Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thảo luận tổ tại Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội

Giải pháp chưa đủ mạnh để trị "bệnh kinh niên" của nền kinh tế

Thịnh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-"Đứng về lý thuyết quản trị quốc gia, khi bên ngoài khó khăn, bên trong nội lực phải khơi thông, nhưng chúng ta chưa khơi thông được khiến kinh tế vẫn còn gặp khó”-đại biểu Tạ Đình Thi (Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội) bày tỏ.

Quang cảnh buổi thảo luận tại tổ của Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội sáng 25/5
Quang cảnh buổi thảo luận tại tổ của Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội sáng 25/5

Sáng 25/5, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV, các đại biểu đã thảo luận tại tổ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023; Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022...

Vai trò của ngân hàng trong việc chia sẻ cùng nhà nước?

Tại Đoàn thành phố Hà Nội, đại biểu Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và Môi trường của Quốc hội nêu, có 2/13 chỉ tiêu kinh tế-xã hội chưa đạt, cụ thể là về tốc độ tăng năng suất lao động, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP. “Thực tế 2 chỉ tiêu này nhiều năm qua cũng chưa đạt, giống như căn bệnh kinh niên; trong khi đó, các giải pháp đưa ra chưa đủ rõ, chưa đủ mạnh mẽ để tạo chuyển biến” - đại biểu nói.

Đặt trong bối cảnh tình hình kinh tế trong nước và thế giới khó khăn, hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, độ mở lớn hiện nay, đại biểu Tạ Đình Thi cho rằng: Quốc hội, Chính phủ cần tập trung vào các giải pháp căn cơ liên quan khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp từ trong nước. Nếu làm được, sẽ bảo đảm an ninh kinh tế vì hiện nay, chúng ta đang phụ thuộc khá nhiều vào công nghệ nước ngoài trên nhiều lĩnh vực.

Đại biểu dẫn chứng, trong lĩnh vực năng lượng, tỷ lệ nội địa hóa đang rất thấp: Trong dự án thủy điện, hiện nay chúng ta mới chủ động được khoảng 30%, với nhiệt điện là 25%, điện khí 7%, với lĩnh vực điện gió tỷ lệ phụ thuộc là 100%. Đứng về lý thuyết quản trị quốc gia, khi bên ngoài khó khăn, bên trong nội lực phải khơi thông, nhưng chúng ta chưa khơi thông được khiến kinh tế vẫn còn gặp khó.

Như trong lĩnh vực du lịch, chúng ta có rất nhiều tiềm năng; thời điểm dịch Covid-19 Việt Nam cũng là nước mở cửa sớm do kiểm soát dịch bệnh tốt. Nhưng so với những năm trước, và so với các nước khác trong khu vực, nguồn thu từ du lịch đang thấp hơn bình thường. Hay như một số lĩnh vực dịch vụ khác, cụ thể là dịch vụ karaoke đang không hoạt động. Nguyên nhân không phải do dịch vụ này tồi tệ mà một phần do cơ chế.

Đại biểu Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và Môi trường của Quốc hội phát biểu tại phiên thảo luận tổ.
Đại biểu Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và Môi trường của Quốc hội phát biểu tại phiên thảo luận tổ.

Đồng tình với các quan điểm này, đại biểu Phạm Đức Ấn – Chủ tịch Hội đồng thành viên Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Đoàn Thành phố Hà Nội) cho rằng, kết quả đạt được về kinh tế - xã hội vẫn còn nhiều vấn đề cần quan tâm. Trong bối cảnh xuất khẩu khó khăn, động lực tăng trưởng phải từ trong nước, đi cùng chi tiêu ngân sách, đầu tư công. Tuy nhiên hiện nay, tỷ trọng, tỷ lệ chi tiêu ngân sách, đầu tư công chưa được 16% là chưa đạt.

"Tháo gỡ vướng mắc nói trên phải xuất phát từ cơ chế. Nếu không có tháo gỡ và tháo gỡ tận cùng sẽ rất khó cho phát triển trong giai đoạn hiện tại và cả giai đoạn sau này"- đại biểu Phạm Đức Ấn nêu.

Còn theo đại biểu Nguyễn Tuấn Thịnh, giá mặt hàng xăng dầu, ga, khí đốt thời gian qua tăng ảnh hưởng đến người lao động, làm công ăn lương, thu nhập thấp. Đại biểu đề nghị, trong năm 2023 khi Chính phủ điều chỉnh giá một số dịch vụ công cần quan tâm hơn đến người có thu nhập thấp, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn để đảm bảo, tránh tiếp tục suy giảm tiêu dùng trong nước.

