Giải ngân sớm các gói hỗ trợ

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kinh tế Việt Nam đang chịu những tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19. Quý II/2020, tăng trưởng GDP chỉ là 0,36%, còn 6 tháng là 1,81%. Tuy Việt Nam là một trong số ít các nước vẫn có tăng trưởng dương, song kinh tế - xã hội thực sự đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, bao gồm cả nguy cơ suy giảm kinh tế.

GDP biến thiên theo đồ thị dịch bệnh
Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) vừa công bố báo cáo cập nhật triển vọng phát triển Châu Á (ADO) 2020 trong đó đưa dự báo nền kinh tế Việt Nam sẽ vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng dương ở mức 1,8% trong năm 2020 và gia tăng ở mức 6,3% trong năm 2021. Dự báo này mang đến nhiều tín hiệu lạc quan bởi ADB dự báo tổng sản phẩm (GDP) các nước khu vực Châu Á đang phát triển sẽ suy giảm 0,7% trong năm 2020. Chưa kể theo đánh giá của ADB, kinh tế khu vực sẽ không thể hồi phục theo biểu đồ hình chữ V mà sẽ chuyển theo hình chữ L, cho thấy quá trình phục hồi sẽ chỉ diễn ra một phần thay vì hoàn toàn.

Ngân hàng Thế giới (WB) mới đây cũng nhận định nền kinh tế Việt Nam vẫn có sức chịu đựng tốt, khả năng phục hồi sớm và Việt Nam theo đó sẽ là quốc gia có tăng trưởng đứng thứ 5 trên thế giới trong năm 2020.
 Bốc xếp hàng xuất khẩu tại cảng Hải Phòng. Ảnh: Công Hùng
Dù đưa ra nhiều dự báo lạc quan, tuy nhiên, các tổ chức quốc tế như ADB, WB vẫn cảnh báo Việt Nam về những nguy cơ lớn mà dịch Covid-19 có thể gây ra đối với triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2020 và năm 2021. Chưa kể những mối đe dọa khác như căng thẳng thương mại toàn cầu có thể dẫn tới gia tăng bảo hộ thương mại và các rủi ro tài chính có thể trầm trọng thêm bởi đại dịch kéo dài.
Tiêu dùng sẽ bị kìm hãm bởi thu nhập hộ gia đình và DN giảm, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng và thêm nhiều DN tạm ngừng hoạt động. Triển vọng đầu tư không đồng đều, đầu tư tư nhân vẫn yếu và đầu tư nước ngoài liên quan đến thương mại tiếp tục giảm. Đây sẽ là những yếu tố tác động rất mạnh tới triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong năm nay.

Mới đây Chính phủ đã giảm dự kiến mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2020 xuống 2%, nếu điều kiện cho phép phấn đấu đạt khoảng 2,5%. Nguyên nhân chính là dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng nặng nề đến xuất khẩu, du lịch trong nước và đầu tư trực tiếp nước ngoài. Trước đó vào tháng 5, Chính phủ đã đặt ra mục tiêu phấn đấu GDP tăng trưởng trên 5%.
Tuy nhiên, sau khi dịch Covid-19 bùng phát lần thứ hai hồi tháng 7, con số này đã phải giảm. Mục tiêu GDP sửa đổi dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua vào tháng 11. Tại phiên họp ngày 4/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ ra những kết quả tích cực trong bối cảnh dịch bệnh lan rộng toàn cầu. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng kết luận: "Chúng ta ghi nhận kết quả này nhưng phải có những giải pháp mạnh mẽ hơn, nhất là xúc tiến thu hút đầu tư tốt hơn nữa".

Doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề

Trong 8 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả nước đạt hơn 174 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2019. Hàng không là một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do đại dịch. Vietnam Airlines dự kiến lỗ 15.000 tỷ đồng (647 triệu USD), trong khi VietJet Air lỗ 90,5 triệu USD nửa đầu năm 2020.

Tại 2 trung tâm kinh tế là TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, khoảng 90% DN du lịch đã tạm ngừng hoạt động, với 20.000 nhân viên, tương đương 70% lực lượng lao động hiện không có việc làm. Khách quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt gần 3,7 triệu người, giảm 66,6% so với cùng kỳ năm 2019.
Doanh số bán hàng ngành du lịch và khách sạn giảm 54,4%, doanh thu dịch vụ ăn uống giảm 16,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này đã tác động đáng kể đến tiêu dùng. Tính chung 8 tháng năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 3.225,1 nghìn tỷ đồng, giảm 0,02% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá giảm 4,5% (cùng kỳ năm 2019 tăng 9,5%).

