Trong đó, Nghị quyết 01/NQ-CP đề cập đến các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển KT - XH và Dự toán ngân sách Nhà nước năm 2021. Nội dung Nghị quyết 02/NQ-CP tập trung vào cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Tuy nhiên, cùng với việc kế thừa các Nghị quyết trước đây, Nghị quyết 01 và 02 năm 2021 đưa ra các giải pháp rất căn cơ và tính đến dài hơi hơn đặt trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn ra trên toàn thế giới, biến đổi khí hậu và những bất ổn kinh tế thế giới. Phương châm hành động của năm 2021 được đề ra là “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, khát vọng phát triển”. Điều này đã được thể hiện rất rõ ngay trong Nghị quyết 01. Khát vọng phát triển là điều rất mới so với Nghị quyết các năm trước đây. Điều này thể hiện khát vọng mang tính vĩ mô, giúp Việt Nam bước vào giai đoạn mới, nhất là khi đất nước chưa bao giờ có vị thế như ngày nay.
Năm 2021, Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả "mục tiêu kép" vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ Nhân dân, vừa phục hồi và phát triển KT - XH trong trạng thái bình thường mới. Cùng với đó là phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả các chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách khác để kích thích tổng cầu phù hợp, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng; đồng thời giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn.
Ngoài ra, củng cố nội lực, tăng năng lực cạnh tranh quốc gia bằng giải pháp tiếp tục hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng KT - XH đồng bộ, hiện đại, đặc biệt là về giao thông, năng lượng, đô thị lớn, ứng phó với biến đổi khí hậu; phát triển mạnh, đồng bộ hạ tầng số, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án quan trọng, công trình trọng điểm quốc gia, các dự án liên kết vùng.Đồng thời tại buổi họp báo sáng 4/1, đại diện Bộ KH&ĐT chia sẻ thêm liên quan gói hỗ trợ kinh tế lần thứ hai, Bộ KH&ĐT được giao nghiên cứu, xây dựng và báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Các giải pháp trực tiếp để hỗ trợ nền kinh tế cần phải có được nghiên cứu chi tiết, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, phù hợp với các hoàn cảnh cụ thể của năm 2021.
Bên cạnh đó, còn phải căn cứ vào các điều kiện về nguồn lực, cũng như cách thức triển khai các giải pháp đã đề ra. Trong báo cáo đánh giá, Bộ KH&ĐT cũng báo cáo với Chính phủ lộ trình năm 2021, tình hình dịch Covid-19 rất phức tạp và tiếp tục ảnh hưởng nền kinh tế nước ta, và còn kéo dài thêm một số năm sau đó.
Bên cạnh đó, tại Nghị quyết 02 cũng nêu rõ chương trình hỗ trợ các DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa trong việc chuyển đổi số và cơ cấu lại DN, để các DN của Việt Nam có khả năng bắt kịp xu thế chuyển đổi số của thế giới. Đồng thời đây cũng là điều kiện giúp các DN của Việt Nam có sự liên kết với nhau để tạo sức mạnh. Thực tế vừa qua, Chính phủ mới chỉ tính đến hỗ trợ DN giảm thiểu khó khăn, chia sẻ khó khăn nhưng đến năm 2021 buộc phải tính đến giải pháp dài hơn là kiểm soát khó khăn và hướng đến phát triển.Theo chỉ tiêu Quốc hội giao, tốc độ tăng trưởng GDP tăng khoảng 6%. Tuy nhiên, trong Nghị quyết, Chính phủ phấn đấu đạt tăng trưởng GDP 6,5%. Số đông các chuyên gia đều bày tỏ tin tưởng vào mục tiêu và hành động của Chính phủ. Việc đặt mục tiêu như vậy cho thấy quyết tâm cao của Chính phủ. Ngay cả bối cảnh 2020, nhiều biện pháp mới liên tục được bổ sung, phạm vi cải cách đòi hỏi mạnh mẽ hơn rất nhiều.
Thủ tướng quan ngại về độ trễ và sự quyết tâm bị lơi lỏng, ngay lập tức đã có cuộc họp báo về Nghị quyết 01, 02 thể hiện mong muốn cũng như cam kết của Thủ tướng khi tuyên bố "khó khăn gấp đôi phải cố gắng gấp ba". T.A