Chiều 7/12, tiếp tục Kỳ họp thứ 14, HĐND TP Hà Nội khóa XVI tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn về nhóm vấn đề lĩnh vực giao thông đô thị trên địa bàn TP.
Đại biểu chất vấn tình trạng tài xế xe buýt phóng nhanh, vượt ẩu
Gửi câu hỏi tới Giám đốc Sở GTVT, ĐB Đàm Văn Huân (Tổ ĐB quận Thanh Xuân) nêu: Từ năm 2020 đến nay, TP đã nâng tổng số xe chạy bằng năng lượng sạch lên 277 xe (chiếm 13,6%). Vậy đến năm 2025, tỉ lệ này là bao nhiêu? Và giai đoạn từ năm 2025-2030, tỷ lệ này là bao nhiêu để đáp ứng chương trình giảm thải khí thải carbon của Chính phủ. Giải pháp Sở GTVT tham mưu cho TP để thực hiện nội dung này là gì?
Bên cạnh đó, từ năm 2020 đến năm 2023 TP đã bố trí thêm 28 tuyến xe buýt trợ giá để nâng tổng số tuyến xe buýt được giá trợ giá lên 132 tuyến. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều tuyến có tình trạng xe rỗng, xe trùng tuyến; có tuyến thì lưu lượng người đi rất đông. Đề nghị Sở GTVT cho biết giải pháp điều tiết của Sở để đáp ứng nhu cầu vận tải cũng như tránh lãng phí ngân sách ở các tuyến xe rỗng này nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng xe buýt.
ĐB Trương Hải Long (tổ huyện Thạch Thất) chỉ ra, qua phản ánh của cử tri và nhân dân cho thấy có không ít tài xế xe buýt phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách gây tai nạn giao thông. Đại biểu đề nghị Giám đốc Sở GTVT cho biết quy trình tuyển dụng sát hạch đào tạo, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, đạo đức nghề nghiệp với đội ngũ lái xe buýt và giải pháp khắc phục tình trạng này?.
Đại biểu cũng đề nghị UBND TP cho biết tiến độ thực hiện quy hoạch 5 đô thị vệ tinh để kéo giãn mật độ dân số, giảm ùn tắc giao thông.
ĐB Nguyễn Thị Lan Hương (Tổ huyện Quốc Oai) chất vấn Tổng Giám đốc Tổng Công ty vận tải Hà Nội về nguyên nhân, giải pháp khắc phục tình trạng nhiều tuyến xe buýt kém chất lượng (nội thất xuống cấp, khí thải không đảm bảo, thái độ phục vụ chưa tốt).
Đại biểu cũng đề nghị Giám đốc Sở GTVT cho biết trách nhiệm quản lý Nhà nước của Sở, nguyên nhân giải pháp khắc phục để nâng cao chất lượng vận tải hành khách công cộng của Thủ đô?.
Chất vấn Giám đốc Sở GTVT, ĐB Vũ Ngọc Anh (Tổ quận Bắc Từ Liêm) cho hay, để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, năm 2008, TP có Quyết định số 2056, trong đó quy định rõ tuyến phố không được để xe trên vỉa hè, lòng đường. Từ đó đến nay không thấy có quyết định nào thay thế, đề nghị Giám đốc Sở GTVT cho biết Quyết định 2053 còn hiệu lực hay không? Sở đã tham mưu cho TP điều chỉnh quyết định này chưa? Sở có giải pháp gì để quản lý lòng đường vỉa hè thông thoáng vào giờ cao điểm nhằm giảm ùn tắc giao thông.
Nhiều giải pháp, lộ trình để nâng cao chất lượng dịch vụ
Trả lời câu hỏi của đại biểu về thái độ phục vụ hành khách của tài xế xe buýt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Vận tải Hà Nội Nguyễn Thanh Nam cho biết, Tổng Công ty đang vận hành 71 tuyến buýt có trợ giá; có1.083 phương tiện của toàn mạng (chiếm 52,3%); mỗi ngày trung bình vận chuyển 11 nghìn lượt xe.
Tháng 7/2022 (sau đại dịch Covid-19) xe buýt được khôi phục hoạt động trở lại thì đã bộc lộ một số khiếm khuyết, tồn tại: Thói quen đi lại của người dân thay đổi, người dân chuyển sang đi lại bằng phương tiện cá nhân khiến sụt giảm lượng hành khách, sụt giảm doanh thu, “chảy máu” lao động... Điều này dẫn đến khó khăn trong việc tuyển dụng, đào tạo lại. Ngoài ra số phương tiện sau thời gian dài không hoạt động cũng bị xuống cấp.
Thời gian qua, Tổng Công ty đã đưa ra nhiều giải pháp, lộ trình để nâng cao chất lượng dịch vụ. Các giải pháp cơ bản như tuyển dụng, nâng cao năng lực trình độ cho cán bộ công nhân viên, người lao động; phát động thi đua chấp hành tốt kỷ cương kỷ luật lái xe. Cùng đó. Tổng Công ty đã tìm thêm nguồn lực để tăng bù đắp, thu nhập cho người lao động. Với nhân viên có thành tích thì khen thưởng, đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, đào tạo lại quy chế; tăng cường kiểm tra giám sát, xử lý nghiêm, không bao che dù thiếu lao động. Trong 11 tháng đầu năm 2023 đã kiểm tra gần 120 nghìn lượt xe và xử lý gần 1.100 trường hợp vi phạm.
Đối với phương tiện, hiện nay Tổng Công ty có 70% phương tiện đạt tiêu chuẩn khí thải Euro 4. Hàng năm, Tổng Công ty đã đầu tư mới gối đầu xe hết niên hạn, do vậy xe cuối chu kỳ cũ, xấu. Tuy nhiên Tổng Công ty vẫn quan tâm đến chất lượng hình ảnh, chất lượng kỹ thuật để đảm bảo tối đa xe ra tuyến đủ nhu cầu về chất lượng, hình thức.
Trong thời gian qua, Tổng Công ty đã ban hành hệ thống tiêu chí đánh giá chất lượng, an toàn kỹ thuật, hình ảnh xe ra tuyến, phân cấp mạnh mẽ về nguồn lực, gắn các chỉ tiêu cho những người trực tiếp quản lý lĩnh vực, gắn với trách nhiệm người đứng đầu. Các giải pháp này dù mới đưa vào nhưng đã có chuyển biến bước đầu.
Ngoài ra, Tổng Công ty đã có kế hoạch, lộ trình chuyển phương tiện năng lượng sạch cho từng năm, đã gửi Sở GTVT báo cáo UBND TP. Cùng đó, Tổng Công ty trriển khai quản trị bằng công nghệ thông tin, tăng kênh tiếp nhận thông tin qua đường dây nóng để người dân phản ánh video, hình ảnh và có chấn chỉnh hoạt động.
Tổng Giám đốc Tổng Công ty vận tải Hà Nội cho biết, xác định chất lượng mạng lưới và hạ tầng tuyến cũng là yếu tố cấu thành chất lượng dịch vụ nên đã thường xuyên rà soát, đánh giá cũng như đề xuất Sở GTVT báo cáo UBND hợp lý hoá luồng tuyến tần suất dịch vụ để khắc phục bất cập về hạ tầng cũng như điều kiện làm việc cho công nhân lái xe, tránh các luồng tuyến thường xuyên ùn tắc.
Với những giải pháp trên bước đầu chúng tôi nhìn nhận có kết quả, 11 tháng của năm 2023, sản lượng vận tải hành khách công cộng tăng gần 40% so với cùng kỳ; chất lượng dịch vụ đi lên, lượng phản ánh giảm. Tôi mong muốn TP tiếp tục quyết liệt triển khai các giải pháp theo Nghị quyết 04, Nghị quyết 07 của HĐND - nhất là giải pháp ưu tiên cho xe buýt lưu thông cũng như điều chỉnh cơ chế về giá vé phù hợp, ổn định để DN vận tải yên tâm thực hiện các giải pháp để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về chất lượng dịch vụ.
Năm 2023, dự kiến đạt mức 410 triệu lượt khách
Trả lời các câu hỏi liên quan đến vấn đề xe buýt, Giám đốc Sở GTVT Nguyễn Phi Thường cho biết: Năm 2022, sau dịch Covid-19, sản lượng vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt giảm nghiêm trọng. Đến năm 2023, sau nhiều giải pháp với các đơn vị vận tải xe buýt đến nay đã có tín hiệu tích cực, lượng khách tăng trưởng trở lại, dự kiến đạt mức 410 triệu lượt khách.