Đại biểu Phạm Đức Ấn (Đoàn thành phố Hà Nội) thảo luận tại tổ
Đại biểu Phạm Đức Ấn (Đoàn thành phố Hà Nội) thảo luận tại tổ

Theo đại biểu Nguyễn Anh Trí, nhìn vào thành công của Việt Nam trong việc đảm bảo và giữ ổn định an ninh, quốc phòng, đối ngoại thì Nhân dân rất tin tưởng vào đường lối của Đảng. Tuy nhiên, về mặt kinh tế-xã hội vẫn còn những điểm đáng lo ngại. Mặt bằng sản xuất cho vay bình quân còn cao. Thủ tưởng Chính phủ đã có ý kiến, ngân hàng đã có động thái chia sẻ với doanh nghiệp nhưng còn nhỏ giọt. Vậy vai trò của ngân hàng trong sự đồng hành, chia sẻ với đất nước ra sao?. Ngân hàng có sự chia sẻ ntn với đất nước, có góp sức gì không khi hàng chục nghìn doanh nghiệp vỡ nợ thời gian qua?.

Đề nghị Chính phủ nghiên cứu gói hỗ trợ người lao động

Đại biểu Nguyễn Phương Thuỷ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, thực tế thời gian qua tỉ lệ thất nghiệp, rút bảo hiểm xã hội một lần cao hơn so với báo cáo. Tỷ lệ thất nghiệp tăng dẫn đến nhiều lao động thiếu việc làm, giảm thu nhập. Hiện tỷ lệ thất nghiệp trong nhóm trên 40 tuổi ở khu công nghiệp có nguy cơ lớn khi doanh nghiệp cần giãn việc, sa thải lao động thì đây là nhóm dễ bị tác động nhất.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí phát biểu thảo luận tại tổ
Đại biểu Nguyễn Anh Trí phát biểu thảo luận tại tổ

Trong khi đó, nhóm này khi tìm việc lại rất khó vì doanh nghiệp chỉ ưu tiên cho giới trẻ. "Đây là vấn đề sẽ phát sinh nhiều vấn đề xã hội lớn nhưng báo cáo của Chính phủ chưa chú trọng nhóm đối tượng này, cần quan tâm hơn-đại biểu Nguyễn Phương Thủy nhấn mạnh.

Chung quan điểm này, đại biểu Trương Xuân Cừ đề nghị, Chính phủ nên nghiên cứu có gói hỗ trợ người lao động. Trong giải pháp số 7 về hỗ trợ an sinh xã hội, cần định lượng cụ thể xem sẽ hỗ người lao động như thế nào bởi có những mặt hàng xuất khẩu giảm 95%, làm sao người lao động có việc làm thường xuyên.

Quan tâm tới lĩnh vực văn hoá, đại biểu Bùi Hoài Sơn (Đoàn Thành phố Hà Nội) băn khoăn khi có sự lệch chuẩn đạo đức, lối sống của giới trẻ, lối sống lai căng... và nhiều vấn đề khác trong xã hội.

 

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn thành phố Hà Nội) đánh giá cao các giải pháp Chính phủ ban hành từ đầu năm nay, nhất là các nghị quyết liên quan đến lãi suất ngân hàng, bất động sản. Theo đại biểu, việc giảm thuế giá trị gia tăng 2% là điều rất cần thiết để khuyến khích doanh nghiệp phục hồi, phát triển, tuy nhiên, chính sách này nên có độ mở về thời gian, có thể kéo dài hơn, tùy theo tình hình mà Chính phủ đề xuất, tránh ngắt quãng, ảnh hưởng đến hiệu quả chính sách.

Theo đại biểu, Đảng, Nhà nước có nhiều lần, nhiều đợt quan tâm chăm lo phát triển văn hóa như những đợt sóng, nhưng sau mỗi đợt sóng ấy, văn hóa lại rơi vào vấn đề riêng. Hiện để phát triển văn hóa cần khắc phục các điểm nghẽn về nhân lực, cơ sở vật chất... Vì vậy, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật dành cho văn hoá như thể chế, đất đai, tài sản công, đối tác TPP.

Các đại biểu cho rằng, năm 2023, để ngăn chặn đà suy giảm kinh tế, bảo đảm tốc độ tăng trưởng, đòi hỏi rất nhiều nỗ lực, phải có sự tập trung, có giải pháp cả cấp bách và lâu dài. Đồng thời, cần xử lý những “điểm nghẽn” đối với nền kinh tế, như đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, nhất là một số dự án trọng điểm, các công trình quan trọng quốc gia; Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, giai đoạn 2021-2025. Thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; tăng khả năng tiếp cận vốn cho sản xuất, kinh doanh và giảm mặt bằng lãi suất cho vay.