Giải pháp khắc phục việc chậm ban hành văn bản về quản lý tài sản công?

Thịnh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Sáng 6/11, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Kỳ họp thứ 6, đại biểu Dương Minh Ánh (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính làm rõ giải pháp khắc phục tình trạng chậm ban hành các văn bản liên quan đến quản lý tài sản công.

Đại biểu Dương Minh Ánh (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) đặt câu hỏi chất vấn. Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Dương Minh Ánh (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) đặt câu hỏi chất vấn. Ảnh: Quochoi.vn

Các lĩnh vực kế hoạch và đầu tư; tài chính; lao động, thương binh và xã hội; nội vụ (có 2 nghị quyết chất vấn và 1 nghị quyết giám sát chuyên đề) là nhóm vấn đề đầu tiên được các đại biểu đặt câu hỏi tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn đề việc thực hiện 10 nghị quyết trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề và chất vấn.

Phạm vi quản lý tài sản công rất lớn, Luật chưa bao quát hết

Đặt vấn đề về lĩnh vực tài chính, đại biểu Dương Minh Ánh (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) phản ánh về những vướng mắc về quản lý tài sản công, pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, tài chính, đất đai thì còn chưa đầy đủ, đồng bộ. Một số văn bản quy phạm pháp luật trong quản lý, sử dụng tài sản công ban hành vẫn còn bất cập và chậm.

Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính làm rõ, với trách nhiệm của cơ quan tham mưu cho Chính phủ thì Bộ trưởng đã có những giải pháp gì để khắc phục tình trạng chậm ban hành các văn bản liên quan đến quản lý tài sản công?

Trả lời câu hỏi của ĐB Dương Minh Ánh, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, về vấn về quản lý tài sản công, chúng ta đã có Luật Quản lý tài sản công năm 2017. Sau khi có Luật, Chính phủ đã ban hành 20 Nghị định và Thủ tướng Chính phủ ban hành 3 Quyết định. Riêng Bộ Tài chính có 15 Thông tư hướng dẫn thi hành.

"Vấn đề tài sản công liên quan đến tất cả các ngành, các cấp, từ cấp xã đến cấp trung ương, phạm vi quản lý rất lớn. Việc quản lý tài sản công thể hiện trách nhiệm của người được giao quản lý tài sản công. Thời gian tới Bộ Tài chính đề xuất Quốc hội, Thường vụ Quốc hội sửa Luật Quản lý tài sản công vì Luật mới ban hành năm 2017 nhưng có một số nội dung chưa bao quát hết phạm vi"- Bộ trưởng Bộ Tài chính nói.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn

Dẫn chứng về một số nội dung chưa bao quát hết phạm vi, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, hiện chưa có hình thức mua lại tài sản để biến thành tài sản công. Ví dụ như gói thầu đặt các trạm BOT khi thay đổi hướng tuyến, khi phương án đã được Chính phủ phê duyệt triển khai do thay đổi quy hoạch nên trạm BOT đó không sử dụng được nữa. Đoạn đường ấy đưa vào cho nhà nước quản lý, cho nên có thể mua lại tài sản công của một số nhà đầu tư tư nhân để hoàn phí lâu dài. Tuy nhiên, chưa có quy định về hình thức mua lại tài sản công.

Hay như Nghị định 151 về hướng dẫn sử dụng tải sản công, Bộ Tài chính đang đề nghị Chính phủ cho sửa đổi, còn lâu dài phải sửa đổi Luật Quản lý tài sản công. Hoặc những vấn đề liên quan đến Nghị định 167, Bộ Tài chính đề nghị sửa theo hình thức rút gọn.

Đối với việc chậm ban hành văn bản chi thường xuyên, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, thực hiện Nghị quyết 74, Bộ Tài chính đã lấy ý kiến các bộ ngành, sau khi có ý kiến thì trình Thủ tướng Chính phủ bàn hành quyết định về Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vào tháng 3/2023. Chương trình này không chỉ thực hiện trong năm mà cả những năm tiếp theo nên việc này liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp và lấy ý kiến nhiều nơi. Vì vậy, việc ban hành hơi chậm so với quy định.

