Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giải mã và xây dựng văn hóa giao thông Hà Nội

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Câu chuyện "giải mã" văn hóa giao thông đã được khơi lên từ khi Hà Nội rục rịch chuẩn bị kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

>>> Bài 1: Hà Nội không giống Vientiane, Tokyo, Berlin…

 

Bài 2: Không thể tách rời văn hóa đời sống       

Ai cũng công nhận đây là một hành trình dài, và càng đi sâu vào những cách ứng xử, những gì diễn ra trên đường phố Hà Nội, càng chứng kiến những mẫu hình văn hóa giao thông thành công, người ta càng nhận ra rằng: Văn hóa giao thông không thể tách rời văn hóa đời sống.

Không có ứng xử văn hóa sẽ còn tắc đường và tai nạn

GS Hoàng Chương, Tổng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam, Chủ nhiệm dự án Văn hóa giao thông, quả quyết: "Văn hóa giao thông thấm sâu trong con người có văn hóa cao". Đúng như vậy, cứ nhìn từ những con đường "giăng mắc cửi" của Hà Nội là thấy rõ. Nếu những người tham gia giao thông thiếu văn hóa, không chấp hành Luật Giao thông đường bộ, thì đó chính là hành vi không đẹp liên quan đến ứng xử và nếp sống văn hóa. Ở Nhật Bản hay ở Đức, xe đang chạy mà người lái xe nhìn thấy một người qua đường sai luật, thì người lái xe tự tránh, tự dừng lại để đảm bảo an toàn, nhường cho người kia qua đường trước. Còn ở ta thì khác, mạnh ai nấy đi, không kể gì đến tính mạng người qua đường, nên dễ sinh tai nạn.

 
Nguyên nhân ùn tắc giao thông một phần do người dân thiếu ý thức chấp hành luật. Ảnh: Yên Chi
Nguyên nhân ùn tắc giao thông một phần do người dân thiếu ý thức chấp hành luật. Ảnh: Yên Chi

Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia cũng đã thống kê, chỉ trong 3 tháng đầu năm nay, cả nước đã xảy ra hơn 6.500 vụ tai nạn giao thông làm chết 2.599 người, bị thương hơn 6.400 người. Nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn như mật độ giao thông lớn, cơ sở hạ tầng giao thông thiếu chuẩn... nhưng nguyên nhân sâu xa chính là do ý thức của người tham gia giao thông. Luật rành rọt ra đấy, song đèn đỏ vẫn có người qua đường, nồng nặc hơi men vẫn lái xe, điều khiển xe máy vẫn "ngại" đội mũ bảo hiểm, một tay cầm lái còn một tay cầm điện thoại hồn nhiên nói cười… Đấy là những "hành động" liên quan đến tính mạng của bản thân người tham gia giao thông, chứ chưa nói xa hơn đến chuyện nghĩ và hành động cho người khác. Và cũng trên những cung đường ấy, không chỉ có vấn đề người đi đường có tôn trọng luật hay không, mà còn "đọng lại" cả vấn đề ứng xử giữa người với người. Bởi khi chẳng may xảy ra va chạm, người có văn hóa sẽ biết kiềm chế để không cãi vã, sỉ vả, đổ lỗi cho nhau, người sai luật thì tự giác chịu phạt… Thế nên nói đến văn hóa giao thông là nói đến ý thức của con người trong quá trình xây dựng, sử dụng các công trình, phương tiện giao thông, trong thực thi pháp luật và tham gia giao thông. Như ông Vũ Oanh, Chủ tịch Hội Giáo dục, chăm sóc sức khỏe cộng đồng nói: "Để xây dựng nền văn hóa giao thông, ngoài việc mọi người cần phải hiểu đúng luật và tự giác chấp hành luật, còn phải xây dựng được thói quen hành xử văn minh vì con người, vì cộng đồng".

Xây dựng đời sốngvăn hóa đô thị

Theo GS Vũ Khiêu thì cần thiết phải đặt vấn đề giao thông trên cơ sở văn hóa. Đồng nghĩa với việc để giải quyết được vấn đề giao thông cho đô thị lớn như Hà Nội, trước nhất phải giải quyết được bộ mặt văn hóa ở đây. 

Không ít người nước ngoài hay những người ở xa tới Thủ đô nói rằng, muốn đi ngắm cảnh quan của đất Thăng Long, nhưng nhìn vào sinh hoạt đô thị lại mất hứng khởi vì sự lộn xộn, dù di sản còn đó. Trong cái lộn xộn đó có văn hóa giao thông, có sinh hoạt lộn xộn của con người quen với lối sống tự do. Ai cũng hiểu Hà Nội là chốn "hội tụ bốn phương" nên dung nạp đủ đầy văn hóa các vùng miền, lối sống của người tứ xứ. Song, một thành phố văn minh không nên có cảnh xen lẫn giữa xe cộ với những người gánh gồng bán buôn. Mỗi hình thái sinh hoạt nên có khu vực riêng dành cho nó, và chủ nhân của mỗi hình thái nên chấp hành "giới hạn" dành cho mình. Một thành phố văn minh không nên có cảnh các loại hình phương tiện cùng tranh giành, chen lấn trên đường, lẫn lộn xe đạp, xe máy, ôtô; không nên có cảnh xe chở đất cát, rau cỏ vương vãi khắp đường, còn người đi đường kín mít khẩu trang để tránh bụi; không nên có cảnh những chiếc xe phân khối lớn, xe "hạng sang" bóp còi inh ỏi… Không gì khác hơn chính là xây dựng văn hóa giao thông và "chỉnh" hành vi người tham gia giao thông, bởi như GS Hồ Sĩ Vịnh đã nói, giao thông chính là "gương mặt đô thị".

Khi xây dựng văn hóa giao thông, nếu chỉ bàn đến văn hóa "chạy luật", văn hóa không uống rượu, văn hóa đội mũ bảo hiểm… thì hoàn toàn chưa đủ. Cái cốt lõi trong đó là hành vi, ý thức của người tham gia giao thông phải gắn với văn hóa ứng xử của một con người, của một đất nước có truyền thống văn hóa. Nói như một nhà nghiên cứu văn hóa: "Chúng ta giáo dục văn hóa giao thông đồng thời cũng là giáo dục con người có văn hóa. Thực hiện văn hóa giao thông cũng là thực hiện văn hóa đời sống ở đô thị, chứ không phải chỉ tách ra để tránh những chuyện va chạm khi tham gia giao thông".

Nghĩa là văn hóa giao thông gắn liền, hòa quyện trong văn hóa đời sống, văn hóa con người, chứ không đứng riêng rẽ, tách rời. Và xây dựng con người văn hóa chính là điểm mấu chốt của văn hóa giao thông.
 
"Cần gắn xây dựng văn hóa giao thông với xây dựng nếp sống văn minh. Bởi cái đích cuối cùng của văn hóa giao thông là xây dựng con người văn minh trong hoạt động giao thông, từ việc thực hiện luật pháp đến ý thức trách nhiệm với cộng đồng".
Giáo sư Hoàng Chương

Bài 3:  Kết hợp giáo dục giữa gia đình - nhà trường.