Trong suốt hơn 20 năm qua, TP luôn quan tâm, kiên trì, kiên định phát triển giao thông vận tải công cộng thể hiện qua cả các chỉ tiêu Nghị quyết của Thành ủy. Theo đó, Nghị quyết của Thành ủy khoá XVII đặt chỉ tiêu vận tải hành khách công cộng đạt 30,35% nhưng hiện nay mới đạt 19,02%. Hằng năm, TP cũng dành kinh phí trợ giá để phát triển xe buýt. Trong 3 năm dịch Covid-19, thói quen của người dân, doanh nghiệp và hành khách thay đổi thói quen sang đi phương tiện cá nhân. Việc làm sao kéo người dân quay trở lại với xe buýt là cách để đạt được chỉ tiêu nghị quyết. Muốn vậy cần cả biện pháp hành chính, kinh tế để giảm phương tiện cá nhân.
Theo Giám đốc Sở GTVT, vấn đề lớn nhất của xe buýt là tốc độ lưu thông. Đó là vòng luẩn quẩn. Khi nguời dân mua phương tiện cá nhân nhiều làm ùn tắc khiến tốc độ lưu thông giảm. Minh chứng rõ nhất là tốc độ của xe buýt trước đây là 22km/giờ nhưng đến nay trung bình chỉ 16km/giờ, đặc biệt giờ cao điểm chỉ hơn 10km/giờ. Chúng ta muốn xe điện êm, đẹp, thân thiện... nhưng thực tế cho thấy điều cực kỳ quan trọng là phải đúng giờ. Nếu không đạt được điều này thì người dân sợ đi xe buýt.
Trả lời câu hỏi của ĐB Đàm Văn Huân về vấn đề chồng chéo tần suất dịch vụ, có tuyến buýt rỗng, Giám đốc Sở GTVT cho biết, trong 3 năm từ 2020-2022, Sở đã phát triển thêm 28 tuyến buýt. Khi dịch Covid-19 diễn ra thì sản lượng giảm, Sở đã rà soát và thấy có những tuyến hệ số trùng tuyến lên tới trên 7,3 lần.
Trên cơ sở đó, Sở đã trình UBND TP đề xuất 3 nội dung: Tăng giá vé xe buýt; Điều chỉnh bước 1 dịch vụ xe buýt 70 tuyến, trong đó 6 tuyến dừng hoạt động, còn lại điều chỉnh tần suất hoạt động, điều chỉnh lộ trình đầu cuối hoặc kết hợp cả 2 để tối ưu hoá xe buýt (theo tính toán giảm được hơn 200 tỷ đồng/năm); Giải pháp nữa là quản lý xe buýt một cách căn cơ bằng việc đưa thẻ điện tử vào ứng dụng. Khi quản lý được thì có dữ liệu để tối ưu hoá tuyến.
Liên quan đến chất lượng hoạt động của xe buýt, Sở GTVT đã báo cáo TP ban hành quy định về đánh giá chất lượng dịch vụ các đơn vị cung ứng dịch vụ vận tải hành khách bằng xe buýt. Theo đó, nếu đơn vị xe buýt quản lý lái xe, phụ xe không tốt thì được đánh giá vào chất lượng dịch vụ và khi đơn vị tham gia đấu thầu, những kết quả này sẽ hiển thị.
Trả lời đại biểu Vũ Ngọc Anh về giải pháp quản lý vỉa hè nhằm giảm ùn tắc giao thông, Giám đốc Sở GTVT Nguyễn Phi Thường cho biết, Sở đã nhận diện được vấn đề, trước đây quy định tuyến phố cấm thì phát sinh một loạt vấn đề và thời gian khá dài.Thời gian vừa qua, Sở đã cùng Công an TP cùng các quận, huyện rà soát danh mục hơn 300 tuyến phố để điều chỉnh Quyết định 2053 của UBND TP. Sở đang xin ý kiến Bộ GTVT và tiếp thu để tham mưu trình UBND TP phương án điều chỉnh.