Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giải pháp hay cho việc dạy - học bơi

Trung Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lắp ghép bể bơi thông minh trong các trường học đang được xem là giải pháp tối ưu trong lúc việc dạy và học bơi tưởng đã bế tắc vì không thể xây dựng bể bơi cố định.

Hào hứng với bể thông minh

Thay vì đợi đến khi có mặt bằng đủ rộng để xây bể bơi thì một số trường Tiểu học Khương Mai, Thanh Xuân Nam, Kim Giang… (quận Thanh Xuân) đã cho lắp đặt bể cơ động trong nhà thể chất. Bể có độ sâu chừng 1m, dài và rộng tùy theo diện tích nhà thể chất. Chất liệu bể là loại vải chống thấm, bốn cạnh được nẹp đỡ chắc chắn, nhưng vẫn tạo sự mềm mại để trẻ thoải mái vẫy vùng, không sợ bị bầm tím khi va chạm thành bể.
Giáo viên hướng dẫn, dạy bơi tại bể bơi thông minh trường Tiểu học Thanh Xuân Nam. (quậ̣n Thanh Xuân - Hà Nội). Ảnh: Trung Đức
Giáo viên hướng dẫn, dạy bơi tại bể bơi thông minh trường Tiểu học Thanh Xuân Nam. (quậ̣n Thanh Xuân - Hà Nội). Ảnh: Trung Đức
Tại trường Tiểu học Thanh Xuân Nam, lãnh đạo nhà trường khẳng định, rất hợp lý khi lắp bể thông minh trong nhà thể chất để dạy bơi cho học sinh (HS). “Trong khi đất chật người đông, nhất là ở những quận nội thành thì việc lắp bể thông minh trong nhà thể chất hoàn toàn phù hợp. Phụ huynh cũng rất yên tâm, vì quản lý được con, thuận tiện đưa đón, bể bơi lại phù hợp lứa tuổi tiểu học, sạch sẽ, an toàn” - lãnh đạo nhà trường nhấn mạnh.

Tại trường Tiểu học Kim Giang, bà Chu Thị Thu Hương - Hiệu trưởng cũng rất hào hứng với mô hình bể bơi thông minh trong nhà giáo dục thể chất: “Mỗi buổi dạy khoảng 20 HS. Nhiều phụ huynh đến tham quan rất an tâm vì có giáo viên chủ nhiệm, 3 thầy giáo dạy bơi của ĐH Sư phạm thể dục thể thao phụ trách, thêm một cán bộ cứu hộ giám sát bên ngoài”. Bà Nguyễn Thúy Hiếu – Hiệu trưởng trường Tiểu học Khương Mai còn “khoe”: Trường đã phổ cập dạy bơi cho hơn 280 HS khối lớp 5. Trong thời gian tới, trường sẽ phổ cập bơi cho 310 HS khối lớp 4 và các khối tiếp theo. Học phí mỗi khóa là 840.000 đồng/HS, chỉ bằng 1/3 so với các trung tâm thể thao khác. Sau 15 buổi học, nếu HS chưa bơi thành thục, giáo viên vẫn tiếp tục hướng dẫn cho đến khi các con bơi được liên tục 25m.

Vui vẻ, thích thú khi được học bơi tại trường, Vũ Ngọc Thái - HS lớp 3A, trường Tiểu học Thanh Xuân Nam bày tỏ: “Cháu học bơi được 8 buổi rồi, học hết buổi thứ hai là biết bơi. Cháu rất thích được học bơi ở trường, vừa mát, bể không sâu như ở trung tâm và được thầy giáo hướng dẫn tỉ mỉ, bây giờ cháu bơi được từ đầu đến cuối bể rồi (25m)”.

Phù hợp với nhà trường

“Đề án dạy bơi cho trẻ em trong trường học của Bộ GD&ĐT không được phê duyệt do khó khăn về kinh phí, tuy nhiên có nhiều cách giúp trẻ tránh đuối nước mà không nhất thiết phải xây bể bơi” là khẳng định của ông Nguyễn Văn Nam - Giám đốc Công ty TNHH Giáo dục và Giải trí Việt Nam, đơn vị cung cấp và lắp đặt bể bơi thông minh.

Theo ông Nam, một bể bơi cố định (bể xây) rộng 200m2 có giá từ 1,5 - 2 tỷ đồng, thì cùng diện tích đó, chi phí làm bể bơi thông minh chỉ bằng 1/10, mà lại phù hợp với các nhà trường, nhất là các trường nằm ở trung tâm TP. Nhà trường có địa điểm, còn việc lắp ghép, duy trì bể, bơm nước, vệ sinh hàng ngày do Công ty đảm nhận. Ở các lớp học bơi thông thường tại trung tâm, phụ huynh không chỉ phải thu xếp đưa đón, mà còn phải cân nhắc rất nhiều về chất lượng bể bơi, sự phù hợp của giáo trình lớp học với độ tuổi của trẻ. Tuy nhiên, với bể thông minh sẽ an toàn, phù hợp với HS tiểu học vì bể có thể nâng cao, hạ thấp theo chiều cao của trẻ. Đặc biệt, Công ty cung cấp nguồn giáo viên dạy bơi đảm bảo trình độ, kỹ năng để dạy trẻ biết bơi, kỹ năng cứu đuối…

Cũng theo ông Nam, tiêu chuẩn dạy bơi cho HS tiểu học, trường nhỏ, nhà thể chất chỉ cần rộng khoảng 70m2 là hoàn toàn có thể lắp ghép được bể bơi. Chi phí rẻ, lắp một bể rộng khoảng 70m2 chỉ khoảng 150 - 170 triệu đồng, bằng 1/10 so với xây bể bơi truyền thống, rất phù hợp. Hiện không chỉ quận Thanh Xuân, quận Hà Đông đang kết nối với Công ty để đưa bể bơi mini vào trường học.

Cần cơ chế cho trường

 Dù khẳng định lắp ghép bể bơi thông minh là phù hợp, nhưng để thực hiện sẽ gặp không ít khó khăn. Nếu các trường không có sự hỗ trợ nhất định thì rất khó để “tự bơi” trong điều kiện hiện tại. Xã hội hóa cũng là một giải pháp, song tìm sự đồng thuận nơi phụ huynh để huy động kinh phí lắp bể dạy bơi cho các cháu cũng là cả một vấn đề (cơ sở pháp lý).

Bà Nguyễn Thị Xuân Mai - Hiệu trưởng trường Tiểu học Kim Liên (quận Đống Đa), bày tỏ: Bể bơi thông minh rất hay và phù hợp, có thể làm được trong các nhà trường. Tuy nhiên, để làm được việc này rất cần cơ quan quản lý, ngành giáo dục quan tâm, nghiên cứu để có bể thông minh đưa vào các nhà trường. Đặc biệt, cần có hỗ trợ về kinh phí, đầu tư thêm kinh phí hoặc xã hội hóa thì có chủ trương, chỉ đạo cụ thể để các trường có cách làm thống nhất.

Nhìn nhận về việc này, TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cũng cho rằng, Bộ GD&ĐT đã quy định rõ ràng về thu - chi trong trường học, xã hội hóa ra sao, thu gì, chi thế nào… Tuy nhiên, với việc lắp đặt bể bơi thông minh trong trường học, để tránh việc phụ huynh kêu ca, nhà trường nên có phương án chi tiết chi phí lắp đặt một bể bơi: Nhân công, nguyên vật liệu… Sau đó tuyên truyền kêu gọi sự ủng hộ của phụ huynh và các nhà hảo tâm, DN. Ông Lâm quả quyết: “Ngành giáo dục phải có cơ chế đặc thù, có chỉ đạo, cho phép trường thu phí tối thiểu bao nhiêu, một cách thống nhất, đồng đều để các nhà trường dễ thực hiện”. Bên cạnh đó, để thực hiện tốt vấn đề này, phải có sự kết hợp, tham gia của các sở, ngành, TP… về kinh phí. Như ở quận Thanh Xuân, thay vì để nhà trường và phụ huynh học sinh “gánh” toàn bộ chi phí, quận đã hỗ trợ 30% kinh phí học bơi cho HS.

Có thể thấy, trong khi đa số địa phương trên cả nước đang “bế tắc” trong việc triển khai dạy bơi cho trẻ thì một số trường ở Hà Nội đã có cách tháo gỡ linh hoạt, thay vì đợi bể truyền thống, lắp bể bơi thông minh trong nhà thể chất của trường. Điều đó chứng minh việc chống đuối nước cho trẻ không quá khó, quan trọng là chính quyền địa phương quyết tâm vào cuộc.