Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giải mã những bí ẩn lịch sử

Chia sẻ Zalo

KTĐT - 12 tập phim tài liệu "Mậu Thân 1968" bắt đầu lên sóng VTV1 vào 20 giờ ngày 25/1. Gần 45 năm sau chiến dịch Tết Mậu Thân 1968, người Việt Nam có những thước phim giải mã câu chuyện lịch sử còn nhiều tranh cãi trong cuộc chiến này.

10 năm làm phim và 500 nhân chứng

"Mậu Thân 1968" được đạo diễn Lê Phong Lan ấp ủ từ những năm đầu thế kỷ. Trong khi tìm tư liệu sản xuất bộ phim về tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn, những câu hỏi về chiến dịch Mậu Thân 1968 với nhiều thông tin trái chiều, sai lệch và cả sự né tránh của không ít người đã thôi thúc vị đạo diễn này đi tìm lời giải.

Và bộ phim đã bắt đầu từ cuộc đối đầu lịch sử với những chứng cứ, nhân chứng, phân tích toàn bộ chiến dịch Mậu Thân, đến việc lý giải quá trình hình thành và hành trình lật lại hồ sơ tư liệu về một kế hoạch tuyệt mật đã không được thực hiện từ thời chiến tranh đặc biệt; lý giải tại sao thời cơ chiến lược lại rơi đúng vào Tết Mậu Thân; diễn biến của cuộc tổng tiến công; lý giải tại sao người Mỹ lại cho rằng Khe Sanh là hướng chiến lược chính, có hay không sự nổi dậy của quần chúng nhân dân trong sự kiện Mậu Thân 1968...

Giải mã những bí ẩn lịch sử - Ảnh 1

Đoàn làm phim và các nhân chứng tại Mỹ.

Đạo diễn Phong Lan tâm sự: "12 tập phim với độ dài 30 phút/tập chưa thể hiện hết tham vọng giải mã toàn bộ chiến lược chiến tranh của Việt Nam bên cạnh cuộc chiến tâm lý của người Mỹ với rất nhiều thông tin thêu dệt, nhưng cũng đặt được viên gạch đầu tiên cho lịch sử. 10 năm thực hiện bộ phim, tôi đi tìm nhân chứng là các chiến sĩ ở các cánh quân, những nhân vật từng tham gia trong mặt trận lớn, nhà lãnh đạo của các sư đoàn, quân đoàn chỉ huy trận chiến này. Và không dưới 4 lần tôi sang Mỹ để phỏng vấn các nhân chứng đối phương, các nhà báo Mỹ từng tham gia trận chiến, và cả tìm sự cộng tác tư liệu lịch sử từ phía Mỹ. Đến nay, gần 500 nhân chứng tôi từng phỏng vấn đã mất".

Trước câu hỏi "Với tư cách là công dân Việt Nam, trong quá trình làm phim liệu chị có đưa ra sự lý giải các sự kiện một cách sòng phẳng, công bằng với lịch sử?", đạo diễn thẳng thắn: "Tôi làm phim trên quan điểm: Độc lập, thống nhất, hòa hợp dân tộc để lý giải mọi vấn đề. Nên phim sẽ có cái nhìn công bằng trên quan điểm đó". Với độ lùi 45 năm, không ít người ngại nói đến chiến dịch này, song vì sự thôi thúc tái hiện lịch sử một cách chân thực, đạo diễn Phong Lan đã tìm lời giải từ nhiều phía. Và theo các nhân chứng, các nhà quân sự của ta, đó là cuộc thắng lợi quá khốc liệt, quá nhiều mất mát, khiến người ta ngại nói lại.

Không quay lưng với phim tài liệu

Tình yêu nghề đã thôi thúc nữ đạo diễn người Nam Bộ gắn bó với phim tài liệu lịch sử. 10 năm nung nấu ý tưởng và làm phim "Mậu Thân 1968", chưa bao giờ chị tính toán mình đã chi hết bao nhiêu tiền, bỏ bao nhiêu công. Ông Nguyễn Quang Phóng, Giám đốc Trung tâm Phim tài liệu, Phóng sự (Đài Truyền hình Việt Nam) cho biết: "Hiện nay, theo quy định, mức đầu tư cho một bộ phim tài liệu vẫn còn chưa cập nhật với chi phí thực tế. Tuy nhiên, Đài Truyền hình Việt Nam cũng xây dựng cơ chế riêng, hỗ trợ những bộ phim tài liệu có chất lượng". Song, cũng phải đến đầu năm 2012, đạo diễn Phong Lan mới tìm được cơ hội ký kết hợp tác, hỗ trợ sản xuất cho "Mậu thân 1968". Bởi như chị nói: "Không có cơ quan nào mở cơ chế làm phim trong 10 năm cho một đạo diễn". Chính vì vậy, công sức 10 năm trước đây của ê kíp thực hiện bộ phim "Mậu thân 1968" vẫn tính theo cách tự bỏ vốn.

5 tập phim "Hiệp định Paris", chiếu trên VTV1 nhận được rất nhiều lời chúc mừng, khen ngợi của khán giả, đạo diễn Phong Lan càng tự tin: "Mậu thân 1968" sẽ còn đáng xem, đáng để khán giả xúc động hơn.