Giải bài toán quá tải đô thị

Vân Thiêng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kiểm soát chặt sự gia tăng dân số cơ học là một trong những biện pháp được áp dụng trong công tác quản lý đô thị, nhằm tránh xảy ra tình trạng quá tải cho cơ sở hạ tầng giao thông, điện nước và hạn chế những tác động tiêu cực của tình trạng này lên các chính sách an sinh.

Đặc biệt là với những TP có đặc thù phát triển không đồng bộ như Thủ đô Hà Nội.

UBND TP Hà Nội vừa ra văn bản số 3327 yêu cầu các đơn vị liên quan xác định qui mô dân số của các đồ án quy hoạch, dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn - một việc làm tuy chậm nhưng được kỳ vọng là sẽ khắc phục được tình trạng phát triển ồ ạt các dự án xây dựng chung cư tại các quận nội thành, làm gia tăng sức ép lên hạ tầng giao thông và nhiều vấn đề hệ luỵ khác.
 Ảnh minh họa

Sau những phàn nàn, bức xúc về tình trạng kẹt xe như cơm bữa tại một số khu vực đô thị mới phát triển như Linh Đàm, Lê Văn Lương, Trần Duy Hưng… thì đây có lẽ là động thái được cho là cần thiết của chính quyền TP Hà Nội nhằm chấm dứt kiểu qui hoạch trăm dự án nhìn vào một con đường xảy ra lâu nay trên địa bàn.

Mươi, mười lăm năm trước, những người yêu Hà Nội đã từng đặt nhiều hy vọng vào những cái tên như Linh Đàm, Trung Hoà – Nhân Chính khi nó được gắn với tên tuổi nhiều DN lớn trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng như HUD,Vinaconex... Họ hy vọng với những gì mà các chủ dự án vẽ ra về độ hoành tráng của công trình gồm căn hộ cao cấp, văn phòng cho thuê, trung tâm thương mại, vườn hoa, công viên, trường học … sẽ góp phần thay đổi bộ mặt Thủ đô theo hướng văn minh, hiện đại, tiện ích… để Hà Nội phát triển xứng tầm là một trung tâm kinh tế - chính trị - văn hoá của đất nước.

Tiếc là, sau khi được cấp phép, chủ đầu tư các dự án phát triển đô thị chỉ đi một nửa con đường. Người ta chỉ thấy những tòa chung cư cao tầng đua nhau mọc lên như nấm sau mưa, kéo theo sự gia tăng dân số một cách nhanh chóng ở các khu đô thị này. Thấy có lãi, các chủ đầu tư đua nhau vay ngân hàng, kêu gọi người dân góp vốn xây dựng chung cư để bán, mà quên đi nghĩa vụ phải phát triển hạ tầng xã hội đi kèm. Tình trạng trăm dự án cùng nhìn xuống một con đường, dự án chồng dự án, đã khiến dân số ở những khu vực này tăng lên vùn vụt, trong khi cơ sở hạ tầng giao thông và nhiều tiện tích khác chưa phát triển kịp, dẫn đến cảnh kẹt xe triền miên trên một số tuyến phố mà chỉ 10 năm trước, vẫn thênh thang.

Những khu nhà cao tầng san sát nhau ở khu vực Trung Hoà – Nhân Chính, những khu đô thị mới như Xa La, Văn Quán, Văn Phú, những toà nhà cao vút nêm chặt hai bên đường Lê Văn Lương với hàng chục vạn dân vào sinh sống trong một thời gian ngắn cùng với một số lượng lớn các phương tiện ô tô, xe máy của những cư dân này hằng ngày phải di chuyển vào nội đô để làm việc đang đè nặng lên những con đường như Trần Duy Hưng, Lê Văn Lương, Nguyễn Trãi…; Khu đô thị kiểu mẫu Linh Đàm, từng là niềm tự hào của người Hà Nội, đã bị băm nát sau khi những tòa nhà thương mại giá rẻ san sát mọc lên dẫn đến tình trạng quá tải hệ thống giao thông khu vực phía nam TP. Nạn kẹt xe ở nút giao giữa Linh Đàm với đường Giải Phóng là hậu quả nhãn tiền của việc cấp phép xây dựng tràn lan, không quan tâm đến sự mất cân đối giữa sự gia tăng dân số cơ học và những nhu cầu thiết yếu về hạ tầng xã hội ở nhưng khu vực này.

Đây cũng là vấn đề mà nhiều đại biểu đã chất vấn các sở ngành và lãnh đạo TP Hà Nội trước tình trạng quá tải dân số tại các dự án nhà ở, khu đô thị khiến hạ tầng không đáp ứng nổi, dẫn tới hàng loạt bất cập như thiếu sân chơi, trường học, áp lực về điện, nước, an toàn phòng cháy, phá vỡ quy hoạch…

Sự thừa nhận của ông Giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội khi cho rằng, nhiều năm qua, khi cấp phép xây dựng các khu đô thị, TP đã không bắt buộc các chủ đầu tư hạ tầng xã hội, để cho họ thoải mái xây nhà để bán mà không quan tâm tới nghĩa vụ phải phát triển hạ tầng, đã cho thấy một lỗ hổng rất lớn trong công tác quản lý quy hoạch.

Vì vậy, việc UBND TP Hà Nội yêu cầu các cơ quan chức năng trước khi thẩm định, trình phê duyệt các dự án đầu tư xây dựng các khu đô thị phải tính toán, dự báo quy mô dân số theo từng cấp độ trung bình và tối đa khi khai thác vận hành, nhằm khắc phục tình trạng phát triển mất cân đối giữa sự gia tăng dân số và hạ tầng xã hội, chấm dứt kiểu làm ăn mà cái lợi thì chảy vào túi DN bán nhà, còn gánh nặng hạ tầng, an sinh xã hội thì đẩy cho Nhà nước phải gánh vác, hướng đến mục tiêu xây dựng TP Hà Nội trở thành một đô thị ngày một hiện đại, văn minh, xứng tầm Thủ đô của đất nước

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần