Thực tế cấp thiết
Không chỉ đến khi được UNESCO công nhận là di sản ký ức thế giới, 82 bia tiến sĩ mới mang "tính thiêng" như hiện nay. Đã nhiều năm nay, vào mỗi dịp kỳ thi hoặc Tết Nguyên đán là hàng ngàn học sinh, sinh viên trong cả nước lại đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám chỉ để xoa đầu rùa, mong có kết quả học tập cao. Và hậu quả là đầu rùa nhẵn bóng!
Hơn nữa, trải qua hàng trăm năm tồn tại, cùng với các triều đại, sự tôn trọng dành cho các bia tiến sĩ là khác nhau. Không ít thời kỳ bia đá bị vứt chỏng chơ, dầm mưa dãi nắng, lộn xộn không hàng lối.
Bia Tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: Thanh Khánh
Thế nên đến giờ, dù đã được dựng mái che, xếp thành hàng lối cân xứng nhưng theo KTS Lê Thành Vinh, Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích: "Hầu hết 82 tấm bia tiến sĩ đều đã sứt mẻ, nứt vỡ, bề mặt bị phong hóa và bị xâm hại bằng những vết vẽ, vết bôi bẩn của con người.
Ngoài ra, do các loại vi khuẩn, rêu và do sự "xói mòn" bởi thời tiết khiến các nét chữ khắc trên bia mờ đi rất nhiều". Thậm chí, trong một tấm hình do ông Vinh cung cấp, người xem có thể thấy rõ một tấm bia được "vá" từ 5 miếng khác nhau.
Để bảo vệ 82 bia tiến sĩ, ngăn chặn tình trạng xoa đầu rùa, cưỡi lên mình rùa đầy phản cảm còn tồn tại ngang nhiên vào dịp Tết nguyên đán Quý Tỵ, Trung tâm hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã làm hàng dây ngăn cách giữa khu vực bảo vệ rùa với đường đi của khách tham quan.
Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp tạm thời, vì sự ngăn cách này vừa gây mất mỹ quan lại chưa giải quyết được triệt để những vi phạm.
Những giải pháp chưa đồng thuận
Để bảo tồn giá trị của 82 bia tiến sĩ, UBND TP Hà Nội đã khởi động Dự án bảo tồn và phát huy giá trị các tấm bia tiến sĩ. Theo TS Đặng Kim Ngọc, chủ nhiệm dự án, có hai phương án được đưa ra nhằm bảo tồn, tôn tạo di sản tư liệu thế giới.
Phương án thứ nhất, sử dụng kính chịu lực đặc biệt làm vách ngăn cho toàn bộ hai dãy nhà bia. Như vậy, khách tham quan chỉ đứng bên ngoài vách kính, chiêm ngưỡng bia rùa, không sờ được vào di sản.
Tuy nhiên, phương án này đã vấp phải sự phản đối của nhiều nhà khoa học, vì cho rằng tạo mâu thuẫn giữa việc bảo vệ những tấm bia và rùa đội bia với nhu cầu hưởng thụ văn hóa di sản của khách tham quan.
Và như bà Phạm Thị Thúy Hằng, Phó Giám đốc điều hành Trung tâm hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám: "Khi được công nhận là di sản thì càng không thể cho di sản vào tủ kính".
Phương án thứ hai, làm lan can gỗ cao khoảng 1m quây quanh nhà bia. Theo PGS TS Đỗ Văn Trụ, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Di sản văn hóa Việt Nam: "Giải pháp này đẹp hơn, hài hòa hơn với cảnh quan di tích, phù hợp với di sản tư liệu thế giới nhưng lại thiếu an toàn".
Chính vì chưa có được sự đồng thuận, cho nên, dù Dự án bảo tồn và phát huy giá trị các tấm bia tiến sĩ đã khởi động từ năm 2012, nhưng đến nay vẫn chỉ nằm trên bàn giấy.
Hơn nữa: "Việc ngăn chặn hành động thiếu ý thức của khách tham quan chỉ là giải pháp trước mắt. Chúng ta phải tính đến phương án lâu dài, đó là việc số hóa, lưu trữ khoa học về những tấm bia đá này. Đó mới là giải pháp bảo vệ di sản lâu dài" - KTS Lê Thành Vinh cho biết.