Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giải pháp nâng chất lượng môi trường sống cho người dân ở nhà ở xã hội

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bất động sản và xây dựng là lĩnh vực tạo ra khoảng 30% tổng lượng phát thải carbon, gây biến đổi khí hậu. Vì vậy, nhu cầu phát triển nhà ở nói chung và nhà ở xã hội (NƠXH) nói riêng theo hướng tiết kiệm là xu hướng nhằm mục tiêu phát triển bền vững, giảm phát thải.

Vẫn còn bất cập

Theo Phó Trưởng phòng Quản lý phát triển NƠXH (Cục Quản lý và và thị trường BĐS, Bộ Xây dựng) Nguyễn Đức Vinh, diện tích nhà ở bình quân năm 2024 của cả nước là khoảng 26,5m2/người. Chất lượng nhà ở ngày càng được nâng cao, đồng thời với việc xây dựng đồng bộ các cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội... Đặc biệt, thị trường nhà ở đã thu hút đáng kể nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước, khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai, tăng thu cho ngân sách Nhà nước, thu hút lực lượng lớn lao động và thúc đẩy các ngành sản xuất khác phát triển.

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, đến hết tháng 4/2024, cả nước đã đạt được khoảng trên 400 công trình xanh với tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 10 triệu mét vuông. Mặc dù Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 và Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã có quan điểm rõ ràng về việc phát triển nhà ở tiết kiệm năng lượng.

Việc phát triển các sản phẩm nhà ở, trong đó có NƠXH theo hướng xanh, giảm phát thải ở Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế.
Việc phát triển các sản phẩm nhà ở, trong đó có NƠXH theo hướng xanh, giảm phát thải ở Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế.

Tuy nhiên, quan điểm này không được thể hiện trong mục tiêu cụ thể của Chiến lược nên việc áp dụng các tiêu chuẩn về sử dụng năng lượng hiệu quả, bảo vệ môi trường trong lĩnh vực về nhà ở hiện vẫn còn nhiều hạn chế, các dự án nhà ở sử dụng tiết kiệm năng lượng hiện nay đều do chủ đầu tư tự đặt mục tiêu và tự thực hiện.

“Nguyên nhân chính có thể kể đến là do nhận thức về bảo vệ môi trường, hiệu quả năng lượng khi phát triển nhà ở chưa thực sự đầy đủ, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật còn hạn chế, bên cạnh đó chi phí đầu tư công trình nhà ở này thường cao hơn chi phí nhà ở thông thường 1 - 2%. Ngoài ra, còn thiếu sự tuyên truyền, quảng bá về lợi ích từ các công trình nhà ở sử dụng tiết kiệm năng lượng nên chủ đầu tư và khách hàng mua, thuê mua, thuê nhà ở ít quan tâm đến phân khúc này” - Phó Trưởng phòng Quản lý phát triển NƠXH Nguyễn Đức Vinh nhìn nhận.

Đẩy mạnh xây dựng cơ chế, chính sách

Theo TS Trịnh Hồng Việt - Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia, để phát triển NƠXH xanh và tiết kiệm năng lượng cần thiết phải xây dựng các chỉ dẫn về định mức chi phí cho phần thực hành xanh; chỉ dẫn liên quan đến nghiệm thu thiết kế cơ sở, phòng cháy chữa cháy của công trình xanh; làm rõ lợi ích các bên liên quan; đồng thời ban hành hướng dẫn xây dựng NƠXH tiết kiệm năng lượng;

Bên cạnh đó, cần phải ban hành 1 bộ công cụ đánh giá công trình xanh; có quy định lộ trình bắt buộc thực hiện; đồng thời cũng phải có các quy định pháp luật thực hiện chính sách ưu đãi như vay lãi suất ưu đãi, thưởng diện tích sàn, thêm ưu đãi cho chủ thể phát hành trái phiếu xanh, giải thưởng, nâng cao nhận thức về công trình xanh...

Đồng quan điểm, Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia, PGS.TS Mai Thị Liên Hương cho biết, Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ NƠXH cho đối tượng thu nhập thấp công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030 được Chính phủ phê duyệt năm 2023 với mục tiêu phát triển NƠXH, nhà ở công nhân có giá phù hợp với khả năng chi trả của hộ gia đình có thu nhập trung bình, thu nhập thấp khu vực đô thị và của công nhân, người lao động trong khu công nghiệp, khu chế xuất.

Bên cạnh đó, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị 34/CT-TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển NƠXH trong tình hình mới. Trong đó nhấn mạnh việc hoàn thành xây dựng ít nhất 1 triệu căn NƠXH phải có cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích phát triển NƠXH theo hướng mô hình xanh, sử dụng tiết kiệm năng lượng, phát triển bền vững, phát thải carbon thấp.

“Để thực hiện các mục tiêu đề ra về phát triển công trình ở nhà xanh cần thiết phải bổ sung các quy chuẩn, tiêu chuẩn nhà ở đối với các thiết kế, kỹ thuật, công nghệ xây dựng mới hướng tới nâng cao chất lượng ở, phù hợp với xu hướng phát triển nhà ở xanh, bền vững, thông minh, ứng dụng công nghệ số; xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích việc áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn đối với những khu dân cư hiện hữu của hộ gia đình, cá nhân gắn với cải tạo, chỉnh trang đô thị; bổ sung cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi cho tổ chức, cá nhân tham gia phát triển nhà ở xanh, tiết kiệm năng lượng và nhà ở phát thải thấp... giúp cải thiện chất lượng cuộc sống” - PGS. TS Mai Thị Liên Hương nhấn mạnh.