Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giải pháp giúp người trẻ tham gia giao thông đúng luật

Ngọc Hải - Phạm Công
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ý thức tham gia giao thông của một bộ phận không nhỏ thanh thiếu niên còn rất kém, đáng nói hơn hiện tượng này đang có dấu hiệu “lây lan”.

Nếu gia đình, nhà trường và lực lượng chức năng không có những biện pháp đem đến hiệu quả thiết thực sẽ không thể xây dựng một xã hội an toàn (chí ít là trong lĩnh vực tham gia giao thông công cộng) với một nhân tố tương lai là thanh thiếu niên.

Bài 1: Nạn nhân cũng là “tội đồ”

Tình trạng thanh thiếu niên thiếu hiểu biết và ý thức khi tham gia giao thông còn khá phổ biến tại nhiều nơi. Không chỉ là nạn nhân, nhiều học sinh, sinh viên còn là “tội đồ” gây ra các vụ tai nạn giao thông, ứng xử không đúng mực, làm dấy lên lo ngại về một thế hệ tương lai lệch chuẩn, bạo lực.

Học sinh tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm trên đường phố Hà Nội. Ảnh: Phạm Công
Học sinh tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm trên đường phố Hà Nội. Ảnh: Phạm Công

Nguy cơ ngày càng nghiêm trọng

Theo số liệu của Ủy ban ATGT quốc gia, trung bình mỗi năm có tới 2.000 thanh thiếu niên thiệt mạng vì TNGT trên cả nước. Học sinh THPT có liên quan tới 90% tổng số vụ TNGT kể trên; tỷ lệ tử vong do TNGT trong nhóm này có xu hướng gia tăng. Những tháng đầu năm 2022, ghi nhận nhiều vụ tai nạn thương tâm khi nạn nhân ở lứa tuổi học sinh.

Phó Chánh văn phòng Ban ATGT TP Hà Nội Tạ Đức Giang cho biết, trong năm 2021, số vụ TNGT liên quan đến thanh thiếu niên chiếm 3,7%. Hiện tượng thanh thiếu niên điều khiển xe máy, xe điện không biển số, không mũ bảo hiểm, phóng nhanh, vượt ẩu, lấn làn, đi vào đường cấm, đường ngược chiều, bóp còi inh ỏi... diễn ra ngày càng nhiều. Thậm chí, nhiều em lạng lách, đánh võng, đem theo hung khí khi tham gia giao thông, xảy ra va chạm trên đường là sẵn sàng cãi vã, gây gổ đánh nhau, chống người thi hành công vụ...

Những tháng đầu năm 2022 vừa qua, để trấn áp thanh thiếu niên tụ tập đua xe vi phạm giao thông gây mất an ninh trật tự, Công an TP Hà Nội đã phải đưa ra nhiều biện pháp mạnh như: Thành lập hàng loạt tổ liên ngành bao gồm lực lượng Cảnh sát giao thông, Cảnh sát hình sự, Cảnh sát cơ động hóa trang di chuyển trên nhiều tuyến đường hoặc mật phục tại các điểm “nóng” để có thể kịp thời ngăn chặn, xử lý những hành vi nguy hiểm. Khi lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý mới phát hiện nhiều em chỉ 14 tuổi, chưa có Giấy phép lái xe. Vậy nhưng, sau khi được gia đình đón về, lực lượng chức năng rút đi, không ít em tiếp lục lao ra đường nẹt pô, đua xe, gây rối…
Trao đổi về vấn đề này, thạc sĩ xã hội học Trần Đức Dương cho rằng, trước đây, học sinh phần lớn đến trường bằng xe đạp hoặc phương tiện công cộng như xe buýt. Tuy nhiên, với sự phát triển của xã hội, nhiều gia đình dần đầu tư cho con hơn bằng việc sắm những chiếc xe máy, xe máy điện, xe đạp điện. Không ít phụ huynh do dễ dãi hoặc muốn con trẻ chủ động trong việc đi lại nên đã cho phép trẻ tự lái xe.

“Số lượng thanh thiếu niên tham gia điều khiển xe gắn máy ngày càng nhiều, Nếu đến bãi gửi xe của các trường THPT trên địa bàn TP Hà Nội dễ dàng nhận thấy, hầu hết học sinh sử dụng xe điện, xe máy, thậm chí cả xe máy phân khối lớn. Vấn đề TNGT ở thanh thiếu niên đang ngày càng trở nên nghiêm trọng, tuy nhiên việc giáo dục về ATGT lại chưa đem lại hiệu quả” - thạc sĩ Trần Đức Dương nhìn nhận.

Lái xe nhưng “mù” luật

Thực tế, học sinh ngày nay đều có thể điều khiển những chiếc xe máy, xe đạp điện đắt tiền mà không nắm rõ quy định của Luật Giao thông đường bộ. Ngoài ra, nhận thức, ý thức về những nguy cơ tiềm ẩn khi tham gia giao thông còn rất kém, cộng với tâm lý bốc đồng của tuổi mới lớn khiến các em sẵn sàng phạm luật. Nhiều em cho rằng việc bốc đầu, lạng lách là một cách thể hiện cá tính riêng. Khi xảy ra tai nạn, không chỉ bản thân mà những người xung quanh bị ảnh hưởng.

Vừa mới bình phục sau TNGT ít ngày, còn khá sợ hãi, Vũ Trung Toàn, 16 tuổi, trú tại xã Phú Túc (huyện Phú Xuyên, Hà Nội) kể lại: “Khi vào lớp 10, em được bố mẹ mua cho chiếc xe máy 50cc để đi học vì trường cách xa nhà gần 10km. Lớp em có 40 học sinh thì gần 30 bạn sử dụng xe máy, xe máy điện để đi học. Em bị tai nạn khi trở lại trường sau kỳ nghỉ dài do dịch bệnh Covid-19. Nguyên nhân là do em phóng nhanh, không làm chủ được tốc độ nên đã đâm vào đằng sau chiếc ô tô đang đi cùng chiều. Cũng may vụ tai nạn chỉ làm em bị thương phần mềm nhưng chiếc xe đã hư hỏng nặng”.

Cũng sử dụng xe máy đi học, em Nguyễn Thanh Hoa, 17 tuổi, trú tại quận Đống Đa (Hà Nội) cho biết: “Chúng em có nắm được một số lỗi giao thông cơ bản dễ mắc phải như: Không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định hay đi ngược chiều…”. Tuy nhiên khi được hỏi, điều kiển xe máy có dung tích xi lanh 50cc có cần bằng lái hay không, em Nguyễn Thanh Hoa không trả lời được.

Nhiều học sinh khi được hỏi ngơ ngác không biết việc đi lấn làn, không bật xi nhan, bốc đầu… là vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Các em lại không biết những lỗi này sẽ bị phạt như thế nào. Có con đang theo học tại một trường THPT trên địa bàn quận Thanh Xuân (Hà Nội), chị Trần Thị Thúy chia sẻ: “Cháu nhà tôi đi học cách nhà 5km, nên mua cho cháu một chiếc xe máy honda wave để đi lại. Câu đầu tiên mỗi khi cháu bước chân ra khỏi nhà là tôi nhắc đội mũ bảo hiểm. Có lần chính mắt tôi nhìn thấy con trai về gần đến cửa nhà mới với mũ bảo hiểm đang treo phía trước để đội lên đầu. Tôi có tỏ thái độ không hài lòng thì cháu bảo vừa mới bỏ ra vì nóng”.

Chị Trần Thị Thúy cho rằng, việc cho con sử dụng xe máy, xe máy điện, xe đạp điện rất tiện. Các cháu tự di chuyển đến trường nhanh chóng, không cảm thấy mệt mỏi khi phải đạp xe. Tuy nhiên, việc quản lý con lại đang trở thành bài toán khó đối với chị Thúy và nhiều bậc phụ huynh khác.

Chị Trương Thị Lý, trú tại phường Văn Quán (quận Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ: "Không mua xe cho con thì cũng chẳng có thời gian để đưa đón mỗi ngày. Đi xe buýt thì không tiện chuyến, mà để con đạp xe đến trường những ngày thời tiết xấu lại thương con vất vả”.

Có thể thấy, tình trạng gây mất trật tự, ATGT ở lứa tuổi thanh thiếu niên vẫn đang diễn ra hết sức phức tạp. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này như nhận thức của phụ huynh, ý thức của thanh thiếu niên. Bên cạnh đó, việc giáo dục thanh thiếu niên về đảm bảo trật tự, ATGT, tham gia giao thông văn minh..., ở nhà trường và toàn xã hội còn chưa đem lại hiệu quả cao. "Việc học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ có nhiều nguyên nhân như thiếu kiến thức pháp luật, không có kĩ năng điều khiển và xử lý tình huống kịp thời. Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa vẫn do sự quản lý lỏng lẻo và sự thiếu trách nhiệm của không ít bậc phụ huynh khi tự tay giao cho con em mình những phương tiện chưa thể điều khiển một cách an toàn" - thạc sĩ xã hội học Lê Hoàng Lan nhận xét.

(Còn nữa)