Dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh BĐS tính đến 31/12/2022 là gần 800.000 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ trái phiếu DN riêng lẻ khoảng 2 triệu tỷ đồng, riêng DN BĐS trên 400.000 tỷ đồng (chiếm trên 30%). Năm 2022, nguồn vốn FDI đầu tư vào lĩnh vực BĐS tăng thêm 1,85 tỷ USD, tăng hơn 70% so với cả năm 2021 và giữ vị trí thứ 2 trong các lĩnh vực thu hút vốn đầu tư FDI năm 2022.
Cả nước có 126 dự án với khoảng 56.000 căn hộ được cấp phép (số lượng dự án bằng khoảng 52,7% so với năm 2021); có 466 dự án với khoảng gần 230.000 căn hộ đang được triển khai xây dựng (bằng khoảng 47,7% so với năm 2021); có 91 dự án với trên 18.000 căn hộ đã hoàn thành xây dựng (bằng khoảng 55,2% so với năm 2021).
Chuyên gia du lịch Lương Hoài Nam cho rằng, không chỉ giải quyết các vấn đề pháp lý, dòng vốn tín dụng mà còn phải tạo nguồn cung cho thị trường BĐS, cụ thể đất là BĐS nghỉ dưỡng. Ông Lương Hoài Nam khẳng định: “Tôi nghĩ vấn đề lớn của BĐS Việt Nam không phải ở các dự án nhà ở đô thị, mà chủ yếu nằm ở hàng chục, hàng trăm dự án BĐS nghỉ dưỡng biển trải dài suốt hàng nghìn km bờ biển nước ta và ở các đảo lớn. Hàng chục tỷ USD đã được đầu tư vào các dự án BĐS nghỉ dưỡng, với sản phẩm truyền thống là villa, nhà phố, căn hộ condotel”.
Tình trạng vắng khách du lịch, không có dân cư, không có hoạt động biến những nơi này thành những "phố ma", "đô thị ma", người mua nhà cũng chẳng buồn làm nội thất, hàng nghìn villa, condotel "đắp chiếu" nằm đợi. Các doanh nghiệp BĐS cạn tiền, ôm đống nợ ngân hàng, thực tế hiện nay thị trường là BĐS nghỉ dưỡng đóng băng và chưa hẹn ngày quay trở lại. Người mua BĐS ngày càng mất niềm tin vào các BĐS nghỉ dưỡng giá cao, trong khi cơ hội kinh doanh du lịch gần như không có.
Ngày 6/2, phía Trung Quốc thông báo cho phép các công ty lữ hành trong nước tổ chức tour đến 20 nước trên thế giới, trong đó có nhiều nước Đông Nam Á, nhưng lại không có Việt Nam. Danh sách này khiến cả doanh nghiệp du lịch Trung Quốc và Việt Nam cùng bất ngờ, bị động và hoang mang, kèm với đó là thất vọng lớn.
"Tôi nghĩ vấn đề lớn của BĐS Việt Nam không phải ở các dự án nhà ở đô thị, mà chủ yếu nằm ở hàng chục, hàng trăm dự án BĐS nghỉ dưỡng biển" - chuyên gia Lương Hoài Nam.
Các chuyên gia hàng không, du lịch đều có chung nhận định, trước mắt sẽ chưa có khách du lịch Trung Quốc tới Việt Nam và tương lai cũng còn khá mịt mù. Trước kia, khi đại dịch Covid-19 chưa bùng nổ, Trung Quốc là một trong những thị trường khách quốc tế lớn nhất thế giới.
Vào năm 2019, Việt Nam chúng ta đón khoảng gần 6 triệu lượt khách Trung Quốc, tương đương 30% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam, mang lại doanh thu hơn 5 tỷ USD cho các doanh nghiệp du lịch Việt Nam. Đó là chưa tính doanh thu vé máy bay, lệ phí sân bay, bán hàng cho khách du lịch Trung Quốc (đặc biệt là các mặt hàng nông sản Việt). Gần 3 năm vắng khách Trung Quốc, cộng thêm giảm khách Nga, hệ thống lưu trú, dịch vụ ở các điểm đến này rơi vào cảnh tiêu điều.
Dự án Aria Đà Nẵng hơn 800 căn hộ dịch vụ condotel nằm trên tổng diện tích đất 7ha với khu biệt thự và 4 tòa tháp căn hộ, khách sạn đang vắng khách. Dự án Cam Ranh Bay Hotels & Resorts được quy hoạch trên tổng diện tích 13ha với quy mô 908 căn hộ du lịch và 175 căn biệt thự cũng lâm vào cảnh tương tự. Đó cũng là tình trạng chung của các dự án BĐS nghỉ dưỡng tại Đà Nẵng, Nha Trang, Hạ Long.
Đối với các dự án BĐS nghỉ dưỡng biển, vấn đề lớn hơn nằm ở đầu ra của các dịch vụ du lịch, từ lưu trú đến các dịch vụ khác chứ không phải vốn tín dụng.
Tìm gỡ nút tắt
Không có khách tiềm năng thì thị trường BĐS nghỉ dưỡng đóng băng, thị trường BĐS nghỉ dưỡng đóng băng thì không có dịch vụ du lịch, không phát triển dịch vụ du lịch thì lấy gì để PR cho khách quốc tế. Doanh thu thị trường khách quốc tế này hàng năm bằng 50% giá trị doanh thu xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc.
Trước đây, mỗi khi hàng hoá nông sản Việt Nam bị ách tắc tại cửa khẩu, các cơ quan quản lý nhà nước, truyền thông Việt Nam đứng ngồi không yên, mạng xã hội liên tiếp kêu gọi tháo gỡ, giải cứu nhưng thị trường du lịch im ắng thì lại nhưng lại chưa được quan tâm nhiều.
Ngoại trừ, Bộ Văn hóa- Thể thao- Du lịch đã làm việc với Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam và có công văn gửi Bộ Văn hóa-Du lịch Trung Quốc và vài công ty du lịch kêu cứu thì rất ít người lên tiếng dù chúng ta mất hàng tỷ doanh thu du lịch từ thị trường Trung Quốc. Hệ quả tiếp theo là BĐS nghỉ dưỡng gặp khó không kém phân khúc nhà ở trung - cao cấp, nhà ở cho người thu nhập thấp, phải mất rất nhiều năm may ra mới phục hồi được.
Sau Hội nghị trực tuyến toàn quốc “tháo gỡ khó và thúc đẩy thị trường bất động sản (BĐS) phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì cơ quan quản lý nhà nước sẽ ban hành các chính sách phù hợp đối với kinh doanh BĐS. Rõ ràng, với đặc thù riêng thị trường BĐS nghỉ dưỡng cũng cần phải có “đơn thuốc” riêng, trước mắt các dự án BĐS nghỉ dưỡng biển, vấn đề lớn hơn nằm ở đầu ra của các dịch vụ du lịch, từ lưu trú đến các dịch vụ khác cần được ưu tiên tháo gỡ.
Sau đại dịch Covid-19, hàng không và du lịch chính là những ngành nhà nước không cần chi tiền để giải cứu mà chỉ cần nhà nước mở thật rộng cửa cho du khách quốc tế bằng các chính sách đơn phương, song phương, còn lại các doanh nghiệp tự do.
Trước dịch mỗi tuần, các hãng hàng không của Việt Nam khai thác khoảng hơn 200 chuyến bay tới nhiều tỉnh, thành ở Trung Quốc. Khơi thông được nguồn khách này thì không chỉ BĐS nghỉ dưỡng mà ngành hàng không cũng có cơ hội khởi sắc.