Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bình Định:

Giải mã lý do dẫn đầu khu vực miền Trung về thu hút đầu tư

Bài, ảnh: Trung Nhân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù trải qua năm 2021 đầy biến động do dịch bệnh Covid-19, tăng trưởng kinh tế của Bình Định tiếp tục để lại nhiều dấu ấn. Đặc biệt, thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước vẫn tăng cao với hơn 104.111 tỷ đồng và dẫn đầu khu vực miền Trung.

 

Lãnh đạo tỉnh Bình Định trao giấy chứng nhận đầu tư cho Tập đoàn Kurz của Đức thực hiện dự án với số vốn đăng ký đầu tư giai đoạn đầu khoảng 40 triệu USD.
Lãnh đạo tỉnh Bình Định trao giấy chứng nhận đầu tư cho Tập đoàn Kurz của Đức thực hiện dự án với số vốn đăng ký đầu tư giai đoạn đầu khoảng 40 triệu USD.

Tăng cả chất và lượng

Theo Sở KH&ĐT Bình Định, trong năm 2021, tỉnh Bình Định đã thu hút được 86 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn thu hút trên 104.113,69 tỷ đồng. trong đó 61 dự án ngoài Khu kinh tế (KKT), Khu công nghiệp (KCN) với tổng vốn đầu tư 95.319,26 tỷ đồng (17 dự án trong Cụm Công nghiệp, tổng vốn đầu tư 124,78 tỷ đồng); 25 dự án trong KKT, KCN với tổng vốn đầu tư 8.794,43 tỷ đồng.

Cụ thể, theo phân khúc bất động sản, xây dựng, hạ tầng có 30 dự án với tổng vốn đầu tư 41.252,7 tỷ đồng; Công nghiệp có 45 dự án, 59.805,7 tỷ đồng; Thương mại, dịch vụ, du lịch có 10 dự án, 2.902,6 tỷ đồng; Nông nghiệp với 1 dự án, 152,6 tỷ đồng.

Đối với thu hút đầu tư nước ngoài, từ đầu năm đến nay, Bình Định thu hút 4 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 80,34 triệu USD. Thực hiện 7 lượt điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn điều chỉnh tăng 32,23 triệu USD và 8 lượt nhà đầu tư nước ngoài đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp với tổng vốn 17,8 triệu USD. Theo đó, đến nay, Bình Định có 86 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 1,088 tỷ USD; trong đó có 38 dự án trong KKT và KCN với tổng vốn đăng ký 843,35 triệu USD và 48 dự án ngoài KKT và KCN với tổng vốn đăng ký 245,56 triệu USD.

Bình Định đang thu hút nhiều dự án lớn nhờ linh hoạt trong xúc tiến đầu tư và phát triển hạ tầng.
Bình Định đang thu hút nhiều dự án lớn nhờ linh hoạt trong xúc tiến đầu tư và phát triển hạ tầng.

Linh hoạt trong xúc tiến đầu tư

Đạt được các kết quả trên, ông Nguyễn Bay - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư tỉnh Bình Định cho rằng, trong khó khăn bởi dịch bệnh, Bình Định vẫn giữ được vị thế trong thu hút đầu tư, phát triển DN nhờ vào chiến lược thu hút đầu tư hiệu quả, là kết quả từ sự nỗ lực của tỉnh trong việc tiếp tục chủ động, linh hoạt về xúc tiến, “tiếp thị” đầu tư bằng hình thức trực tuyến.

Để phù hợp với tình hình thực tế, Bình Định thường xuyên cập nhật những thông tin mới nhất về môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh, các chính sách thuế về đất đai, nguồn lao động, năng lượng, chế độ, chính sách thu hút đầu tư của tỉnh; các lĩnh vực cần thu hút đầu tư… để đón dòng vốn đầu tư mới trong và ngoài nước, cũng như tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư đến kinh doanh lâu dài.

