Giải đáp kiến nghị về tưới tiêu, thoát và xử lý nước tại Hà Nội

Vũ Khoa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhu cầu về tiêu, thoát, xử lý nước nhằm chống ngập úng và bảo vệ môi trường hiện đang nhận được rất nhiều sự quan tâm. Nhiều ý kiến cho rằng, Hà Nội cần sớm đẩy nhanh các giải pháp để phù hợp với quá trình đô thị hóa.

Nhiều dự án gây bức xúc

Cử tri tại các quận Hoàn Kiếm, Đống Đa, Long Biên, Nam Từ Liêm phản ánh, việc giải quyết úng ngập ở Hà Nội không được như kỳ vọng. Đề nghị cần xem xét lại công tác quản lý, có giải pháp tổng thể chống ngập úng, quan tâm đầu tư hệ thống thoát nước trên địa bàn.

Tương tự, cử tri quận Hà Đông đề nghị UBND TP Hà Nội kiểm tra hồ sơ thiết kế các kênh dẫn chính, kênh nhánh, công trình phụ trợ thu gom nước và việc triển khai dự án đầu tư xây dựng và quản lý khai thác hệ thống công trình chống ngập, úng của Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa, nhằm đảm bảo chất lượng công trình và phát huy hiệu quả trong việc phòng chống úng, lụt của Thủ đô.

Tại quận Nam Từ Liêm, cử tri phản ánh hai tuyến mương nổi chảy kẹp hai phía Đông Nam và Tây Bắc - Tổ dân phố số 2, phường Xuân Phương hiện nay không phục vụ tưới tiêu nông nghiệp nữa mà trở thành mương thoát nước, chủ yếu là nước thải, nước ngập úng vào mùa mưa từ địa bàn ra sông Nhuệ, gây hiện tượng ngập úng nặng các khu dân cư sau mỗi trận mưa lớn và môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Do đó, nhiều ý kiến bày tỏ kiến nghị TP Hà Nội xem xét chuyển đổi cơ quan quản lý, sử dụng hệ thống mương này từ các đơn vị Thủy nông sang các Công ty cấp thoát nước đô thị của TP; từ đó, có quy hoạch, nâng cấp, cải tạo sửa chữa phục vụ mục đích tiêu thoát nước đô thị để đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường, văn minh đô thị.

Toàn cảnh Dự án nhà máy xử lý nước thải Yên Xá.
Toàn cảnh Dự án nhà máy xử lý nước thải Yên Xá.

Tại huyện Thanh Trì, Dự án nhà máy xử lý nước thải Yên Xá nằm ở cánh đồng Yên Xá có tổng mức đầu tư hơn 800 triệu USD (hơn 16.000 tỷ đồng), tổng diện tích 13,8ha do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình Hạ tầng kỹ thuật và Nông nghiệp làm chủ đầu tư. Trạm bơm nước thải đầu vào chính là hạng mục sẽ giúp nhà máy xử lý nước thải Yên Xá đạt được công suất xử lý nước 270.000 m3/ngày.

Dự án này được xem là một trong những dự án quy mô lớn nhất và mang tính cấp bách của Hà Nội về xử lý nước thải. Được khởi công vào tháng 10/2016, dự kiến vào quý 2/2022 nhà máy sẽ đi vào hoạt động và xử lý một phần nước thải sinh hoạt cho các quận Đống Đa, Ba Đình, Tây Hồ, Cầu Giấy, Hà Đông, Hai Bà Trưng và huyện Thanh Trì song, đến nay dự án vẫn ngổn ngang, chưa thể hoàn thành, nhiều hạng mục thi công của dự án bị rào chắn gây ùn tắc nghiêm trọng và nhận phải nhiều phản ánh.

Nghiên cứu bổ sung phù hợp với Quy hoạch Thủ đô

Trả lời những kiến nghị của cử tri, UBND TP Hà Nội cho biết, trong những năm qua công tác thoát nước phòng chống úng ngập đã được TP quan tâm chỉ đạo. Tuy nhiên, với các trận mưa có lượng mưa lớn trên diện rộng, vượt công suất thiết kế của hệ thống thoát nước nên nhiều khu vực trên địa bàn vẫn bị ngập sâu, gây UTGT, ảnh hưởng tới sinh hoạt, đời sống của nhân dân.

