Ghi nhận thực tế cho thấy thời gian qua, giá nông sản tại Hà Nội bị sụt giảm mạnh, việc tiêu thụ gặp nhiều khó khăn. Theo ông, nguyên nhân do đâu?- Đúng là hiện giá nông sản tại Hà Nội có giảm. Nguyên nhân lớn nhất là do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến thương lái nhiều tỉnh, TP, trong đó có Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh… không thể về thu mua. Cùng với đó, việc các bếp ăn khu công nghiệp, chế xuất, đặc biệt là trường học tạm dừng hoạt động cũng khiến sản lượng tiêu thụ sụt giảm, dẫn đến việc tiêu thụ nông sản chậm, giá cả cũng không như kỳ vọng của người nông dân.
Ngay cả khi dịch Covid-19 chưa bùng phát, câu chuyện “được mùa mất giá” vẫn thường xuyên xuất hiện. Điều này có liên hệ như thế nào đến những hạn chế trong phát triển nông nghiệp hiện nay tại Hà Nội, thưa ông?- Cá nhân tôi cho rằng, nguyên nhân cốt lõi khiến giá nông sản bấp bênh có liên quan rất lớn đến hình thức tổ chức sản xuất. Thực tế, đối với các chuỗi liên kết hiện nay, dù giá cả có giảm ít nhiều do ảnh hưởng của dịch, tuy nhiên nông sản vẫn tiêu thụ được. Trong khi đó, nông sản tự cung – tự cấp, không qua liên kết lại gặp rất nhiều khó khăn về đầu ra.
Việc nông sản không được quản lý theo chuỗi cũng khiến có nhiều thời điểm, nguồn cung hàng hóa trên thị trường rất lớn. Không chỉ là sản phẩm của nông dân trên địa bàn Hà Nội, mà còn của nông dân các tỉnh, TP khác đổ về. Nguồn cung dôi dư gây mất cân bằng cung - cầu và khiến việc tiêu thụ cũng trở nên khó khăn hơn.
Nói vậy có nghĩa là kinh tế hộ gia đình nhỏ lẻ đã ít nhiều không còn phù hợp trong bối cảnh kinh tế thị trường?Việc sản xuất nhỏ lẻ nhìn chung sẽ rất khó để có thể phát huy được nội lực. Tôi lấy ví dụ như một vài hộ nông dân trồng lúa “bắt tay” tích tụ ruộng đất, áp dụng cơ giới hóa và sử dụng giống mới chất lượng cao vào canh tác thì năng suất, chất lượng chắc chắn cao hơn từng hộ riêng lẻ. Tôi cho rằng, kinh tế hộ đang cho thấy những điểm không còn phù hợp với nền kinh tế thị trường hiện nay. Chỉ có tích tụ đất đai, sản xuất lớn theo chuỗi liên kết giá trị thì mới mang lại hiệu quả cao cho các đối tượng tham gia, trong đó, được hưởng lợi lớn nhất không ai khác là những người nông dân. Bài toán “được mùa mất giá”, giá nông sản bấp bênh cũng sẽ được hạn chế đến mức thấp nhất.
|
Nông dân huyện Mê Linh thu hoạch củ cải. Ảnh: Ánh Ngọc |
Phát triển mạnh chuỗi liên kết nông sản an toànLiên kết chuỗi mang lại lợi ích thiết thực cho các tác nhân tham gia (nông dân, hợp tác xã, DN, nhà phân phối, người tiêu dùng), song thực tế các chuỗi nông sản an toàn trên địa bàn TP vẫn phát triển chậm? Ông nhận định như thế nào về vấn đề này?Có nhiều yếu tố tác động, trong đó yếu tố sản xuất kinh tế hộ thiếu những người thủ lĩnh mạnh dạn đứng ra gây dựng HTX. Đây là những người sáng lập viên quyết liệt gắn kết các nông hộ sản xuất nhỏ lẻ và thu gom được diện tích đất đủ lớn để HTX phát triển sản xuất. Do đó, Nhà nước nên tạo môi trường thuận lợi và có cơ chế chính sách nhất định để HTX phát triển. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương phải là cầu nối để vận động người dân ủng hộ hình thức kinh tế tập thể phát triển.
Một vấn đề nữa là DN rất e dè khi liên kết với nông dân, đa số vẫn phải tự đầu tư các nguồn lực vào sản xuất. Vì vậy, việc tập hợp được nhân tố tập trung ruộng đất, hình thành cánh đồng lớn để tổ chức sản xuất cần thực hiện trên phạm vi rộng toàn TP (ở những nơi còn sản xuất nông nghiệp). Tiếp đó, cần có chủ trương khuyến khích, đào tạo, hướng dẫn để các nhân tố này phát triển. Mặt khác, cần tuyên truyền sâu rộng để những người dân có nhu cầu chuyển đổi nghề nghiệp sẽ cho thuê lại ruộng đất hoặc góp đất vào HTX để hưởng lợi tức.
Ngành nông nghiệp Hà Nội đã, đang và cần thực hiện những giải pháp gì để đẩy mạnh phát triển các chuỗi liên kết nông sản an toàn?Thứ nhất, để làm được điều này phải thay đổi mạnh mẽ tư duy tiêu dùng. Tôi lấy ví dụ ở góc độ các bếp ăn tập thể, nhà hàng, khách sạn cần tham gia vào quản lý nguồn gốc nông sản với Nhà nước. Đơn cử, yêu cầu phía DN cung cấp đơn hàng phải có đầy đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ sản phẩm cho từng đơn hàng để tránh hành vi trà trộn. Các cơ sở tiêu thụ cần phải có cơ chế giám sát chặt chẽ chứ không chỉ căn cứ vào 1 loại giấy tờ ký kết hợp tác giữa DN và bên cung ứng.
Thứ hai, ở góc độ các cơ quan quản lý Nhà nước, ngành nông nghiệp tăng cường phối hợp với các ngành công thương, y tế, công an để kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm ATTP, gian lận về nguồn gốc sản phẩm của các DN. Trong quá trình giám sát, cơ quan chức năng thực hiện lấy mẫu nông sản, thực phẩm, cơ sở nào không đảm bảo các tiêu chí theo quy định thì sẽ xử lý ngay. Thứ ba, các chuỗi muốn phát triển thì sản phẩm phải đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Do đó, các DN, HTX cần đầu tư cơ sở chế biến, sơ chế nông sản.
Hiện nay, số lượng DN tham gia vào chế biến sâu trên địa bàn TP còn khá ít ỏi. Vậy, cần làm gì để thu hút DN tham gia vào lĩnh vực này, thưa ông?Thời gian qua, Sở NN&PTNT đã có tham mưu với TP ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ DN tham gia lĩnh vực chế biến sâu. Song thực tế trên địa bàn Hà Nội, việc thu hút các DN vẫn khó khăn hơn các tỉnh, thành khác. Để khắc phục khó khăn này, đối với các DN nhỏ và vừa, ngành nông nghiệp hỗ trợ việc kết nối các siêu thị với DN chế biến, tiêu thụ.
Bên cạnh đó, Sở phối hợp với các huyện, thị xã tích cực triển khai thực hiện Nghị định số 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn TP; Nghị quyết số 10/2018/NQ-HĐND của HĐND TP Hà Nội về một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, xây dựng hạ tầng nông thôn.
Xin trân trọng cảm ơn ông!