Lập thời gian biểu cho các bữa ăn trong ngày của trẻ:
Trong ngày, trẻ cần ăn 3 bữa chính, 2 bữa ăn phụ và nhiều thức uống khác nhau. Điều này sẽ giúp cho việc ăn uống của trẻ được cân bằng, giảm bệnh tật do trẻ đã ăn đủ và ăn đúng. Nếu bạn cho trẻ đi chơi bên ngoài, có thể dự trữ sẵn thức ăn cho trẻ thay vì cho trẻ ăn những thức ăn nhanh.
Chuẩn bị tốt cho bữa ăn tối của trẻ:
Nếu bạn không thể lên thực đơn cho bữa tối của trẻ trong suốt một tuần lễ, có thể đồng thời chuẩn bị từ 2 đến 3 bữa tối cho trẻ. Một bữa ăn tối tốt cho trẻ không nên chiều theo ý kiến nhất thời của trẻ, nhưng cần có những món ăn cân bằng, chẳng hạn như bánh mì, gạo hoặc mì; trái cây hoặc rau củ và thực phẩm chứa protein như đậu, phô-mai, thịt nạc… Bạn có thể cho trẻ ăn món súp chung với bánh mì vào bữa tối, sau đó cho trẻ ăn thêm trái cây tươi.
Bữa điểm tâm ngon và bổ dưỡng:
Thường các bữa điểm tâm có ít chất xơ, vì thế bạn cần chú ý bổ sung thêm chất xơ vào bữa điểm tâm của trẻ bằng cách cho trẻ ăn kèm rau củ với thức ăn chính. Tốt nhất, bạn nên tự chuẩn bị bữa sáng cho trẻ mỗi ngày thay vì cho trẻ ăn ngoài đường hoặc ăn thực phẩm đóng hộp.
Hạn chế cho trẻ ăn vặt:
Tuy món ăn vặt là không thể thiếu đối với trẻ nhỏ, nhưng bạn cần chọn cho trẻ những món ăn vặt bổ dưỡng, chẳng hạn như trái cây tươi, rau củ, các chế phẩm từ sữa… Nếu bạn thích nhấm nháp món bỏng ngô trong rạp chiếu bóng hoặc món kem trái cây trong ngày, trẻ cũng sẽ có thói quen giống bạn.
Không cho trẻ ăn nhiều đường:
Bạn có thể cho trẻ uống nước ép trái cây không thêm đường hoặc chỉ thêm một chút đường để còn giữ mùi vị của nước, hạn chế sâu răng. Tuy nhu cầu chất đường của trẻ tăng nhiều khi lớn, nhưng cũng chỉ nên cho trẻ ăn ở mức độ vừa phải. Các đồ ăn thức uống có hàm lượng đường cao như nước ngọt có gas và nước hoa quả có thể dẫn tới các bệnh về răng, vì vi khuẩn trong miệng sẽ chuyển hóa đường thành một loại axit có khả năng ăn mòn men răng, tác dụng phá hủy của nó kéo dài đến 20 phút.
Cho trẻ uống sữa:
Bên cạnh thực phẩm, sữa luôn là thức uống bổ sung tốt nhất cho trẻ. Có thể cho trẻ uống sữa bột hoặc sữa đậu nành. Nếu trẻ không thích uống sữa, bạn có thể cho trẻ uống sữa ít béo có tăng cường canxi như sữa từ bột yến mạch, ngũ cốc…
Ăn nhiều rau củ:
Nếu trẻ không thích ăn rau củ, bạn hãy dùng cách kết hợp các món ăn trẻ vẫn thích chung với rau củ. Với những món ăn mới, bạn không nên ép trẻ phải thích nghi ngay, thay vào đó bạn nên tập dần cho trẻ làm quen trước đã. Khi tính toán lượng calo dành cho trẻ, bạn thường chỉ cho con ăn rau luộc đơn thuần và đó là nguyên nhân trẻ không thích ăn. Vì thế, bạn không nên sợ thêm các chất phụ vào món rau, một chút bơ, nước xốt phô mai hoặc là đường nâu, có thể kích thích sự thèm ăn của trẻ.
Những lưu ý khi chế biến thức ăn cho trẻ
Thịt được ướp với đường trước khi nướng hoặc rán sẽ làm vô hiệu hóa vai trò của lysine (lysine là một axit amin thiết yếu mà cơ thể không tự tổng hợp được, có nhiều trong thịt, cá, đậu… Lysine dễ mất đi khi đun nấu thực phẩm). Trẻ được cho ăn nhiều loại thịt này có thể dẫn đến thiếu lysine, làm ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và phát triển của trẻ.
Vitamin B1 nằm trong lớp ngoài cùng và mầm của hạt gạo. Vì thế, không nên chọn gạo xay xát quá kỹ, và khi nấu cơm cho trẻ, bạn vo sạch nhưng không vo quá kỹ, sẽ làm mất đi nguồn vitamin này.
Cho trẻ ăn rau xanh rất tốt. Tuy nhiên, rau có thể được tưới, bón bằng nước tiểu và phân chưa ủ kỹ. Do đó, rau có thể chứa nhiều vi khuẩn và ký sinh trùng, trong khi hệ tiêu hóa và miễn dịch của trẻ vẫn còn non yếu. Biện pháp tốt nhất là bạn nên rửa kỹ từng lá rau dưới vòi nước. Có thể ngâm rau trong nước pha dung dịch Aquatab.