Giải pháp nâng thương hiệu cho thủ công mỹ nghệ

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đây là nội dung chính tại Hội thảo "Nâng cao giá trị thương hiệu ngành thủ công mỹ nghệ thông qua năng lực thiết kế" do Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương tổ chức sáng 27/10 trong khuôn khổ Chương trình Thương hiệu Quốc gia.

Tại hội thảo, các diễn giả là giáo sư, chuyên gia cao cấp trong và ngoài nước về lĩnh vực tư vấn thương hiệu, thiết kế ngành thủ công mỹ nghệ, các DN đã đưa ra nhiều ý kiến nhằm tìm kiếm các giải pháp đột phá năng cao năng lực cạnh tranh cho ngành thủ công mỹ nghệ Việt Nam.
Trong bối cảnh hội nhập, các mặt hàng sản xuất trong nước đang phải đối mặt với cạnh tranh ngày càng cao, cùng sự lựa chọn khắt khe của người tiêu dùng, thì điều quan trọng là cần phải tạo sự khác biệt và đẳng cấp của sản phẩm, thể hiện đặc trưng văn hoá của quốc gia khi sản xuất ra sản phẩm. Đối với ngành hàng thủ công mỹ nghệ, việc tập trung xây dựng thương hiệu ngành hàng thông qua các hoạt động thiết kế đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc tăng năng lực cạnh tranh và vị thế cho các DN, đặc biệt trên thị trường xuất khẩu.
 

Thủ công mỹ nghệ là một trong những ngành có tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam, mặc dù chỉ chiếm 1,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu, với kim ngạch xuất khẩu năm 2015 đạt 1,9 tỷ USD sang hơn 163 quốc gia nhưng ngành này lại có ý nghĩa xã hội rất lớn khi giải quyết hơn 11 triệu việc làm trên cả nước.
Phát biểu tại hội thảo, ông Đỗ Kim Lang - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại khẳng định: Đối với ngành hàng thủ công mỹ nghệ, việc tập trung xây dựng thương hiệu ngành hàng thông qua các hoạt động thiết kế đóng vai trò ngày càng quan trọng, nhất là thời điểm này trong tăng cường năng lực cạnh tranh và vị thế cho các doanh nghiệp, đặc biệt trên thị trường xuất khẩu.

Chia sẻ cách thức xây dựng và phát triển thương hiệu gắn với Thương hiệu Quốc gia, bà Đặng Thanh Vân, Giám đốc Công ty tư vấn thương hiệu và truyền thông Thanhs Brand cho rằng, có tới 90% sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam dựa trên thiết kế của khách hàng nước ngoài và sử dụng nhãn mác của khách hàng lý do là vì thiếu sáng tạo trong mẫu mã sản phẩm.

Chính vì thế để chiếm lĩnh thị trường xuất khẩu khó tính, các DN cần tập trung sản xuất những sản phẩm chất lượng tốt và phải có giá trị sử dụng cao trong cuộc sống hằng ngày, không nên sản xuất đại trà vì sẽ vấp phải sự cạnh tranh của các sản phẩm đến từ Trung Quốc.
Trong khi đó, ông Lê Bá Ngọc - Phó Chủ tịch Hiệp hội xuất khẩu hàng Thủ công mỹ nghệ Việt Nam thừa nhận, trong kinh doanh hàng thủ công mỹ nghệ khách hàng càng ngày càng muốn cắt tối đa khâu trung gian. Do vậy, nhằm tháo gỡ khó khăn của các DN xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ, Hiệp hội đã có chương trình đào tạo, cung cấp thông tin, kỹ thuật sản xuất, cung cấp thông tin thị trường. Đồng thời phải cải tiến mẫu mã, thiết kế sản phẩm phù hợp với thị hiếu của thị trường mới có đủ sức cạnh tranh.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần