Những năm gần đây, hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản trong lĩnh vực trao đổi nhân lực với sự tham gia của TTS trong Chương trình TTS Kỹ năng phát triển mạnh mẽ. Thông tin từ Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) thuộc trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội, tính đến cuối năm 2016, số TTS Việt Nam tại Nhật Bản khoảng trên 90.000 người và ước tính có 57.000 đã trở về Việt Nam. Chương trình không chỉ góp phần giải quyết vấn đề thiếu hụt việc làm tại Nhật Bản mà còn đem lại cơ hội lớn cho lực lượng lao động trẻ của Việt Nam, giúp họ nâng cao thu nhập và đặc biệt là học hỏi kỹ năng để phát triển sự nghiệp, lan tỏa về năng suất lao động khi về nước. Thế nhưng, trên thực tế, trình độ kỹ thuật và nguyện vọng của TTS về nước không tương xứng với nhu cầu tuyển dụng lao động của DN tại địa phương. Một trong những vấn đề tồn tại cốt yếu hiện nay được VEPR chỉ ra là sự thiếu minh bạch và chưa chia sẻ thông tin trên thị trường. TTS khó nhận diện được các DN phái cử đang theo đuổi đúng mục tiêu mà chương trình đặt ra.
|
Thực tập sinh sau khi về nước được tham gia Sàn giao dịch việc làm Hà Nội để ứng tuyển vào các DN Nhật Bản tại Việt Nam. Ảnh: Thủy Trúc |
Vì thiếu chia sẻ thông tin, dẫn đến chi phí tuyển dụng lao động tăng, tạo thêm áp lực kinh tế cho TTS. Đặc biệt, chi phí cao để tham gia chương trình làm cho nhiều TTS phải vay nợ cũng như chịu áp lực trả nợ trong giai đoạn đầu làm việc khiến họ mất tập trung tiếp thu kỹ năng. Về phía các DN phái cử có xu hướng cắt giảm chi phí đào tạo, bỏ qua các khóa huấn luyện và định hướng trước khi sang Nhật khiến cho TTS gặp khó khăn khi tiếp thu kỹ năng tại Nhật Bản. Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Doãn Mậu Diệp cho biết, vướng mắc lớn nhất là tỷ lệ bỏ hợp đồng, cư trú bất hợp pháp khá cao, cao nhất trong số các nước cử TTS sang Nhật Bản. Tỷ lệ TTS, du học sinh Việt Nam phạm tội cao hơn Trung Quốc, Hàn Quốc buộc Chính phủ Nhật yêu cầu Việt Nam rà soát, chấn chỉnh để các TTS tuân thủ luật pháp, không vi phạm những quy định của nước sở tại.
“TTS có thể học hỏi phong tục, tập quán của người Nhật. Chỉ cần quen phong cách làm việc chuyên nghiệp, tuân thủ kỷ luật, thời gian thì các em có thể làm được bất cứ ngành nghề nào. Thực tế, có những TTS đã khởi nghiệp làm ông chủ, quản lý công ty Nhật Bản và đã phát triển rất tốt”. - Trưởng đại diện Văn phòng Tổ chức đào tạo nhân lực quốc tế (IM Japan) tại Việt Nam Yoshida Kuniaki |
Rõ trách nhiệmMột nguyên nhân khiến TTS bỏ hợp đồng, cư trú bất hợp pháp cao để ra ngoài làm việc là áp lực phải kiếm tiền trả nợ. Đánh giá về chương trình TTS ngành điều dưỡng và hộ lý đang được thực hiện với Nhật Bản, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho biết: Đến nay đã đưa được hơn 800 người sang Nhật Bản và được đánh giá tốt, thi lấy chứng chỉ quốc tế đạt 80 - 90%. Tuy nhiên, cả về phía Nhật và Việt Nam đều thừa nhận công việc TTS điều dưỡng không hấp dẫn, chủ yếu chăm sóc người già, người bệnh. Vì thế, nguy cơ các TTS chấm dứt hợp đồng, bỏ hợp đồng ra ngoài làm việc rất cao. Trước thực tế này, Bộ LĐTB&XH đã chỉ đạo Cục Quản lý lao động ngoài nước trao đổi với Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội Nhật Bản ràng buộc trách nhiệm của các DN Việt Nam. Các nghiệp đoàn phía Nhật Bản muốn tiếp nhận các TTS điều dưỡng, hộ lý thì phải có trách nhiệm hỗ trợ các DN Việt Nam toàn bộ chi phí đào tạo của những TTS; cung cấp giáo viên tiếng Nhật và có hướng dẫn ứng viên sang Nhật làm điều dưỡng và hộ lý; chi phí vé máy bay đi lại; đảm bảo tiền khấu trừ từ tiền lương để chi trả cho nhà ở, điện nước, sinh hoạt ở mức hợp lý; tiền lương TTS phải bằng hoặc cao hơn so với người bản xứ làm cùng công việc này.
Theo Trưởng đại diện Văn phòng Tổ chức đào tạo nhân lực quốc tế (IM Japan) tại Việt Nam Yoshida Kuniaki, để giải bài toán TTS cư trú bất hợp pháp một cách hiệu quả, rất cần tạo cho các em ước mơ và hoài bão của riêng mình, sau này có những cống hiến cho đất nước là điều rất quan trọng. Ông Yoshida Kuniaki cho biết, với những trường hợp TTS bỏ trốn, đều được báo cáo với cơ quan chức năng của Nhật và có những thông tin qua gia đình để động viên các em mau chóng trở về nước. Tuy nhiên, điều quan trọng là phía Nhật vẫn luôn coi TTS như người thân trong gia đình, đây là giải pháp mang lại hiệu quả nhất trong việc phòng chống bỏ trốn và cư trú bất hợp pháp.