Trong khi đó, theo nhiều DN, giai đoạn đầu mở đường bay thường lệ tới một số nước, đối tượng khách quốc tế sang Việt Nam du lịch chưa có ngay, nhưng Việt Nam cần có các kế hoạch khả thi đón khách trở lại. Nhằm hỗ trợ nền kinh tế, Thủ tướng đã yêu cầu các địa phương đẩy nhanh tiến độ đầu tư công, bao gồm các dự án cơ sở hạ tầng lớn, đồng thời khuyến khích đầu tư tư nhân và nước ngoài.

Còn theo chia sẻ của TS. Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), tăng trưởng dương cho thấy rất rõ nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong điều hành để thực hiện mục tiêu kép là vừa ngăn chặn, phòng chống dịch, vừa duy trì đà tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, ông Cung cho rằng: “Năm 2020, nếu tăng trưởng GDP 2% là nhờ dư địa trong nông nghiệp, khu vực phi chính thức còn lớn và người dân phải tìm mọi cách để sống. Đồng thời, tăng trưởng từ năm ngoái gần 7%, năm nay giảm xuống 2% hoặc 1% cũng là giảm 5 - 6 điểm phần trăm. Tương tự các nước, năm ngoái họ tăng trưởng dương 2% năm nay xuống âm là chuyện bình thường. Tăng trưởng GDP năm nay âm hay dương cũng không quá quan trọng bằng việc định hướng phát triển để nền kinh tế hồi phục trong những năm sau".

Rà soát các chính sách đã ban hành

Trước tác động của đợt dịch Covid 19 lần thứ 2, các DN và hiệp hội đều bày tỏ mong muốn Chính phủ xây dựng các gói chính sách giúp DN tiết kiệm được các khoản chi để duy trì hoạt động tối thiểu trong 6 - 12 tháng tới. Từ khi dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam, Chính phủ đã đưa ra gói hỗ trợ DN, người lao động bị mất việc và người nghèo chịu tác động của dịch bệnh (gọi kích thích kinh tế lần 1) với tổng kinh phí hỗ trợ khoảng 62.000 tỷ đồng. Mới đây, Bộ LĐTB&XH đề xuất với Bộ KH&ĐT thực hiện gói hỗ trợ lần 2 cho DN và người lao động với kinh phí khoảng 18.600 tỷ đồng.

Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng cũng cho rằng, Thủ tướng cần chỉ đạo rà soát các chính sách đã ban hành trong gói kích thích kinh tế lần 1 để điều chỉnh, giảm tải các quy định, điều kiện, thủ tục còn rườm rà, bất hợp lý. Gói hỗ trợ này không chỉ tính cho hiện tại mà phải tính tới tương lai. Tức là phải tính dài hơi, đủ mạnh và phải nhìn thấy những yếu tố mới và các xu hướng mới như CMCN 4.0, số hóa, thương mại điện tử… Ngoài ra, còn phải xem xét lãi suất.

Dịch Covid-19 đã làm đảo lộn tất cả các kịch bản kinh tế, mọi dự báo, cũng sẽ làm thay đổi cả cấu trúc kinh tế toàn cầu. Nhưng trong nguy luôn có cơ. Các chuyên gia cho rằng, đây là lúc các DN Việt đoàn kết giúp nhau vươn lên.
“Tôi tin rằng DN Việt đủ thông minh để nắm bắt những cơ hội, thời cơ kinh doanh. Có chăng, chúng ta nên hỗ trợ, cung cấp thông tin, đào tạo kỹ năng, hướng dẫn áp dụng công nghệ thông tin, tạo platform... cho DN nhỏ và vừa. Đồng thời, DN phải được bảo vệ hợp pháp lợi ích, tài sản và công bằng trong hoạt động kinh doanh. Nhà nước đừng can thiệp quá nhiều, hãy để cho người dân và DN tự do kinh doanh những gì pháp luật không cấm” - TS Nguyễn Đình Cung bày tỏ.

"Để đi vào quỹ đạo tăng trưởng cần thiết, Việt Nam cần định vị là điểm đến quốc tế ưu việt, đầu tư vào giáo dục và cơ sở hạ tầng để nâng cao năng suất, tiếp tục tập trung vào các DN vừa và nhỏ, khu vực phi chính thức và khám phá các nguồn năng lượng tái tạo" - Chuyên gia kinh tế trưởng của WB Việt Nam

- ông Jacques Morisset.

"Con số 2%, muốn đạt được, phải có những giải pháp mạnh mẽ về tài khóa, tiền tệ và an sinh xã hội. Muốn tăng trưởng dương, cũng phải rất nỗ lực và quyết liệt thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy đầu tư công, tăng cường xuất khẩu, thu hút các nguồn lực xã hội cho đầu tư…" - PGS. TS Trần Đình Thiên.