Song song đó, để duy trì lợi thế thu hút đầu tư, Bình Định tiếp tục cải cách thủ tục hành chính và triển khai ứng dụng thông tin trong cung cấp dịch vụ công để giảm thời gian và chi phí cho DN; duy trì thực hiện hồ sơ đăng ký kinh doanh qua mạng, bảo đảm thời gian xử lý các thủ tục hành chính nhanh gọn; tích hợp các dịch vụ tiện ích trong hỗ trợ DN…

Đặc biệt, việc Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định thành lập Tổ công tác xúc tiến và hỗ trợ đầu tư với nhiệm vụ trọng tâm là vừa xúc tiến, vừa hỗ trợ các nhà đầu tư, DN khi đầu tư tại tỉnh, nhanh chóng giải quyết các vướng mắc phát sinh trong quá trình đầu tư. Thông qua các cuộc họp, Tổ Công tác đã đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện một số quy định, cơ chế, chính sách để tạo môi trường đầu tư thông thoáng hơn, hấp dẫn hơn; từng bước tạo đột phá trong thu hút đầu tư vào tỉnh và huy động các nguồn lực đầu tư nhằm hoàn thiện hệ thống hạ tầng, nhất là hạ tầng tại KKT Nhơn Hội, KCN Becamex VSIP; hạ tầng giao thông, hạ tầng du lịch…

“Nhờ chiến lược thu hút đầu tư hiệu quả nêu trên, từ đầu năm 2021 đến nay dù dịch bệnh gây ra nhiều khó khăn, nhưng nhiều nhà đầu tư có uy tín trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, chế biến chế tạo, bất động sản, du lịch, dịch vụ… trong và ngoài nước vẫn nhận thấy Bình Định là “đất lành” để phát triển lâu dài nên vẫn được tin tưởng rót vào đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh tại Bình Định…” - ông Nguyễn Bay cho biết.

Nâng tầm chất lượng đầu tư

Với quan điểm nhất quán là thu hút đầu tư phải hướng tới phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước - DN - người dân, giai đoạn 2021-2025, Bình Định đang lên kế hoạch thực hiện chiến lược thu hút đầu tư cho giai đoạn tiếp theo. Trong đó, Bình Định sẽ nâng tầm chất lượng đầu tư, lựa chọn công nghệ đầu tư đúng như định hướng phát triển. Đặc biệt, ưu tiên kêu gọi vốn đầu tư vào những dự án công nghệ cao, thân thiện với môi trường, sử dụng ít lao động và đem lại giá trị gia tăng cao.

Ông Nguyễn Thanh Hải - Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Bình Định, Tổ trưởng tổ công tác xúc tiến và hỗ trợ đầu tư tỉnh Bình Định cho biết, Bình Định đặt mục tiêu phát triển KKT Nhơn Hội và các KCN của tỉnh bền vững theo mô hình “3 trong 1” (KCN - khu đô thị - khu dịch vụ) với hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại. Chính vì vậy, tỉnh đã xây dựng nhiều cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư vào các KCN. Thời gian tới, thu hút đầu tư vào các KCN của tỉnh sẽ có sự chuyển biến tích cực, thực chất hơn, chọn lọc hơn theo hướng chuyên biệt, sinh thái, thông minh và sẽ tạo sức hút mới. Các KCN hiện hữu và các KCN mới đang có nhiều giải pháp nâng cao sức cạnh tranh, sức thu hút như chuẩn bị sẵn sàng hạ tầng sạch, đồng bộ, hiện đại.

“Trong giai đoạn tiếp theo, để thu hút dòng vốn đầu tư có chất lượng, có chiều sâu và bền vững, tỉnh Bình Định sẽ nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp, sớm tháo gỡ những điểm nghẽn về hạ tầng giao thông, logistics và chất lượng nguồn nhân lực. Tập trung mục tiêu thu hút vốn vào bốn trụ cột kinh tế bao gồm: Công nghiệp - công nghệ thông tin - nông nghiệp công nghệ cao - thương mại du lịch. Trong đó, chú trọng thu hút một số lĩnh vực quan trọng: Dự án sản xuất công nghiệp nặng, quy mô lớn và công nghệ cao; các dự án công nghiệp chế tạo, công nghệ thông tin; dự án sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nuôi trồng gia súc, thủy sản; dự án năng lượng tái tạo, điện gió; dự án du lịch, nghỉ dưỡng… nhằm sớm đưa Bình Định trở thành trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch, trung tâm đổi mới sáng tạo của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung” - ông Nguyễn Thành Hải chia sẻ.

Cũng theo Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh này, với phương châm “Hiệu quả của DN là sự thành công của tỉnh”, Bình Định cam kết sẽ tiếp tục cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh, tập trung cải cách hành chính, xây dựng, vận dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cộng đồng DN.

Song song đó, Bình Định tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là các tuyến đường huyết mạch kết nối với sân bay, các cảng biển để rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí vận chuyển hàng hóa; đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, phấn đấu đầu năm 2022 và các năm tiếp theo, một số thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực đầu tư sẽ được thực hiện trực tuyến, giúp rút ngắn thời gian, công sức cho các nhà đầu tư khi đầu tư vào Bình Định.