Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hội nghị Gắn kết giáo dục nghề nghiệp Thủ đô với thị trường lao động năm 2022:

Giải pháp hữu hiệu đẩy mạnh GDNN, phát triển nhân lực có kỹ năng

Trần Oanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Hội nghị Gắn kết giáo dục nghề nghiệp (GDNN) Thủ đô với thị trường lao động năm 2022 sẽ đáp ứng được nguyện vọng của người có nhu cầu học nghề, người tổ chức đào tạo nghề, người tuyển dụng và người lao động.

Trên 45.500 học sinh, sinh viên đã được tuyển dụng

Sáng ngày 11/12, UBND TP Hà Nội giao Sở LĐTB&XH Hà Nội tổ chức Hội nghị Gắn kết GDNN Thủ đô với thị trường lao động năm 2022, tại Trung tâm Văn hóa – Thông tin và Thể thao Bắc Từ Liêm.

Các đại biểu tham dự Hội nghị Gắn kết giáo dục nghề nghiệp Thủ đô với thị trường lao động năm 2022.
Các đại biểu tham dự Hội nghị Gắn kết giáo dục nghề nghiệp Thủ đô với thị trường lao động năm 2022.

Tham dự Hội nghị, có Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN – Bộ LĐTB&XH Trương Anh Dũng; Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng; Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Bạch Liên Hương và các Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội, Liên đoàn Lao động TP Hà Nội. Và 10.000 học sinh (HS) các trường THCS, THPT, trung tâm GDNN – GDTX 5 quận, huyện và gần 100 DN tham gia ký kết hợp tác, tuyển dụng lao động.

Trong những năm qua, chất lượng GDNN, chất lượng lao động Thủ đô ngày càng được khẳng định và nâng cao, đáp ứng được yêu cầu của DN và thị trường lao động. Kết quả tuyển sinh, tốt nghiệp và giải quyết việc làm góp phần đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2022 đạt 72,23%, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra và tăng 1,13 điểm phần trăm so với năm 2021. Trong đó tỷ lao động có bằng cấp chứng chỉ đạt 52,5%, vượt 1,3 điểm phần trăm so với kế hoạch đề ra và tăng 2,3 điểm phần trăm so với năm 2021.

Lãnh đạo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, UBND Thành phố Hà Nội, Sở LĐTB&XH Hà Nội...chứng kiến lễ ký kết hợp tác giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp.
Lãnh đạo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, UBND Thành phố Hà Nội, Sở LĐTB&XH Hà Nội...chứng kiến lễ ký kết hợp tác giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp.

Trong bài diễn văn khai mạc, Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Bạch Liên Hương cho biết, ngay sau khi Hội nghị gắn kết GDNN với thị  trường lao động năm 2021 được tổ chức tháng 4/2021, các cơ sở GDNN trên địa bàn TP đã đẩy mạnh hợp tác, gắn kết DN với nhiều hình thức phong phú, đạt hiệu quả cao. Tính đến tháng 12/2022 các cơ sở GDNN trên địa bàn đã hợp tác với gần 1.000 DN, tiếp nhận hơn 50.000 HS, SV đến thực hành, thực tập; tham gia xây dựng, chỉnh sửa hơn 400 bộ chương trình, giáo trình; đặt hàng đào tạo với hơn 75.000 người; tuyển dụng 45.560 HS, SV vào làm việc sau khi tốt nghiệp. Bên cạnh đó, DN hỗ trợ trang thiết bị, nguyên nhiên vật liệu đào tạo cho các cơ sở GDNN với tổng kinh phí hơn 15 tỷ đồng.

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ký kết hợp tác với doanh nghiệp tại gian hàng nhà trường. 
Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ký kết hợp tác với doanh nghiệp tại gian hàng nhà trường. 

Đặc biệt, 30 DN tiêu biểu tham gia ký kết tại Hội nghị năm 2021 đã tiếp nhận toàn bộ HS, SV mà đơn vị đặt hàng đào tạo đến thực hành thực tập có trả lương và tiếp nhận toàn bộ HS, SV tốt nghiệp của cơ sở GDNN đã ký kết có nhu cầu vào làm việc tại DN với mức thu nhập đạt từ 8 - 15 triệu đồng/tháng.

Giải pháp căn cơ hỗ trợ doanh nghiệp, nhà trường và học sinh

Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Bạch Liên Hương cũng chia sẻ về tình hình bệnh dịch Covid-19 kéo dài trong gần 3 năm vừa qua đã tác động nghiêm trọng đến đời sống dân sinh, lao động và việc làm. Đặc biệt là tình hình bất ổn về an ninh, lạm phát suy giảm kinh tế, giá nguyên nhiên vật liệu tăng cao ở nhiều lĩnh vực đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước và TP; dẫn đến tình hình việc làm và thu nhập của người lao động có chiều hướng giảm. Có 31 DN phải giảm giờ làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động với 13.016 người lao động.

Lãnh đạo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Sở LĐTB&XH Hà Nội tham quan các gian hàng của cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Ảnh: Trần Oanh.
Lãnh đạo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Sở LĐTB&XH Hà Nội tham quan các gian hàng của cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Ảnh: Trần Oanh.

