâm đến những lao động năng lực thấp nhưng có triển vọng phát triển thông qua các chương trình đào tạo, dạy nghề, nâng cao kỹ năng và trình độ, nâng cao trí thức cho NLĐ. Đối với các DN và cơ sở sản xuất kinh doanh, cần giải quyết tốt bài toán NLĐ và mức lương dành cho họ để NLĐ an tâm hoàn thành công việc, không có  suy nghĩ nhảy việc vì lương. Trường hợp thừa nhân lực, DN có thể cắt giảm nhân sự, giữ lại người có chuyên môn phù hợp với công việc và họ có nhu cầu làm việc tiếp, đóng góp cho công ty. Khi DN tuyển dụng cần người có tiềm năng, năng lực phù hợp với công việc. Một trong những giải pháp giải quyết thiếu việc làm tốt nhất hiện nay mà DN nên tận dụng, đó chính là các trung tâm giới thiệu việc làm và các công cụ hỗ trợ hữu hiệu để tuyển dụng được lao động theo nhu cầu./.

 

Có hai loại thiếu việc làm: Thiếu việc làm hữu hình và thiếu việc làm vô hình. Thiếu việc làm hữu hình là người có việc làm có số giờ làm việc ít hơn qui định, có nhu cầu tìm kiếm việc làm thêm và sẵn sàng làm việc dù bất cứ hoàn cảnh nào.

Thiếu việc làm vô hình là tình trạng NLĐ đạt đủ số giờ làm việc, thậm chí nhiều hơn số giờ qui định, đủ việc làm nhưng lại hưởng mức lương thấp hơn, không xứng đáng.

Khái niệm thiếu việc làm của Việt Nam cũng tương tự như qui định của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO). Theo ILO, thiếu việc làm là NLĐ trong tuần lễ tham chiếu có số giờ làm việc dưới mức qui định chuẩn. Và, thiếu việc làm được hiểu là tình huống mà có sự không phù hợp giữa cơ hội việc làm và trình độ học vấn của NLĐ.