Quang cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 6/11
Quang cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 6/11

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, việc triển khai thực hiện Nghị quyết 74 cơ bản là nâng cao trách nhiệm của các cơ quan quản lý tài sản. Ví dụ như khi nhập xóm, xã, hay chuyển xóm mới thì phân cấp ngân sách, quản lý tài sản công phải chuyển tài công quản lý hiệu quả hoặc bán tài sản công đó đi lấy tiền thực hiện đầu tư phát triển mới đạt mục tiêu. Nội dung này thuộc trách nhiệm của các cơ quan quản lý tài sản công như cơ quan lập pháp, hành pháp và các tổ chức chính trị xã hội.

Về phía Bộ Tài chính phụ trách quản lý Nhà nước về tài sản công sẽ tăng cường tranh tra, kiểm tra đồng thời xây dựng cơ sở dữ liệu về tài sản công để thực hiện theo luật, siết chặt quản lý tài sản công.

Đại biểu Trần Thị Thanh Hương (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang)
Đại biểu Trần Thị Thanh Hương (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang)

Đối tượng mua nhà ở xã hội còn hạn chế

Nêu câu hỏi tại phiên chất vấn, đại biểu Trần Thị Thanh Hương (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang) cho biết, việc hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội là một chủ trương rất nhân văn của Đảng và Nhà nước được cử tri và đông đảo người dân phấn khởi và kỳ vọng. Nhưng đến nay tỷ lệ giải ngân đạt rất thấp, chỉ khoảng 100 tỉ đồng. Đại biểu đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết khó khăn, vướng mắc và giải pháp để góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân gói tín dụng phát triển nhà ở xã hội trong thời gian tới?.

Trả lời câu hỏi của đại biểu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, nhiệm vụ của Ngân hàng Nhà nước được giao hoàn thành 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội trong 10 năm tới, gói này sử dụng nguồn tiền huy động của các tổ chức tín dụng từ người dân, lãi suất ưu đãi từ nguồn tài chính của các ngân hàng tham gia. Sau khi có Nghị quyết của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành văn bản các tổ chức tín dụng thực hiện, đồng thời có văn bản gửi UBND các tỉnh, TP quan tâm xây dựng công bố dự án thuộc diện được cho vay theo chương trình này. Việc này được thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng.

Cùng với đó, về phía các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các ngân hàng ban hành quy trình nội bộ để triển khai các gói này. Kết quả hiện nay đã có 18/63 UBND tỉnh gửi văn bản công bố danh mục tham gia chương trình và công bố trên cổng thông tin điện tử 53 dự án với tổng nhu cầu vay là 27 nghìn tỷ đồng. Đến nay, các ngân hàng đã giải ngân 155 tỷ đồng cho 3 dự án ở 3 tỉnh thành.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn

Về nguyên nhân giải ngân gói nhà ở xã hội còn hạn chế, theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước do nguồn cung về nhà thuộc đối tượng này còn hạn chế; nhu cầu nhà ở lớn nhưng nhu cầu của người dân quyết định đi vay mua nhà phải còn phải nhắc kỹ; điều kiện hưởng chính sách nhà ở xã hội chưa phù hợp thực tế nên hạn chế (như thu nhập không thuộc diện chịu thuế thu nhập cá nhân; quy định chưa có nhà ở). Chương trình thực hiện 10 năm, các khoản vay bất động sản kéo dài nên giải ngân thấp...

Với những hạn chế nêu trên, Ngân hàng Nhà nước kiến nghị, mong UBND các tỉnh, TP quan tâm sớm công bố các dự án nhà ở thuộc chương trình này để hệ thống ngân hàng tích cực triển khai. "Chúng tôi sẽ tích cực tăng cường thông tin tuyên truyền để người dân nắm được", Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nói.