Trước tình hình đó, Sở LĐTB&XH Hà Nội đã tham mưu và tổ chức nhiều giải pháp và biện pháp theo chức năng thẩm quyền của ngành để hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động, cơ sở GDNN trên địa bàn TP. Việc tổ chức Hội nghị Gắn kết GDNN Thủ đô với thị trường lao động là một trong nhiều biện pháp cụ thể, căn cơ mà Sở LĐTB&XH thực hiện. Hội nghị có 3 nhóm hoạt động chính: Lễ ký kết đặt hàng đào tạo, hợp tác giữa cơ sở  GDNN với DN; Tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh học nghề cho HS tốt nghiệp THCS, tốt nghiệp THPT; Phiên giao dịch việc làm. Ngoài ra, Hội nghị còn có những hoạt động bên lề như trưng bày, giới thiệu sản phẩm, mô hình thiết bị đào tạo tự làm; trình diễn kỹ năng nghề tiêu biểu.

Lãnh đạo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Sở LĐTB&XH Hà Nội tham quan các gian hàng của cơ sở giáo dục nghề nghiệp và thăm hỏi về công tác đào tạo nghề. Ảnh: Trần Oanh.
Lãnh đạo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Sở LĐTB&XH Hà Nội tham quan các gian hàng của cơ sở giáo dục nghề nghiệp và thăm hỏi về công tác đào tạo nghề. Ảnh: Trần Oanh.

Ghi nhận của phóng viên cho thấy, các trường, DN tham gia Hội nghị Gắn kết GDNN Thủ đô với thị trường lao động năm 2022 đều rất phấn khởi và khẳng định mang lại hiệu quả rất tốt. Tại các gian hàng đều có rất đông HS đến để được tư vấn, tìm hiểu các ngành nghề nhà trường đào tạo. Ông Nguyễn Trọng Tiến - Hiệu trưởng trường Trung cấp Quốc tế Hà Nội cho biết: Đây là lần thứ ba nhà trường tham gia Hội nghị Gắn kết GDNN Thủ đô với thị trường lao động. Hội nghị lần này có quy mô lớn hơn nhiều, chúng tôi được gặp gỡ và tư vấn cho các em HS; ký kết hợp tác đào tạo với 1 DN tại sân khấu lớn và 13 DN tại gian hàng. Chúng tôi mong muốn Sở LĐTB&XH Hà Nội là cầu nối gắn kết giữa cơ sở GDNN và DN, để nhà trường quảng bá, kết nối với người học và các DN.

Các đại biểu chứng kiến học sinh trường Trung cấp nghề Giao thông công chính Hà Nội trình diễn kỹ năng nghề Sơn ô tô. Ảnh: Trần Oanh.
Các đại biểu chứng kiến học sinh trường Trung cấp nghề Giao thông công chính Hà Nội trình diễn kỹ năng nghề Sơn ô tô. Ảnh: Trần Oanh.

Đối với các em HS thì rất hào hứng và phấn khởi khi đến Hội nghị vì được đi đến từng gian hàng của các trường để tìm hiểu ngành nghề đào tạo, xem trình diễn kỹ năng nghề, mô hình khởi nghiệp… Em Nguyễn Đình Pháp là HS lớp 9 trường THCS Tiền Yên, huyện Hoài Đức phấn khởi nói: Sau khi đi thăm nhiều gian hàng của các trường, em mong muốn sau này đăng ký học nghề ở trường Cao đẳng FPT hoặc trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội.

Tại Hội nghị, nhiều trường đã trình diễn kỹ năng nghề thu hút nhiều học sinh đến tham quan và tìm hiểu. 
Tại Hội nghị, nhiều trường đã trình diễn kỹ năng nghề thu hút nhiều học sinh đến tham quan và tìm hiểu. 

Nhiều người tham dự Hội nghị Gắn kết GDNN Thủ đô với thị trường lao động năm 2022 đều cho rằng đây là hoạt động hết sức có ý nghĩa và sát thực tế, khi các nhà trường và DN được ký kết hợp tác, tiếp xúc với HS để định hướng ngành học và việc làm. Như Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Bạch Liên Hương đã nói: Với quy mô và nội dung hoạt động, hy vọng Hội nghị này sẽ phần nào đáp ứng được nguyện vọng của cả người có nhu cầu học nghề, người tổ chức đào tạo nghề, người tuyển dụng và người lao động.

 

Phát biểu tại Hội nghị Gắn kết GDNN Thủ đô với thị trường lao động năm 2022, Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN Trương Anh Dũng cho rằng, Hội nghị Gắn kết GDNN Thủ đô với thị trường lao động là giải pháp hữu hiệu để đẩy mạnh giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng HS trong giáo dục phổ thông và phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh trong tình hình mới theo chủ trương, chính sách của Nhà nước.

Ông Trương Anh Dũng mong muốn các DN, tập đoàn và các cơ quan, tổ chức có liên quan tiếp tục hỗ trợ về nguồn lực, tăng cường phối hợp, tham gia để phát triển hệ thống GDNN đảm bảo cung ứng nguồn nhân lực cho thị trường lao động… Các DN cung cấp đầy đủ thông tin cho các cơ quan quản lý nhà nước về nhu cầu tuyển dụng, sử dụng lao động, nhu cầu đào tạo về số lượng, cơ cấu ngành nghề, trình độ của lao động… Và, tham gia sâu vào các khâu của quá trình đào tạo từ xây dựng các chuẩn đào tạo, trao đổi chuyên môn, cập nhật các tiến bộ khoa học – công nghệ đến tổ chức đào tạo…

Về phía các cơ sở GDNN tiếp tục bám sát nhu cầu của DN, của thị trường lao động, đa dạng hóa các hình thức hợp tác, phương thức kết nối; linh hoạt trong công tác tuyển sinh, đào tạo, đánh giá, tuyển dụng. Cùng với đó là điều chỉnh ngành nghề, chương trình đào tạo, mở rộng quy mô và tăng cường các điểu kiện đảm bảo để nâng cao chất lượng đào tạo…