"Giải pháp bình ổn giá vàng đang đi đúng hướng"

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Độ chênh giá vàng trong nước và thế giới ngày 7/10 đã co lại đáng kể, còn trên 800.000 đồng sau khi 5 ngân hàng được tung vàng huy động bán ra thị trường cùng với SJC. Giải pháp này được nhiều chuyên gia đánh giá cao.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Thuận, Trưởng khoa tài chính ngân hàng, Đại học Mở TP HCM tỏ ra rất đồng tình và cho rằng lẽ ra điều này cần được làm sớm hơn. Bởi theo ông Thuận, sự chênh lệch giữa giá trong nước và thế giới thời gian qua quá cao và kéo dài trong một thời gian. Điều này đã tạo cơ hội cho các thế lực đầu cơ, làm giá, gây bất ổn thị trường.

Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Thuận, để giải pháp trên thực sự mang lại hiệu quả cao thì nhất thiết phải có thêm một cơ chế rõ ràng và chặt chẽ hơn. Đó là việc đảm bảo luôn có đủ một lượng vàng lớn để sẵn sàng tung ra thị trường bình ổn khi có sự biến động mạnh. Tức phải xác định đây là biện pháp lâu dài chứ không phải chỉ dập tắt nhất thời rồi đâu lại vào đấy. Đồng thời, các đơn vị tham gia phải xác định mục tiêu chính là bình ổn thị trường chứ không phải lợi nhuận (nhưng đảm bảo đơn vị tham gia không bị lỗ).
Ngoài ra, vấn đề xác định giá bán cũng cần phải được công khai minh bạch như, giá mua bán được đưa ra dựa trên công thức nào? Độ vênh giữa mua và bán bao nhiêu thì hợp lý? Khoảng cách giữa giá trong và ngoài nước phải là bao nhiêu?... Ngân hàng Nhà nước cần phải vạch ra những điều này thật cụ thể.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nhìn nhận, đây là một bước đi cơ bản và đúng hướng, bởi nó chấp nhận tính thị trường nhiều hơn và đã tìm cách cân đối được cung cầu. Biện pháp này sẽ có hiệu quả mạnh, bởi mấu chốt vấn đề là tăng nguồn cung. Tuy nhiên, ông cho rằng, hiệu quả thực sự như thế nào phải chờ thời gian trả lời.

Nhìn về dài hạn, ông Doanh cho rằng, đây chỉ là bước khởi đầu, còn hướng đi tiếp theo cần phải mở sở giao dịch vàng. Nếu có sở giao dịch vàng hoạt động như sở giao dịch chứng khoán thì Ngân hàng Nhà nước sẽ trực tiếp đứng ra quản lý và khi cần có thể mua bán vàng qua tài khoản với nước ngoài. Điều này sẽ giúp cho Ngân hàng Trung ương quản lý được dòng ngoại tệ ra vào qua kênh vàng.

Trong khi đó, Tiến sĩ Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh, Đại học Ngân hàng TP HCM phân tích, cái đích ngắm của Việt Nam là chống vàng hóa. Muốn vậy, đồng tiền Việt Nam phải mạnh lên. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu lớn này, trước tiên phải giải quyết vấn đề về giá vàng. Bởi giá vàng chênh lệch quá lớn như thời gian qua là không thể chấp nhận được. Và với độ chênh này dẫn đến hiện tượng đầu cơ.

Nếu xét về mục tiêu kéo giảm giá trong nước về gần với thế giới thì gói giải pháp này đã phát huy hiệu quả khi trong ngày hôm nay, độ chênh giữa hai thị trường đã thu hẹp đáng kể.

Ngoài ra, Tiến sĩ Dương chỉ ra rằng, ưu điểm của giải pháp này là ngân hàng được tham gia bán vàng ra cùng với các doanh nghiệp, giúp nguồn cung phong phú mà không phải nhập vàng tốn USD. Đi kèm đó, việc cho phép kinh doanh vàng tài khoản sẽ giúp thị trường trong nước liên thông với vàng thế giới. Đồng thời, việc cơ quan này không phải cho phép kinh doanh tài khoản đại trà mà có điều kiện kèm theo để kiểm soát. Trong đó, bản thân ngân hàng chỉ được phép giao dịch vàng tài khoản để bảo hiểm rủi ro chứ không phải kinh doanh.

Ngoài ra, nếu kết hợp linh hoạt với biện pháp cấp quota nhập khẩu vàng thì sự liên thông giữa trong nước và quốc tế càng cao hơn. "Cái đáng biểu dương là biện pháp được đưa ra rất đúng lúc", ông Dương nhấn mạnh.

Bản thân đơn vị tham gia gói giải pháp bình ổn giá vàng cũng thừa nhận tính hiệu quả cao của phương thức này. Ông Nguyễn Công Tường, Phó phòng kinh doanh SJC, cho biết giải pháp trên do Ngân hàng Nhà nước đưa ra và định hướng, dựa trên cơ sở thực tế của thị trường thời gian qua và tập trung vào mục tiêu tạo điều kiện lưu thông trên thị trường.

Trong khi đó, Phó tổng giám đốc DongA Bank Nguyễn Thị Kim Xuyến nêu lên hai từ "thành công" dành cho gói giải pháp này. Bởi theo bà Xuyến, sau hai ngày thực hiện, giá vàng trong nước và thế giới đã xích lại khá gần nhau.

Hiện tại, nghị định quản lý hoạt động kinh doanh vàng vẫn chưa được ban hành, song những người trong ngành vàng đang kỳ vọng sẽ có được những quy định thông thoáng hơn trong quản lý để thị trường vàng cũng như các thị trường hàng hóa khác, mua bán bình thường, không còn hiện tượng “sốt” hay khan hiếm vàng như hiện tại.