Giải pháp nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị

Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam, Trần Ngọc Chính
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Trong quá tình phát triển, tỷ lệ đô thị hoá đạt cao nhưng còn thấp so với khu vực, thế giới. Đô thị hoá chưa gắn kết, đồng bộ với công nghiệp hoá, hiện đại hoá và xây dựng nông thôn mới. Vì vậy, cần phải có giải pháp để nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị.

Những thành tựu trong phát triển đô thị

Đô thị hóa là tất yếu khách quan, là động lực thúc đẩy tăng trưởng của các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Phát triển đô thị lấy con người là trung tâm, kết hợp hài hòa đô thị hóa, công nghiệp hóa… kết hợp đồng bộ trong quy hoạch và xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị tạo ra nguồn lực, tài chính vững mạnh; biến đô thị thành nơi tạo ra động lực phát triển kinh tế mới cho đất nước.

Đô thị Việt Nam đã có lịch sử hình thành, phát triển lâu đời, nhiều giai đoạn thăng trầm do chiến tranh. Sau hòa bình lập lại, đặc biệt sau chính sách đổi mới của Đảng năm 1986, hệ thống đô thị đã có nhiều chuyển biến, tăng nhanh về số lượng và chất lượng đô thị từng bước được nâng cao. Năm 1990, cả nước có 500 đô thị (tỷ lệ đô thị hóa vào khoảng 17 - 18%), đến tháng 9/2022 có 888 đô thị, tỷ lệ đô thị hóa là 41,5%. Nhiều đô thị đã được đánh giá đạt tiêu chí phân loại đô thị cao hơn các giai đoạn trước.

Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu tích cực trong quá trình phát triển đô thị.
Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu tích cực trong quá trình phát triển đô thị.

Đô thị được cải tạo, nâng cấp, phát triển mở rộng, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, xã hội đồng bộ và hiệu quả; kiến trúc đô thị phát triển theo hướng hiện đại xanh, bền vững; chất lượng sống của cư dân đô thị từng bước được nâng cao. Đô thị hoá và phát triển đô thị trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội (đóng góp hơn 70% GDP của cả nước). Bước đầu đã hình thành cực tăng trưởng kinh tế và trung tâm đổi mới sáng tạo; khoa học, công nghệ; giáo dục, đào tạo tại 2 đô thị đặc biệt Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Mạng lưới trung tâm đô thị cấp quốc gia, cấp vùng được đầu tư phát triển; tăng tính cạnh tranh, tăng khả năng nhận diện thương hiệu đô thị. 5 TP trực thuộc T.Ư và một số đô thị loại I ở một số vùng kinh tế trọng điểm đã đảm nhận chức năng quan trọng của quốc gia (trung tâm hành chính, tài chính, đô thị cảng, đô thị du lịch quốc gia, đô thị công nghiệp 4.0, đô thị đại học quốc gia, đô thị văn hóa di sản cấp quốc gia).

Rõ ràng, sau những năm đổi mới, công tác quy hoạch xây dựng và quản lý phát triển đô thị Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể, bộ mặt kiến trúc đô thị luôn được đổi mới, hiện đại, giàu bản sắc, hạ tầng kỹ thuật đô thị được đầu tư đáp ứng yếu cầu phát triển, quản lý đô thị đã được quan tâm và nhiều đô thị ở Việt Nam ghi dấu ấn trên bản đồ đô thị thế giới như: Thủ đô Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Huế, Đà Nẵng, Hạ Long, Hải Phòng, Phú Quốc, Nha Trang, Vũng Tàu, Thái Nguyên, Hội An, Đà Lạt, Sa Pa...

Những hạn chế và thách thức

Nhìn nhận một cách khách quan, tỷ lệ đô thị hoá đạt cao nhưng còn thấp so với khu vực, thế giới. Đô thị hoá chưa gắn kết, đồng bộ với công nghiệp hoá, hiện đại hoá và xây dựng nông thôn mới. Chất lượng đô thị hoá thấp, phát triển theo chiều rộng gây lãng phí về đất đai... hạ tầng đô thị thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển dân số và kinh tế đô thị.

