Hơn 200.000 tỷ đồng vốn đầu tư công chờ giải ngân
Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, đến nay, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của cả nước khoảng trên 257.000 tỷ đồng, mới đạt khoảng 55%, rất thấp so với kế hoạch. Con số này thấp hơn so với cùng kỳ năm 2020 (năm 2020 đạt 67,25%).
Trong đó, vốn trong nước đạt 52,41% (cùng kỳ năm 2020 là 72,75%), vốn nước ngoài đạt 15,29% (cùng kỳ năm 2020 đạt 30,15%). So với kế hoạch Thủ tướng giao vốn đầu tư công năm nay là 461.300 tỷ đồng thì vẫn còn khoảng hơn 200.000 tỷ đồng chưa giải ngân.
Thống kê của Bộ Tài chính cho thấy, có 7 bộ và 20 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 65%. Một số bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt cao gồm Ngân hàng phát triển Việt Nam đạt 100%, Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam đạt 92,04%, các tỉnh Thái Bình đạt 85,66%, Thanh Hóa 82,85%, Thừa Thiên - Huế 78,84, Hà Tĩnh 77,98%...
Bên cạnh đó, nhiều bộ, cơ quan T.Ư và địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt thấp, 32/50 bộ và 21/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 50%. Trong số đó có 20 bộ và 4 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 30%.
Về các địa phương, tính cả tháng 10/2021 và lũy kế 10 tháng, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước (NSNN) của Hà Nội dẫn đầu cả nước. Ước tính thực hiện vốn đầu tư từ nguồn NSNN do địa phương quản lý tháng 10 của Hà Nội đạt 3.800 tỷ đồng. Lũy kế 10 tháng 32.322 tỷ đồng, bằng 63,6% kế hoạch năm. Trong các tỉnh, TP, có Quảng Ninh, Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Định có vốn đầu tư thực hiện tăng.
Tuy nhiên, nhiều tỉnh được đánh giá là tỉnh công nghiệp mạnh đều giảm. Lý do giải ngân chậm trong năm nay, theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, chủ yếu do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường, ngoài dự báo, nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội kéo dài, giá nhiên vật liệu tăng cao, thiếu lao động…
Thực tế, nguyên nhân dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng rất nặng đến các tỉnh, nhất là các tỉnh phía Nam. Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Long An Huỳnh Văn Sơn cho biết, tổng kế hoạch vốn đầu tư phát triển năm 2021 của tỉnh đã phân bổ cho các dự án hơn 5.554 tỷ đồng. Đến tháng 10, giá trị khối lượng thực hiện hơn 2.629 tỷ đồng, đạt 47,3% kế hoạch, giá trị giải ngân đạt hơn 2.572 tỷ đồng, bằng 46,3% kế hoạch. Tại Đồng Nai, một trong những tâm dịch nặng nề nhất khu vực phía Nam, tỷ lệ giải ngân rất thấp, chỉ đạt 43% kế hoạch năm.
Theo Sở KH&ĐT tỉnh Bến Tre, khó khăn lớn nhất mà các chủ đầu tư đang gặp phải là nhiều đơn vị thi công không thể vận chuyển vật liệu về kịp tiến độ, việc điều động nhân công cũng gặp khó khăn... do tình hình dịch bệnh, ảnh hưởng đến tiến độ một số công trình, dự án. Đây cũng là khó khăn chung đối với các tỉnh thành phía Nam khiến các địa phương khác như TP Hồ Chí Minh, Đồng Tháp, Bạc Liêu, Bình Dương… đều có tỷ lệ giải ngân đầu tư công đạt thấp.
Dù vậy, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng khẳng định, bên cạnh các lý do khách quan, một số bộ, cơ quan, địa phương, nhất là những nơi không thực hiện giãn cách xã hội thiếu quyết tâm chính trị, vai trò người đứng đầu chưa được phát huy đầy đủ, công tác lập kế hoạch vốn chưa sát với thực tế và khả năng giải ngân; vướng mắc liên quan công tác giải phóng mặt bằng và nằm ở việc tổ chức thực hiện… Vì cùng một thể chế nhưng có nơi giải ngân cao vượt chỉ tiêu, có nơi lại rất thấp, chỉ 18%”. Nêu dự báo tỷ lệ giải ngân năm nay chỉ đạt 80 - 85%, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đề nghị các địa phương, bộ ngành nghiêm túc nhìn nhận vấn đề, không đổ cho pháp luật.
