Theo PGS. TS Lưu Đức Hải – Viện trưởng Viện nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng, ở các đô thị của nước ta hiện nay, quy hoạch tổng thể đồng bộ cả về tổ chức không gian đô thị cũng như tổ chức mạng lưới giao thông chưa đi trước một bước, còn thiếu những quy hoạch kết nối mang tính tổng thể và dài hạn.
Hiện nay, chưa xác định được mô hình cầu vượt nào trong đô thị ở Việt Nam phù hợp trong thời điểm này. Hiện tại, ở một số đô thị như Hà Nôi, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng đã xây dựng một số cây cầu vượt, song mới chỉ như một sự thử nghiệm ban đầu. Do đó, rất nhiều cầu đường bộ trong đô thị sau khi xây dựng chưa phát huy được hiệu quả như mong muốn.
Ảnh phối cảnh minh họa (Nguồn: Internet)
|
Để có giải pháp cho vấn đề cầu trong đô thị, tại Hội thảo, các chuyên gia trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, kiến trúc, giao thông đã nêu ra nhiều ý tưởng có giá trị. Trong đó, quan trọng nhất là quy hoạch phải đi trước một bước. Trong quy hoạch, ngành giao thông cần có tầm nhìn trung và dài hạn.
Định hướng quy hoạch xây dựng các cây cầu cần có sự đánh giá, khảo sát, đặc biệt là dự báo được mật độ các phương tiện lưu thông trong tương lai qua các cây cầu. Phối hợp chặt chẽ giữa quy hoạch không gian đô thị và tổ chức giao thông xung quanh các nút giao thông có cầu vượt.
Bên cạnh quy hoạch tổng thể cho các mô hình cầu vượt cần có phương án thiết kế cho từng cây cầu trên cơ sở thi tuyển thiết kế kiến trúc. Mặt khác, tùy vào từng loại cầu cũng như vị trí mà lựa chọn giải pháp chiếu sáng cho cầu để đảm bảo yếu tố thẩm mỹ và an toàn cho các phương tiện tham gia giao thông. Một giải pháp quan trọng nữa là xây dựng đường trên cao trong đô thị - đây là loại hình cầu (đường) giao thông phù hợp cho các đô thị có mật độ giao thông cao trong khi các phương tiện giao thông công cộng còn thiếu.