Ô nhiễm môi trường có xu hướng gia tăng. Dịch vụ công và phúc lợi xã hội của người dân còn thấp. Năng lực quản trị đô thị còn yếu; chính sách pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức chậm được đổi mới. Quy hoạch đô thị thiếu đồng bộ, tích hợp, công tác dự báo quy hoạch thiếu tính chính xác, chưa có tầm nhìn dài hạn, chưa gắn quy hoạch với nguồn lực thực hiện, còn phải điều chỉnh khá thường xuyên, thiếu vắng sự tham gia của DN, cộng đồng dân cư, người dân nên chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển đô thị trong giai đoạn mới.

Trên thực tế, công tác quy hoạch đô thị cần luôn đi trước một bước, chất lượng quy hoạch quyết định sự thành bại của xây dựng, phát triển đô thị. Do đó, đòi hỏi tư vấn làm quy hoạch cũng cần được tăng cường kiểm soát, phân loại và đảm bảo chất lượng công tác cấp chứng chỉ hành nghề quy hoạch.

Bên cạnh đó, là một quốc gia ven biển, với đường bờ biển dài, đô thị Việt Nam đang phải đối mặt với biến đổi khí hậu bão lũ, ngập úng, nhiễm mặn, nước biển dâng, sạt lở đất… những yếu tố này tác động, ảnh hưởng rất lớn đến quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị.

Giải pháp và kiến nghị

Trong xu thế phát triển hiện nay, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, xây dựng, hoàn thiện mô hình chính quyền đô thị; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý đô thị và chất lượng cuộc sống đô thị; Nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị, tập trung xây dựng, phát triển hệ thống đô thị quốc gia bền vững, đồng bộ về mạng lưới; Đẩy mạnh phát triển nhà ở, hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết, thích ứng với biến đổi khí hậu là những nhiệm vụ trọng tâm Nghị quyết 06-NQ/TW của Bộ Chính trị đề ra.

Cần có giải pháp đồng bộ trong quá trình quy hoạch đô thị, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội và thị trường bất động sản.
Cần có giải pháp đồng bộ trong quá trình quy hoạch đô thị, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội và thị trường bất động sản.

Để đạt được những mục tiếu đó, cần có những giải pháp và lộ trình thực hiện, cụ thể: Trước hết, quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam trong thời gian tới cần gắn với những đổi mới về hướng tiếp cận quy hoạch, phương pháp triển khai quy hoạch trong thực tiễn, đảm bảo tính khả thi của quy hoạch, chương trình, dự án phát triển đô thị. Ưu tiên hoàn thiện Quy hoạch tổng thể hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia làm xương sống cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

Về phương pháp quy hoạch và định hướng phát triển, cần hướng tới quy hoạch tích hợp - chiến lược - phù hợp bối cảnh địa phương, có sự tham gia xuyên suốt, hiệu quả của các bên trong việc nhận diện, giải quyết vấn đề đô thị, đặc biệt là vấn đề xuyên suốt như: biến đổi khí hậu, giảm nghèo, nhà ở phù hợp khả năng chi trả, phát triển bao trùm, hoà nhập không gian xã hội. Đây nên được coi là nguyên tắc nền tảng dẫn hướng cho việc soạn thảo, sửa đổi các Luật liên quan trong giai đoạn sắp tới.

Ngoài việc triển khai xây dựng các Luật quy hoạch đô thị- nông thôn; Luật quản lý phát triển đô thị, các luật liên quan đến phát triển nhà ở, hạ tầng. Kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm trong quá trình nghiên cứu sửa đổi pháp luật về đất đai, đầu tư, tài chính, tổ chức chính quyền địa phương, lưu ý tới các quy định tăng khả năng tự chủ về quản trị, tài chính cho chính quyền đô thị địa phương; ban hành, cải cách hệ thống thuế liên quan tới thị trường bất động sản, hỗ trợ huy động vốn qua trái phiếu địa phương, hoặc hoàn thiện cơ chế chính sách liên quan tới đối tác công tư PPP để có được thể chế hỗ trợ việc huy động nguồn lực, trong đó có nguồn lực đất đai vào công tác quy hoạch, đầu tư, phát triển đô thị.

Đặc biệt, cần có cơ chế chính sách để các địa phương chủ động tháo gỡ rào cản, thúc đẩy công tác chỉnh trang, tái thiết đô thị tại địa phương (từ trường hợp ở TP Hồ Chí Minh) cũng như chủ động thúc đẩy việc triển khai dự án khu đô thị mới hay có cơ chế phân cấp phù hợp trong xây dựng điều chỉnh quy hoạch chung của địa phương (từ đề xuất, kiến nghị của Quảng Nam); cho phép áp dụng thí điểm công cụ nắm bắt giá trị tăng thêm của đất (Land Value Capture), vừa tăng khả năng tự chủ tài chính của đô thị, vừa đảm bảo huy động sự tham gia của các bên và cộng đồng dân cư, góp phần xây dựng đồng thuận trong việc hình thành phương án quy hoạch, phát triển đô thị, đặc biệt với khả năng áp dụng công cụ thu gom, điều chỉnh đất đai.

Thứ hai, có cơ chế chính sách hướng dẫn, hỗ trợ triển khai xây dựng đô thị xanh, thông minh, sinh thái, thích ứng biến đổi khí hậu, tạo dựng thương hiệu đô thị Việt Nam. Đồng thời, các ngành phải đồng bộ cần cập nhật lại một số quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức đã lạc hậu hoặc chưa theo kịp xu hướng, nhu cầu phát triển mới và xây dựng tiêu chuẩn, quy định để có thể đón đầu hướng dẫn cho các xu hướng phát triển mới như đô thị thông minh, đô thị sáng tạo.

Thứ ba, cần tăng cường ứng dụng công cụ dữ liệu liên thông GIS nhằm chuyển đổi số trong quy hoạch. GIS giúp nâng cao chất lượng quy hoạch thông qua khả năng phân tích số liệu thống kê, kịch bản phát triển, lựa chọn vị trí xây dựng, kịch bản phát triển gắn với xu hướng tăng trưởng xanh, thông minh… Để đạt được mục tiêu này cần phải có cơ sở dữ liệu quốc gia liên tục được cập nhật và minh bạch hóa, những yêu cầu này cũng cần thể chế, chính sách hỗ trợ đi kèm.

Thứ tư, cần có cơ chế chính sách phối hợp các Bộ: Kế hoạch đầu tư, Tài nguyên môi trường, Tài chính, Nội vụ, Giao thông vận tải, Giáo dục, y tế và các bộ, ngành liên quan để phát triển hạ tầng kỹ thuật, xã hội trong đô thị, gắn với đồng bộ cơ sở dữ liệu quốc gia; Ưu tiên phát triển giao thông, chuyển đổi đất đai phải gắn với quy hoạch, phát triển đô thị, đảm bảo đến 2025 100% đô thị loại III trở lên đạt đủ các tiêu chí, tiêu chuẩn về phân loại đô thị.

Thứ năm, song hành với chương trình Nông thôn mới nâng cao, đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho phép xây dựng triển khai chương trình tổng thể nâng cấp, cải tạo chỉnh trang, tái thiết đô thị đến đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc đô thị để tạo vùng đệm và nâng cao chất lượng, diện mạo hệ thống đô thị Việt Nam.

Tin tưởng rằng, Nghị quyết 06 về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam; Chương trình hành động 148 của Chính phủ và các kế hoạch triển khai cụ thể của các Bộ, ngành, địa phương; với sự tham gia của cchuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước, cùng với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chúng ta sẽ cùng tháo gỡ những bất cập hạn chế trong công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị tạo động lực phát triển hệ thống đô thị và góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển bền vững đô thị Việt Nam.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần