Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giải pháp để bất động sản du lịch thành công

Bài và Ảnh: Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù Bộ Tài nguyên Môi trường (TN&MT) công bố hướng dẫn về việc cấp chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng không phải nhà ở, liên quan đến các sản phẩm BĐS du lịch, nhưng để BĐS du lịch thành công cần phải có giải pháp liên quan đến chính sách về thuế.

Kênh đầu tư hiệu quả
Số liệu từ Tổng cục Du lịch, năm 2019 Việt Nam có 18 triệu lượt khách quốc tế, 85 triệu khách nội địa. Năm 2017, đứng thứ 67/136 quốc gia về năng lực ngành du lịch, năm 2019 đứng thứ 63/140 quốc gia.
Triển vọng du lịch Việt Nam theo Quyết định 147/QĐ-TTg ngày 22/1/2020 của Thủ tướng Chính phủ, đến năm 2025 đạt Top 3 Đông Nam Á và Top 50 thế giới về năng lực cạnh tranh du lịch; ít nhất đạt 35 triệu khách du lịch quốc tế; ít nhất 120 triệu khách du lịch nội địa.
Để phục vụ cho lượng khách như vậy, cần khoảng 400.000 phòng lưu trú, trong khi Việt Nam hiện mới đạt ngưỡng gần 100.000 phòng. Như vậy, ngành du lịch còn cần thiết phải đầu tư phát triển mới khoảng 300.000 phòng lưu trú trong giai đoạn 2025 - 2030.
"Tiềm năng của phân khúc BĐS nghỉ dưỡng là rất lớn, với mục tiêu phát triển trong giai đoạn mới của Chính phủ sẽ mở ra cơ hội cho những nhà phát triển BĐS và người đầu tư vào sản phẩm BĐS nghỉ dưỡng" - Chuyên gia Vũ Quang Vinh (Hiệp hội BĐS Việt Nam) nhận định.
Cần phải xây dựng chính sách thuế phù hợp cho BĐS nghỉ dưỡng phát triển.
BĐS nghỉ dưỡng đang được xem là xu thế và khuynh hướng tất yếu của sự phát triển. Những bãi biển đẹp, những tài nguyên của vùng đất du lịch chỉ có giới hạn. Đó là lý do khiến tài sản tại điểm du lịch sẽ có tốc độ gia tăng phi mã. Trong khi đó, mức giá BĐS nghỉ dưỡng của Việt Nam vẫn thấp hơn rất nhiều so với mặt bằng chung các nước trong khu vực.
Theo PGS.TS Trần Kim Chung - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, các yếu tố tạo nên lợi thế cho BĐS du lịch nghỉ dưỡng đó là sân bay, đặc biệt là sân bay quốc tế; bến cảng biển, cảng sông, đặc biệt là cảng nước sâu; đường cao tốc; đường sắt; biển lớn, đẹp; bãi tắm rộng, dài; cảnh quan thiên nhiên đẹp; rừng; núi; địa bàn có các sản phẩm truyền thống; di sản văn hóa, tự nhiên; thời tiết, khí hậu… Mỗi một địa bàn, mỗi một sản phẩm, mỗi một giai đoạn, có thể có được các yếu tố khác nhau.
“Thị trường BĐS nghỉ dưỡng của Việt Nam chỉ ở giai đoạn đầu tiên và còn rất nhiều tiềm năng để phát triển vượt bậc trong một thời gian ngắn. Xu hướng đầu tư vào các tổ hợp nghỉ dưỡng phù hợp với nhu cầu thị trường và xu hướng phát triển của ngành du lịch Việt Nam” - ông Trần Kim Chung nhìn nhận.
Tăng mức thuế lũy tiến?
Cũng theo PGS.TS Trần Kim Chung, để thị trường BĐS du lịch phát triển cần phải có sự thống nhất hành động, kiên định chủ trương, đường lối, cơ chế chính sách, tổ chức triển khai và chế tài... Các cấp chính quyền địa phương cần theo dõi sát sao, xúc tiến tích cực và thường xuyên đồng hành cùng DN, tháo gỡ khó khăn cũng như thanh tra, kiểm tra, giám sát, chế tài việc thực hiện cơ chế, chính sách, quy hoạch và sản xuất kinh doanh.
“Các DN cần nhạy bén, sáng tạo và nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương đường lối, cơ chế, chính sách cũng như các yêu cầu thực tiễn. Chủ trương phát triển sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng quy mô lớn cần nhà đầu tư lớn, chiến lược, đường dài” - ông Trần Kim Chung cho biết thêm.
Ở khía cạnh khác, GS. TSKH Đặng Hùng Võ cho rằng, BĐS du lịch kiểu mới có vai trò quan trọng trong phát triển du lịch, động viên được toàn dân tham gia làm du lịch dựa trên tạo hiệu suất cao trong sử dụng BĐS của kinh tế chia sẻ. Trong tương lai xa, để thay đổi tư duy chuyển sang lấy hiệu quả kinh doanh làm trọng thì phải đổi mới chính sách thuế đối với BĐS.
“Đối với diện tích nhà ở trong hạn mức thì mức thuế phù hợp với thu nhập trung bình trong xã hội, đối với diện tích nhà ở còn lại bao gồm cả các BĐS du lịch kiểu mới thì mức thuế đánh lũy tiến cao khi lựa chọn quyền sử dụng đất như một tài sản lâu dài, lũy tiến thấp hơn khi lựa chọn quyền sử dụng đất như một tài sản có thời hạn và miễn thuế khi thuê đất của nhà nước trả tiền hàng năm” - ông Đặng Hùng Võ cho hay.

"Trong bối cảnh các địa phương đang gặp nhiều vướng mắc về pháp lý, việc Bộ Tài nguyên & Môi trường công bố hướng dẫn về việc cấp chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng không phải nhà ở, tạo ra sự yên tâm hơn đối với nhà đầu tư trong việc chủ động gia tăng lợi nhuận bằng cách sở hữu một loại hình tài sản mới như biệt thư second home, condotel hay officetel" - TS Sử Ngọc Khương - Chuyên gia nghiên cứu thị trường BĐS