Chậm giải ngân đầu tư công là bỏ lỡ cơ hội tăng trưởng
Theo PGS.TS Trần Hoàng Ngân, dịch Covid-19 đã gây thiệt hại kinh tế của Việt Nam trong 2 năm qua rất lớn. Trong năm 2020, dự kiến tăng trưởng 6,8% nhưng cả năm chỉ tăng 2,9%. Năm 2021, dự kiến tăng trưởng 6%, tuy nhiên khả năng thực hiện không quá 3%. Về thu ngân sách, 2 năm qua cả nước giảm khoảng 150.000 tỷ đồng.
Ông Trần Hoàng Ngân cho rằng từ nay đến cuối năm, nhiệm vụ rất nặng nề. Đầu tư công là động lực để thúc đẩy, là vốn mồi để thu hút đầu tư xã hội, nhất là đầu tư cho hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng y tế đang khao khát các dự án. Theo cách tính lâu nay là một đồng đầu tư công kéo theo 5 đồng đầu tư xã hội. Cho nên rất cần giải quyết bài toán đầu tư công mới có thể thu hút vốn đầu tư xã hội.
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương, dư địa để tạo động lực tăng trưởng cho nền kinh tế trong quý IV/2021 chính là thực hiện giải ngân vốn đầu tư công. Nếu từ nay đến cuối năm, giải ngân nguồn vốn đầu tư công gần 200.000 tỷ đồng sẽ đóng góp cho tăng trưởng GDP thêm 0,53 điểm phần trăm.
Theo dõi quá trình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2021 và các năm trước, PGS.TS Hoàng Văn Cường nhận định, đối với các cuộc khủng hoảng trước đây, đầu tư công vẫn là động lực cho tăng trưởng và phát triển. Xác định giải ngân vốn đầu tư công không chỉ đơn thuần góp phần tăng trưởng, phát triển cơ sở hạ tầng mà còn giải quyết việc làm, thu nhập cho người dân. Đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt đầu tư xã hội trong thời gian tới. Hay nói các khác, nhờ tạo tính kết nối, lan tỏa của các dự án, công trình đầu tư là giá trị vô hình khi tương tác với nhau sẽ tạo ra giá trị hữu hình, sinh lợi trực tiếp và gián tiếp cho nền kinh tế.
Theo các chuyên gia kinh tế, việc chậm giải ngân vốn đầu tư công là rất đáng ngại, kéo dài nhiều năm qua. Trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư khu vực tư nhân giảm sút, việc phấn đấu giải ngân hết nguồn lực đầu tư công trong năm 2021 sẽ góp phần quan trọng kích cầu đầu tư xã hội, duy trì đà tăng trưởng của nền kinh tế. Đặc biệt, với những tỉnh tốc độ giải ngân dưới 20% đang ỳ ạch cách xa vạch đích, bỏ lỡ cơ hội tăng trưởng không chỉ trong năm nay.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, chậm giải ngân vốn đầu tư công là vấn đề còn tồn tại nhiều bất cập, hạn chế, không chỉ trong giải ngân mà bất cập từ xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện cho đến khi kết thúc dự án. Chủ tịch Quốc hội quán triệt “không thể để tình trạng này kéo dài mãi, vì nền kinh tế đang rất thiếu vốn”.
"Trong đề án tách bồi thường và hỗ trợ tái định cư ra khỏi dự án đầu tư công sắp tới trình Quốc hội, chúng tôi đang trình riêng phần giải phóng mặt bằng này giao cho địa phương. Địa phương có thể dùng cả ngân sách trung ương cấp qua bộ để thực hiện hoặc có thể dùng ngân sách địa phương để thực hiện giải phóng mặt bằng, như vậy sẽ linh hoạt, chủ động và nhanh hơn. Nếu tách và giao hẳn cho địa phương, trách nhiệm đó sẽ phân tách rõ được trách nhiệm trung ương hay địa phương đối với dự án của trung ương trên địa bàn." - Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng "Trong xây dựng Kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, nhiều địa phương chưa đề xuất số vốn để thu hồi trước, dù đây được xác định là một ưu tiên. Báo cáo giải ngân vốn đầu tư công từ đầu năm đến nay và dự kiến kế hoạch năm 2022 cho thấy, các địa phương đề xuất nhiều giải pháp, trong đó có một giải pháp thiết yếu là nghiêm túc thực hiện các quy định. Bởi lẽ, nếu chúng ta không triển khai theo các quy định đã được thống nhất, thông qua và ban hành, sẽ dẫn đến hậu quả là chất lượng lập kế hoạch đầu tư công rất có vấn đề." - Viện Chiến lược Phát triển-Bộ KH&ĐT - PGS.TS Bùi Tất Thắng |