Các đơn vị đã tổ chức ứng trực để duy trì, xử lý việc tiêu thoát nước, giảm úng ngập trong thời gian sớm nhất và hướng dẫn phân luồng giao thông theo kế hoạch, đã từng bước khắc phục. UBND TP đã chỉ đạo các sở, ban ngành thực hiện một số giải pháp căn cơ, lâu dài giải quyết tình trạng úng ngập.

Cụ thể, hiện nay, TP Hà Nội đang tập trung nguồn lực để thực hiện các dự án thoát nước và xử lý nước thải đã có chủ trương đầu tư. Trong đó, UBND TP Hà Nội giao Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với các Sở, ngành, các đơn vị duy trì thoát nước đô thị nghiên cứu, đề xuất các giải pháp căn cơ, lâu dài (đầu tư các trạm bơm tiêu thoát nước đô thị; phối hợp với UBND các quận nghiên cứu, đề xuất giải pháp xây dựng một số hầm chứa nước tại các khu vực trũng thấp để giảm úng ngập cục bộ (bằng nguồn vốn đầu tư công của quận hoặc các nguồn vốn huy động khác).

Sở Xây dựng cùng Sở NN&PTNT và các đơn vị có liên quan rà soát các Quy hoạch thoát nước, Quy hoạch tiêu nước hệ thống sông Nhuệ; trên cơ sở kết quả rà soát, đánh giá thực trạng về thoát nước trên địa bàn TP Hà Nội, nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh, bổ sung về quy hoạch thoát nước đô thị phù hợp với quá trình đô thị hóa, phát triển đô thị và biến đổi khí hậu, cập nhật vào đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đang triển khai thực hiện.

Thời gian tới, cùng với việc hoàn thiện đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô được phê duyệt. Thành phố sẽ tập trung nguồn lực triển khai các dự án phát triển đô thị, phát triển hệ thống thoát nước phù hợp với quá trình đô thị hóa trên địa bàn TP.

Về dự án kênh La Khê, trong quá trình thi công, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo Ban QLDA yêu cầu các nhà thầu thi công kênh La Khê phối hợp cùng Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội để đảm bảo nhiệm vụ tiêu thoát nước thường xuyên trong quá trình thi công các gói thầu. Liên quan đến một số khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng dự án, thực hiện chỉ đạo của UBND TP, Sở TN&MT đã chủ trì cùng các Sở, ngành liên quan hướng dẫn UBND quận Hà Đông rà soát, thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho các hộ theo quy định.

Dự án cứng hóa kênh La Khê.
Dự án cứng hóa kênh La Khê.

Đối kiến nghị với hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn phường Xuân Phương và toàn quận Nam Từ Liêm do UBND quận Nam Từ Liêm và Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển thủy lợi Sông Nhuệ quản lý. Theo báo cáo của Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển thủy lợi Sông Nhuệ, tuyến kênh thủy lợi do TP quản lý đi qua khu vực  tổ dân phố số 2, phường Xuân Phương là tuyến kênh N3 Cầu Diễn nằm trong hệ thống kênh tưới Cầu Diễn, hiện nay tuyến kênh có nhiệm vụ cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp cho 15,4 ha của phường Xuân Phương.

Tuy nhiên, do tuyến kênh đi qua khu dân cư nên tình trạng người dân vứt rác thải xuống lòng kênh diễn ra hết sức phức tạp. Để đảm bảo công tác phục vụ sản xuất nông nghiệp, UBND TP đã chỉ đạo chính quyền địa phương thường xuyên tuyên truyền đến Nhân dân sống hai bên bờ kênh vứt rác đúng nơi quy định, tránh gây ô nhiễm, cản trở dòng chảy của kênh.

Hiện nay, TP đã giao Sở Xây dựng phối hợp với Sở NN&PTNT cùng các đơn vị có liên quan rà soát kỹ các trạm bơm tiêu thoát nước, hệ thống kênh mương phục vụ nông nghiệp tại các khu vực đã đô thị hóa đề xuất chuyển sang phục vụ tiêu thoát nước đô thị.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần