Định bệnh không thống nhất, sẽ khó tìm thuốc
Qua thảo luận, phần lớn ý kiến đều cho rằng, mặc dù thời gian qua Chính phủ đã đưa ra nhiều biện pháp, nhưng kết quả mới chỉ là bước đầu. Những khó khăn đang ngày càng thâm nhập sâu vào nền kinh tế, thể hiện ở việc nợ xấu cao, doanh nghiệp giải thể lớn, giải pháp tháo gỡ thị trường bất động sản chưa đủ mạnh, nhiều bất cập phát sinh trong lĩnh vực môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm… Một điểm nữa là tình hình thu ngân sách, mặc dù nỗ lực lớn nhưng dự báo vẫn nhiều khó khăn, ngay cả cơ chế để điều chỉnh nguồn tăng lương cũng không dễ để thực hiện.
Nhiều ĐB cho rằng, báo cáo của Chính phủ còn chưa sâu, trong khi thực tế nền kinh tế lại đang trong giai đoạn trì trệ nghiêm trọng. ĐB Võ Thị Dung (đoàn TP Hồ Chí Minh) trăn trở: "Tôi nghĩ Chính phủ cần thẳng thắn và cầu thị hơn nữa trong việc đánh giá niềm tin của nhân dân về điều hành của Chính phủ. Trước kỳ họp, chúng tôi đi tiếp xúc cử tri, người dân rất xôn xao trước tình hình của đất nước. Nhưng khi nghe báo cáo đánh giá của Chính phủ, lại thấy mọi thứ bình yên quá".
Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia Vũ Viết Ngoạn (đại biểu đoàn Khánh Hòa) phát biểu ý kiến trong phiên thảo luận tổ ngày 22/5. Ảnh: TTXVN
Đánh giá cao những mặt tích cực của Chính phủ trong thời gian qua, nhưng ĐB Bùi Thị An (đoàn Hà Nội) cũng nhận định: Rõ ràng, Chính phủ có lúng túng trong điều hành vĩ mô, hiệu quả đầu tư đang phải đối mặt với thực tế là chưa cao trong tất cả lĩnh vực. Đánh giá của các ngành trước những vấn đề đặt ra cũng chưa chuẩn và chưa đồng nhất. Theo ĐB Bùi Thị An, vai trò của Chính phủ là phải đánh giá đúng thực chất. Có lẽ đầu tiên Chính phủ và các bộ, ngành phải ngồi lại đánh giá cho chuẩn tình hình. Nếu định bệnh không thống nhất, sẽ không có thuốc chữa.
Dẫn ra những vấn đề xã hội khác, ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) nhấn mạnh: Trong các mục tiêu không đạt, chỉ tiêu về tỷ lệ giảm nghèo cần phải được phân tích, đánh giá cẩn trọng chứ không nên chỉ nhìn vào những chỉ tiêu đã đạt được. Điều này sẽ giúp giải quyết những nút thắt của nền kinh tế như: Nợ xấu, lãi suất, đầu tư công.
Phải xử lý dứt điểm nợ xấu
Tháng 6, CPI có thể tăng thấp Trao đổi với báo chí bên lề Quốc hội ngày 22/5, ĐB Vũ Viết Ngoạn (đoàn Khánh Hòa), Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, trong tháng 6, CPI tiếp tục diễn biến ở mức thấp, khó có thể tăng cao, vì tổng cầu thấy rất rõ, tháng tới đây cũng chưa có yếu tố làm tăng cầu một cách mạnh mẽ. Về giải pháp ưu tiên để thực hiện GDP từ nay tới cuối năm, theo ĐB Ngoạn, yếu tố quan trọng là làm thế nào tăng đầu tư. Tuy nhiên, muốn tăng đầu tư quả thực là bài toán khó đối với Chính phủ vì dư địa chính sách của chúng ta rất hẹp, nợ công khống chế trần, cân đối ngân sách khó khăn, chúng ta không có nguồn tiền để tăng đầu tư của Nhà nước. Thêm nữa, tín dụng đang ở mức tăng trưởng rất thấp nên ảnh hưởng toàn bộ tổng vốn đầu tư của xã hội. Trước ý kiến cho rằng, nếu không giải quyết vấn đề tồn kho, nợ xấu thì dù có hạ lãi suất, doanh nghiệp cũng không dám vay vốn đầu tư, ĐB Ngoạn khẳng định, hiện nay có không ít doanh nghiệp dù cho vay lãi suất 0% thì họ cũng không vay bởi không sản xuất, tiêu thụ được. Nhưng trong khi đó, dư nợ tín dụng là gần 3 triệu tỷ đồng thì giảm lãi suất sẽ giảm được hàng trăm ngàn doanh nghiệp đang vay vốn ngân hàng. Thêm nữa nếu giảm lãi suất, cũng có dự án đang vay lãi suất cao không hiệu quả, nay giảm thì dự án đó lại có hiệu quả, như vậy sẽ khuyến khích họ. Chính sách tín dụng, lãi suất là công cụ để kích cầu tín dụng. Giảm là có ý nghĩa. Trâm Hoàng ghi |
Để thúc đẩy nền kinh tế, các ĐB cho rằng, Chính phủ cần tính toán để doanh nghiệp và ngân hàng gặp được nhau. Nếu không cứu được nợ xấu, không giải được cục máu đông, nền kinh tế sẽ mãi ở vòng luẩn quẩn. ĐB Thân Đức Nam (đoàn Đà Nẵng) đưa ra một nghịch lý, ngân hàng thừa vốn nhưng lại không thể cho vay, tín dụng bị chặn lại, còn doanh nghiệp vẫn cứ khó khăn, kêu không tiếp cận được nguồn vốn. Nguyên nhân chủ yếu do nợ xấu.
Phân tích về thực trạng nền kinh tế, dưới góc độ một người làm ngân hàng, ĐB Phạm Huy Hùng (đoàn Hà Nội) cho rằng: Lãi suất không phải là rào cản tiếp cận vốn của doanh nghiệp như nhiều ý kiến. Vấn đề cốt lõi là sức mua của nền kinh tế vẫn kém, tồn kho lớn; năng lực tài chính và những khó khăn trong sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vẫn chưa được giải quyết. Do đó, phải kích cầu đầu tư tiêu dùng, giải phóng hàng tồn kho và tạo niềm tin cho ngân hàng. Bởi "yếu kém của nền kinh tế là duy trì tăng trưởng nóng hàng năm, nên ảnh hưởng đến tăng trưởng bền vững".
Các ĐB khác cũng đồng tình, phải sớm tháo gỡ khó khăn tín dụng để doanh nghiệp tiếp cận được vốn, nếu không, dứt khoát nền kinh tế không thể phát triển được. Rất thẳng thắn, ĐB Nguyễn Thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nội) đề nghị, Chính phủ phải chỉ rõ được nợ xấu nằm ở đâu, doanh nghiệp nào. Nếu cứ nói chung chung là đòi hỏi phát huy trí tuệ tập thể, giải quyết nợ xấu, sẽ không thể xử lý được.
Kết hợp nhiều chính sách để vực dậy niềm tin
Nhiều ĐB cho rằng, không thể cứ kiềm chế lạm phát tốt thì năm 2013 các chỉ tiêu sẽ ổn định hơn. Bởi với sức mua hiện nay, lạm phát khó mà xảy ra, dự trữ ngoại tệ cũng chưa bao giờ cao như hiện nay, nhưng để nền kinh tế rơi vào trì trệ là phải tính. Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh Trần Du Lịch nhận định: Suốt nhiều thời kỳ, nền kinh tế dựa trên 4 lĩnh vực là nông nghiệp, khu vực doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, cuối cùng mới là doanh nghiệp FDI. Nhưng tới năm 2012, một điều đáng lo ngại là kinh tế tăng trưởng chỉ dựa trên doanh nghiệp FDI. Sự sụt giảm, mất sức cạnh tranh của cả doanh nghiệp tư nhân và Nhà nước rất đáng lo lắng, nông nghiệp tuy có tăng trưởng nhưng lại khó khăn do biến đổi khí hậu và phương thức sản xuất. ĐB Trần Du Lịch cho rằng: "Để vực dậy nền kinh tế, thứ nhất phải có chính sách tiền tệ hợp lý, hiện thay đổi lãi suất rất thấp nhưng nền kinh tế không hấp thu được, phải tính toán hài hòa giữa chính sách tiền tệ và tháo gỡ của tín dụng. Thứ hai là về chính sách tài khóa, chúng ta khống chế nợ công là cần thiết, nhưng trong năm 2013 - 2014 rất khó khăn, Quốc hội nên xem xét lại tăng bội chi để nới lỏng chính sách tài khóa. Thứ ba là đề nghị trong các chương trình lớn, nên lựa chọn một số lĩnh vực xử lý, trong đó ưu tiên xử lý khu vực doanh nghiệp Nhà nước. Phải kết hợp nhiều chính sách để vực dậy nền kinh tế và tạo niềm tin".
Các ĐB cũng đề xuất, về lâu dài, Chính phủ nên nghiên cứu để tìm ra quy luật phát triển thực tiễn của Việt Nam cho phù hợp. Nếu mô hình tăng trưởng dựa chủ yếu vào vốn, xem nhẹ năng suất, công nghệ là không ổn. Trong khi đó, nhiều lúc lại cứ xem GDP, lạm phát như một thành tích khen thưởng lẫn nhau tất yếu sẽ dẫn đến hệ quả. Đồng thời, Chính phủ nên tiếp tục xem xét lại đề án tái cấu trúc nền kinh tế một cách tổng thể, vững chắc hơn; xác lập được các kết nối kinh tế lớn của đất nước một cách vững chắc.
ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (đoàn TP Hồ Chí Minh): Vẫn loay hoay với giải pháp cũ Những giải pháp Chính phủ đưa ra vẫn na ná như những năm trước, còn tình hình thực tiễn khó khăn hơn nhiều, đòi hỏi phải có những giải pháp đột phá và cách điều hành quyết liệt. Bản thân tôi thấy không yên tâm, nhiều vấn đề kéo dài nhiều năm, chậm giải quyết. Như báo cáo có nói phải tăng trưởng tín dụng 12% nhưng không đưa ra giải pháp gì hết. Chính sách của chúng ta làm cho người dân không yên tâm, cử tri hỏi do vấn đề gì mà đẩy khó khăn về cho người dân, tạo thuận lợi cho mình trong quản lý, câu hỏi này chưa trả lời được. ĐB Nguyễn Hồng Sơn (đoàn Hà Nội): Nên thành lập cơ quan ứng phó với khó khăn Chính phủ nên thành lập một cơ quan có trách nhiệm hoạt động thường xuyên như ban chỉ đạo do Thủ tướng hoặc Phó Thủ tướng đứng đầu, để giải quyết kịp thời khó khăn cho doanh nghiệp về chính sách, vốn… Tại Hà Nội, hiện đã có ban chỉ đạo do Chủ tịch UBND TP đứng đầu về hỗ trợ thúc đẩy sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp. Nếu chỉ trông vào nghị quyết hàng tháng thường kỳ của Chính phủ cũng rất khó khăn trong thực hiện. Đồng thời, cần những giải pháp mạnh để tháo gỡ khó khăn cho toàn thể doanh nghiệp mới kích cầu được. ĐB Lê Văn Lai (đoàn Quảng Nam): Không nên quá ám ảnh với lạm phát Lãi suất giảm, nhưng doanh nghiệp không hấp thu được vốn. Vì thế, cần đánh giá câu chuyện này căn cơ hơn, chứ nếu chỉ nhìn bề mặt mà đánh giá nền kinh tế chưa ổn. Có hay không chuyện chúng ta quá nặng kiềm chế lạm phát, sẽ phải đối mặt với suy thoái. Nếu cứ để GDP thế này sẽ kéo theo rất nhiều hệ lụy khác. Bởi, lạm phát chỉ trong thời gian ngắn nhưng giảm phát thì ám ảnh dài hơi hơn. |